Giúp người dân chủ động lựa chọn các phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản có chất lượng, phù hợp với nhu cầu

Thực tế, tại nhiều địa phương trên cả nước, nhờ triển khai tốt công tác xã hội hóa đã giúp gia tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Qua đó, góp phần duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới khi sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Khi bé thứ 2 được 4 tháng tuổi, chị Triệu Thị Lành (xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai. Được cán bộ trạm y tế xã giới thiệu và tư vấn, chị đã tin tưởng lựa chọn sản phẩm của Đề án 818 (xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình).

Khi sử dụng, chị rất yên tâm vì chất lượng sản phẩm được đảm bảo mà giá thành cũng tương đương với các hiệu thuốc. Dùng một thời gian thấy hiệu quả tốt, chị Lành đã giới thiệu cho chị em và bạn bè có nhu cầu cùng sử dụng.

Chị Lành là một trong những người dân đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức từ việc được bao cấp các phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ sang tự chi trả sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, dịch vụ KHHGĐ có chất lượng để bảo vệ sức khỏe sinh sản cho bản thân mình. Đây là một kết quả đáng mừng từ việc triển khai Đề án 818 trên địa bàn.

Người dân mua các sản phẩm của Đề án 818 tại Trung tâm Y tế thành phố Lạng Sơn. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Người dân mua các sản phẩm của Đề án 818 tại Trung tâm Y tế thành phố Lạng Sơn. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Theo đó, Đề án 818 được huyện Bắc Sơn triển khai thực hiện từ tháng 8/2016. Thời điểm đó, một bộ phận người dân vẫn chưa coi trọng việc sử dụng các dịch vụ KHHGĐ, vẫn tồn tại tư tưởng muốn có nhiều con và thói quen được bao cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Theo ông Đinh Văn Khoan, Trưởng Phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn), để thay đổi nhận thức người dân, Trung tâm đã tổ chức nhiều hội nghị truyền thông lồng ghép các chương trình y tế – dân số kết hợp với giới thiệu các sản phẩm thuộc Đề án 818 của Tổng cục DS-KHHGĐ và tư vấn cho những đối tượng có nhu cầu lựa chọn những dịch vụ chất lượng, phù hợp và tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác như tuyên truyền trực quan qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, qua mạng xã hội… Nhờ đó, người dân đã dần quen việc sử dụng các sản phẩm phương tiện tránh thai, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ có chất lượng được phân phối trong Đề án 818.

Tương tự, tại Khánh Hòa, Đề án 818 được triển khai đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, từ việc không chỉ chủ động tìm cho mình biện pháp tránh thai hiệu quả mà còn thay đổi nhận thức từ nhận miễn phí sang tự chi trả theo hình thức tiếp thị xã hội. Theo đó, tỷ lệ khách hàng mua các phương tiện tránh thai và hàng hóa SKSS theo hình thức tiếp thị xã hội ngày càng tăng lên.

Còn tại Hà Tĩnh – một trong những địa phương có mức sinh cao nhất cả nước, nhờ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động nhằm thay đổi hành vi của người dân về sử dụng các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản từ bao cấp miễn phí sang dịch vụ, mua bán, người dân trên địa bàn tỉnh đã dần quen tự chi trả dịch vụ KHHGĐ.

Từ sự tuyên truyền của những người làm công tác dân số, sự thay đổi trong suy nghĩ, ý thức của đông đảo người dân, mô hình gia đình ít con ngày càng được nhiều người chấp nhận. Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai, nhất là các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giup-nguoi-dan-chu-dong-lua-chon-cac-phuong-tien-tranh-thai-hang-hoa-suc-khoe-sinh-san-co-chat-luong-phu-hop-voi-nhu-cau-172211130143337275.htm