Giúp học sinh vững tâm trước thi tuyển
Chỉ vài tháng nữa, cùng với học sinh cả nước, hơn 82.000 học sinh lớp 12 của các trường học thuộc thành phố Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các trường học đã và đang tận dụng tối đa khoảng 'thời gian vàng' để tổ chức dạy học trực tiếp và sẵn sàng chuyển trạng thái dạy học theo cấp độ của dịch bệnh, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn, giúp các em vững tâm trước các kỳ thi và tuyển sinh.
Dạy học linh hoạt
Từ ngày 6-12, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đáp ứng yêu cầu an toàn ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đón học sinh lớp 12 trở lại trường học. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, tinh thần chủ động, tích cực của nhà trường và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc tổ chức dạy học trực tiếp đã dần ổn định và đạt hiệu quả. Các nhà trường đều chủ động tổ chức dạy học linh hoạt, sẵn sàng chuyển trạng thái dạy học phù hợp với cấp độ dịch tại địa bàn.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Nguyễn Thị Minh Châu, xác định dịch bệnh có thể còn kéo dài, tháng 10-2021, nhà trường đã chuẩn bị cho việc dạy học cả trực tiếp và trực tuyến bằng việc lắp đặt hệ thống camera ở tất cả phòng học, đồng thời tăng thêm dung lượng đường truyền internet... Những ngày qua, một số lớp chỉ có ít học sinh học trực tiếp, nhưng các tiết học vẫn diễn ra theo thời khóa biểu và bảo đảm chất lượng giữa học sinh học tại lớp và học sinh học trực tuyến do đang là F1, F2 hoặc ở khu vực phong tỏa...
Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A Nguyễn Hồng Quang, trường có 15 lớp với gần 700 học sinh lớp 12 và tỷ lệ học sinh đến trường hằng ngày đạt gần 100%. Các lớp được bố trí học giãn cách theo phương án một tuần mỗi lớp có 3 buổi học trực tiếp, 3 buổi học trực tuyến. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm quy định “5K” và chuẩn bị phương án dạy học trực tuyến hoàn toàn, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Bà Nguyễn Thị Khanh, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) chia sẻ: “Thật tiếc khi các con mới trở lại trường học trực tiếp được vài ngày thì phải chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn do trường ở địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Bố mẹ và con đều đã chuẩn bị cho tình huống này, cố gắng khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch”.
Nhiều biện pháp hỗ trợ học sinh
Với quyết tâm hoàn thành “nhiệm vụ kép”, giúp học sinh lớp 12 tự tin bước vào các kỳ thi và tuyển sinh năm 2022, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ học sinh.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) Vũ Đình Hà, nhà trường chia đôi số học sinh của một lớp và tổ chức cho 50% số học sinh học trực tiếp, số còn lại học trực tuyến trong cùng một giờ dạy; đồng thời, thực hiện phương án đổi ca theo từng tuần giữa các nhóm. Với cách thức này, số học sinh học trực tiếp không quá 23 học sinh/lớp, vừa bảo đảm giãn cách, vừa tạo điều kiện để giáo viên có thể hỗ trợ tốt nhất từng em.
Cùng với các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố, Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) đang tận dụng tối đa khoảng “thời gian vàng” để tổ chức dạy học trực tiếp hiệu quả. “Trường có 14 lớp với gần 650 học sinh lớp 12. Để giữ vững tỷ lệ 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông như năm trước, cùng với việc dạy học theo chương trình, nhà trường tập trung rà soát, ôn tập nội dung kiến thức mà các em đã học trực tuyến và tăng cường bổ trợ một số môn học có trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, với thời lượng mỗi tuần từ 1 đến 2 tiết/môn. Sau khi tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ I, nhà trường sẽ phân loại học sinh theo từng nhóm để có giải pháp hỗ trợ tốt nhất”, ông Tô Văn Nhân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo cho hay.
Em Lê Vân Hương, học sinh lớp 12D4, Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) bày tỏ: “Dù học trực tiếp hay trực tuyến, em cũng cố gắng học thật tốt và thực hiện nghiêm quy định “5K” của Bộ Y tế”.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, để bảo đảm an toàn cho học sinh, thực hiện hiệu quả kế hoạch thời gian năm học, giúp học sinh lớp 12 vững tin trước các kỳ thi, các nhà trường cần chủ động tổ chức dạy học linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến, phù hợp với diễn biến thực tế của dịch Covid-19 tại địa bàn. “Dù học sinh học tập theo hình thức nào, các nhà trường cần quan tâm, hỗ trợ tối đa cho mọi đối tượng, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tuyệt đối không để em nào bị thiệt thòi...”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.