Giúp lao động nông thôn nâng cao thu nhập

Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang đã đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề. Từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số.

Huyện có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Vì vậy, những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tập trung mở các lớp đào tạo nghề với mục tiêu “trao người lao động kỹ năng chuyên sâu về nghề nghiệp”. Để nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo, đơn vị đã chú trọng khảo sát nhu cầu học, có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; triển khai mô hình đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế tại từng xã. Việc đào tạo nghề theo hình thức cầm tay chỉ việc là chính, giáo trình phù hợp với các học viên là người dân tộc thiểu số, lý thuyết kết hợp với thực hành và thời lượng thực hành là chủ yếu.

Lớp dạy nghề Điện Công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp -Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang. Ảnh: Huy Hoàng

Ông Hà Văn Lại, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang cho biết, trong năm 2019, Trung tâm mở được 9 lớp đào tạo nghề cho gần 300 lao động nông thôn. Các lớp nghề chủ yếu về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy nông nghiệp... Tham gia các lớp đào tạo nghề, người lao động có thêm kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào thực tế để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, tạo ra các sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường.

Hiện nay, nông dân ở xã Hồng Thái và Khau Tinh canh tác rau sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở tất cả các vụ trong năm. Chị Đặng Thị Hiền, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái chia sẻ, trước đây cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn và thuộc vào diện hộ nghèo của xã. Chị cũng tìm mọi cách để phát triển kinh tế, nhưng vì không có kỹ thuật nên hiệu quả thấp. Từ khi được theo học lớp kỹ thuật trồng rau tại xã do huyện tổ chức và áp dụng vào thực tế, đến nay cuộc sống gia đình chị đã thay đổi dần. Hiện gia đình chị có 500 m2 rau các loại. Nhờ thu nhập ổn định từ trồng rau, năm 2018 gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, qua khảo sát tình hình thực tế, Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã mở các lớp học nghề phù hợp với nhu cầu người học. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề luôn đạt trên 80%. Sau khóa đào tạo dưới 3 tháng về kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm, chị Hoàng Thị Mừng, thôn Phai Khằn, xã Đà Vị đã dễ dàng “cho ra lò” những mẻ nấm đảm bảo chất lượng. Vừa nâng niu những bịch nấm đã được 20 ngày tuổi, chị Mừng nói: “Trồng nấm thật ra rất dễ, chỉ cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật là nấm phát triển tốt, lại không mất nhiều thời gian chăm sóc. Trong khi đó còn tận dụng được nguyên liệu rơm, rạ sau mỗi mùa vụ nên không mất nhiều vốn”. Hiện nay, gia đình chị đã có nguồn thu ổn định từ trồng nấm.

Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Na Hang đã có được những kết quả thiết thực. Nhiều lao động nông thôn đã có thu nhập ổn định sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, vươn lên thoát nghèo. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế của người lao động cũng như quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò quan trọng của việc học nghề trong phát triển kinh tế.

Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/giup-lao-dong-nong-thon-nang-cao-thu-nhap-126220.html