Giúp người học thuận lợi tiếp cận việc làm

Tổ chức ngày hội việc làm, hợp tác với doanh nghiệp để người học có nơi thực tập tốt, chương trình đào tạo hợp tác quốc tế, xây dựng cổng tuyển dụng trực tuyến... là những cách mà các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đang triển khai để giúp sinh viên sớm có việc làm sau khi ra trường.

Vừa qua, 28 sinh viên thuộc Khoa Kinh tế - Du lịch (Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai) đã được lựa chọn đi thực tập và trải nghiệm văn hóa tại Trường Đại học Udon Thani Rajabhat (Thái Lan). Đây là một trong những nội dung thuộc chương trình ký kết hợp tác trao đổi sinh viên giữa Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai và Trường Đại học Udon Thani Rajabhat nhằm nâng cao khả năng thực hành ngoại ngữ cho sinh viên cũng như tính tích cực, năng động, tiếp cận với văn hóa của các nước bản ngữ.

Không chỉ riêng Khoa Kinh tế - Du lịch, mỗi năm, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai đều có những hoạt động trao đổi, hợp tác để sinh viên ở tất cả các chuyên ngành học có cơ hội tiếp cận, giao lưu quốc tế. Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai đang hợp tác chiến lược với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, du lịch, văn hóa, như Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Chăn nuôi, Sun Group vùng Tây Bắc, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam, khách sạn Sapa Jade Hills, Tổ chức Sáng kiến nâng cao năng lực cộng đồng khu vực Đông Nam Á (SEARICE), Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng và Phát triển nông thôn (ICERD), Công ty Văn hóa Phúc Lai Đức (Bắc Kinh, Trung Quốc), Trường Đại học Udon Thani Rajabhat (Thái Lan)... Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên của phân hiệu tìm được việc làm sau tốt nghiệp luôn đạt hơn 96% mỗi năm.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên, Khoa Điện - Điện tử của Trường Cao đẳng Lào Cai đã xây dựng phương án cho sinh viên được nghiên cứu khoa học cùng thầy cô giáo, đồng thời tổ chức đưa sinh viên đến một số doanh nghiệp, trường học, UBND xã, nhà văn hóa để bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các thiết bị điện và nhận thiết bị điện đã hỏng về lớp học bảo dưỡng, sửa chữa. Phương pháp này giúp sinh viên tiếp cận với công việc thực tế, nâng cao trình độ tay nghề mà các em sẽ làm sau khi tốt nghiệp.

Cách làm trên không chỉ nhận được sự tham gia, hưởng ứng của sinh viên, mà còn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn các huyện Văn Bàn, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bát Xát, Bảo Yên, Mường Khương và thị xã Sa Pa... Tất cả đều tin tưởng và tạo điều kiện để học sinh, sinh viên được kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị điện, hệ thống điện của cơ quan, nhà dân.

Giảng viên Nguyễn Thị Thanh Hoa, Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao Đẳng Lào Cai cho biết: Trong quá trình đi thực tế, các em được thầy cô hướng dẫn xác định những thiết bị hỏng, tìm nguyên nhân và biện pháp sửa chữa, thay thế thiết bị mới cùng chủng loại hoặc tương đương sao cho đúng công năng sử dụng.

Những năm gần đây, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp liên kết, đặt hàng đào tạo, tuyển dụng học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh sau tốt nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tham gia các buổi lễ bế giảng và phát bằng tốt nghiệp để làm công tác tuyển dụng đối với học sinh, sinh viên vừa tốt nghiệp.

Qua khảo sát việc làm và thu nhập đối với học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng và trung cấp thì tỷ lệ có việc làm và tiếp tục học tiếp lên cao đạt 80 - 100%, có thu nhập bình quân khoảng 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Riêng đối với sinh viên trình độ cao đẳng, tỷ lệ ngay sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt 80 - 100%, trong đó nhiều ngành nghề có sinh viên có việc làm ngay đạt 100% như nghề hàn, công nghệ ô tô, hướng dẫn viên du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, kỹ thuật xây dựng, tiếng Trung Quốc.

 Nhiều hoạt động thực hành, thực tập được các trường chuyên nghiệp tổ chức nhằm giúp sinh viên có thêm trải nghiệm, kiến thức, kỹ năng nghề trước khi ra trường.

Nhiều hoạt động thực hành, thực tập được các trường chuyên nghiệp tổ chức nhằm giúp sinh viên có thêm trải nghiệm, kiến thức, kỹ năng nghề trước khi ra trường.

Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt. Kỹ năng nghề của người tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng lên. Ở nhiều nghề trọng điểm, kỹ năng nghề của lao động trong tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Hơn 80% người học có việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Thậm chí, ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ này đạt gần 100%.

Cùng với sự nỗ lực trong công tác dạy và học của các nhà trường, sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực lao động có tay nghề đã và đang tạo điều kiện cho sinh viên các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi, dễ tiếp cận công việc sau khi ra trường.

Thi Khanh

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giup-nguoi-hoc-thuan-loi-tiep-can-viec-lam-post390931.html