Giúp ngành chăn nuôi vượt khó

Theo nhiều chuyên gia, sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua vẫn thiếu bền vững, tăng về số lượng đàn vật nuôi nhưng lợi nhuận của người chăn nuôi không tăng theo mà ngược lại, còn bị thua lỗ do chi phí sản xuất tăng cao. Vì thế, vấn đề tái cơ cấu trong ngành chăn nuôi cần được đẩy nhanh và tập trung vào các đối tượng, ngành hàng chăn nuôi cụ thể.

Khu chuồng trại nuôi lợn rộng hơn 1.000m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Lục Liêu, xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) từ nhiều ngày qua vẫn để trống một nửa vì không có vốn để tái đàn. Ông Dũng cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, gia đình bán được hơn 300 con lợn thịt nhưng không có lãi vì giá cám chăn nuôi công nghiệp tăng quá cao.

Ông cũng đã thử cho lợn ăn các loại thức ăn như tinh cám gạo, bã đậu... nhưng thời gian nuôi kéo dài, tốn thêm công chăm sóc nên không có lợi nhuận. Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Tầm này năm 2020, giá cám khoảng 270.000 đồng/bao, nhưng thời điểm hiện tại, giá cám đã tăng 100.000 đồng/bao, đầu ra lại giảm trầm trọng. Chúng tôi cứ bảo nhau phải duy trì nghề nhưng càng cố càng thua lỗ. Từ năm ngoái đến giờ, nhà tôi thua lỗ hơn 1 tỷ đồng”.

 Trang trại nuôi lợn của gia đình anh Vi Văn Hạnh ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: NGUYỄN NAM

Trang trại nuôi lợn của gia đình anh Vi Văn Hạnh ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: NGUYỄN NAM

Trước thực trạng này, chuyển sang chăn nuôi vật nuôi khác là giải pháp được nhiều bà con nông dân lựa chọn. Tuy nhiên, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, đây chỉ là giải pháp tức thời trong ngắn hạn. Hiện nay, thức ăn công nghiệp chiếm tới 60-70% chi phí sản xuất trong chăn nuôi gà và lợn. Vì thế, cần có giải pháp đột phá để chủ động về khâu nguyên liệu, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng, phải cơ cấu lại, đẩy mạnh năng suất, chất lượng của các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước; điều tra, đánh giá về số lượng đàn vật nuôi, giống vật nuôi và lựa chọn cho phù hợp với từng vùng sản xuất, từng địa phương.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại Việt Nam nêu thực tế: “Doanh nghiệp không thể tiếp cận với từng đối tượng trong chuỗi giá trị chăn nuôi vì rủi ro rất cao, vì vậy cần quan tâm đến liên kết ngang, sau đó mới tính đến xây dựng chuỗi bằng cách thành lập những tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết trong chuỗi. Các trang trại quy mô nhỏ mà không liên kết ngang với nhau thì doanh nghiệp lớn không vào được, doanh nghiệp chế biến giết mổ cũng không tiếp cận được. Tiếp đó, cần xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, bảo đảm công tác truy xuất nguồn gốc. Để tái cơ cấu ngành chăn nuôi thì rất cần những mối liên kết và nâng cao vai trò của các hiệp hội, ngành hàng trong chăn nuôi. Có như vậy các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận và liên kết với những hợp tác xã, hộ chăn nuôi”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, tái cơ cấu ngành chăn nuôi cần phải hướng đến phát triển bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho các cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất trong ngành, gắn với việc thực thi các cam kết về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Vì thế, ngành chăn nuôi cần đẩy nhanh việc xây dựng chuỗi ngành hàng, xác định rõ đâu là ngành có thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển.

Cụ thể là phải tiếp cận xây dựng các ngành hàng trong ngành chăn nuôi nói chung, như: Ngành hàng thịt lợn, thịt, trứng gia cầm, sữa, thịt bò... Khi đã xác định các chuỗi ngành hàng cũng phải xác định ngành hàng nào là chủ lực trong 5, 10, 20 năm tới để tập trung nguồn lực; xác định rõ vai trò của các chủ thể tham gia trong từng ngành hàng, trong đó có doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các gia trại, trang trại hộ nông dân sản xuất lớn.

Một vấn đề nữa được ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đề cập là các chính sách có liên quan để tạo hành lang pháp lý cho việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Theo đó, chính sách cần sát với thực tiễn, phải dựa trên đánh giá tổng thể ngành chăn nuôi, dư địa của ngành còn bao nhiêu, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào ngành như thế nào cho phù hợp để không phá vỡ quy hoạch, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu chính ngạch các loại vật nuôi sống, các loại thịt, chấm dứt nhập khẩu tiểu ngạch các loại vật nuôi để hỗ trợ cho ngành chăn nuôi trong nước phát triển. “Chúng ta đã có Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chính sách đi cùng, nhưng thực tiễn đã thay đổi nên phải rà soát lại cho phù hợp hơn. Cần chia ra những ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn liên quan đến an ninh thực phẩm, phục vụ xuất khẩu và chịu sự quản lý của Nhà nước để tập trung nguồn lực đầu tư”, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Ngành chăn nuôi có vai trò rất quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Trước tình hình thế giới và thị trường trong nước có nhiều biến động, rất cần có những giải pháp đột phá trong tái cơ cấu ngành. Trước mắt cần đẩy nhanh việc tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết, sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường. Đồng thời, cần có những giải pháp để kiểm soát việc nhập khẩu hàng hóa liên quan để ngành chăn nuôi có thời gian phát triển, hướng đến sản xuất bền vững.

TUẤN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giup-nganh-chan-nuoi-vuot-kho-733471