Giúp lao động không phải 'ly hương' tìm việc

Với kinh nghiệm làm may lâu năm, năm 2011, chị Nguyễn Thị Hồng (ở xóm Tiền Phong, xã Thanh Ninh, Phú Bình) đã mạnh dạn mở 1 xưởng may gia công nhỏ để lập nghiệp. Đến năm 2018, nhằm mở rộng quy mô hoạt động và đáp ứng nhu cầu của các đơn hàng lớn, chị liên kết với 7 thợ may để thành lập HTX Phát triển nông thôn Út Hồng với lĩnh vực hoạt động chính là may gia công sản phẩm thời trang.

Chị Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc HTX Phát triển nông thôn Út Hồng, hướng dẫn công nhân kỹ thuật may.

Chị Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc HTX Phát triển nông thôn Út Hồng, hướng dẫn công nhân kỹ thuật may.

Chia sẻ về mục tiêu xây dựng HTX, chị Hồng cho biết: Tôi nhận thấy lực lượng lao động nông nhàn khá nhiều, phụ nữ trung tuổi thì gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Chính vì vậy, bên cạnh mục đích phát triển kinh tế, HTX còn hướng tới mục tiêu giúp lao động địa phương, nhất là chị em phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật có công việc ổn định và nâng cao thu nhập.

Với mục tiêu đó, chị Hồng đã xây dựng mô hình hoạt động khá linh hoạt. Ngoài làm việc trực tiếp tại xưởng, các thành viên và người lao động có thể nhận khoán sản phẩm hoặc công đoạn để làm tại nhà. Như vậy, người dân có thể vừa tranh thủ làm việc nhà, sản xuất nông nghiệp, vừa kiếm thêm thu nhập. Để nhận khoán thêm nhiều đơn hàng, một số người còn chủ động đầu tư máy móc và thuê lao động để lập nhóm may tại nơi mình sinh sống.

Chị Tống Thị Mỹ Linh, xóm Bình Định, xã Kha Sơn, cho biết: Trước đây, tôi làm việc ở một công ty may tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Cách đây hơn 1 năm, tôi phải xin nghỉ việc để ở nhà trông con nhỏ nên kinh tế rất khó khăn. Kể từ khi làm việc cho HTX của chị Hồng, tôi vừa chu toàn việc gia đình, vừa có thể nhận hàng về may tại nhà để kiếm thu nhập. Sau 1 thời gian làm việc cho HTX, tôi đã đầu tư thêm 4 máy may, thuê 4 lao động để nhận nhiều hàng hơn. Hiện, thu nhập mỗi tháng của tôi khoảng 7 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn trả lương cho lao động khoảng 3 triệu đồng/người.

HTX Phát triển nông thôn Út Hồng đang tạo việc làm cho trên 100 lao động thường xuyên và thời vụ.

HTX Phát triển nông thôn Út Hồng đang tạo việc làm cho trên 100 lao động thường xuyên và thời vụ.

Những năm qua, trong vai trò là Giám đốc HTX, chị Hồng quản lý chung, mở rộng thị trường. Dựa theo đơn đặt hàng của khách, chị cùng với một số thành viên lành nghề thiết kế mẫu; xây dựng quy trình sản xuất mẫu để tạo sự thống nhất về kỹ thuật may đối với mỗi sản phẩm. Ngoài xưởng may chính tại trụ sở HTX, chị Hồng cũng định hướng các thành viên xây dựng xưởng vệ tinh hoặc cơ sở may nhỏ để mở rộng quy mô hoạt động và tận dụng nguồn lao động tại địa phương. Hiện, HTX đang có 5 xưởng vệ tinh trong và ngoài huyện.

Với cách vận hành phù hợp, hiên nay, HTX đã thu hút được 23 thành viên tham gia, tạo việc làm cho trên 100 lao động thường xuyên và thời vụ, trong đó chủ yếu là lao động nông nhàn, lao động nữ trung tuổi. Thu nhập của lao động dao động từ 3 đến 7 triệu đồng/tháng (tùy thuộc năng suất công việc).

Sản phẩm may đảm bảo chất lượng đã giúp HTX xây dựng được niềm tin với khách hàng. Trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất được khoảng 25 nghìn sản phẩm và đạt doanh thu 400 triệu đồng.

Nói về định hướng phát triển thời gian tới, chị Nguyễn Thị Hồng cho biết: Nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường là những mục tiêu mà HTX luôn nỗ lực thực hiện. Để làm được điều đó, chúng tôi đang có dự định mở rộng nhà xưởng chính và xây dựng nhân lực chuyên trách về phát triển sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá, tiếp cận khách hàng thông qua mạng xã hội. Bên cạnh sự chủ động của HTX, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ về công tác đào tạo nghề cho người lao động, máy móc thiết bị để phát triển sản xuất...

Phan Trang

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202408/giup-lao-dong-khong-phai-ly-huong-tim-viec-2ec0d30/