Giúp người lao động hiểu thêm về cải cách tiền lương

Cải cách tổng thể tiền lương được thực hiện như thế nào, 5 bảng lương mới gồm các nội dung gì, bãi bỏ lương cơ sở thì mức tham chiếu là bao nhiêu, chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024... đang là những nội dung được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đặc biệt quan tâm.

Chế độ tiền lương mới cũng là nội dung mà đoàn viên công đoàn, người lao động thường xuyên đặt câu hỏi với các chuyên gia pháp lý khi tham gia các cuộc giao lưu, đối thoại trực tiếp. Mặc dù đến thời điểm này, chưa có văn bản chính thức, nhưng các chuyên gia đã giải đáp cho người lao động nhiều nội dung cần thiết để hiểu rõ hơn về chủ trương cải cách này.

Chị Ngô Thị Thanh Bình, Công đoàn Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội chưa rõ đối tượng được hưởng theo chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 gồm những người nào? Còn chị Nguyễn Thị Bích Hằng, Công đoàn Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Hai Bà Trưng muốn biết cách tính lương mới có ảnh hưởng tới lương hưu của người về hưu sau ngày 1/7/2024 không?

Cùng quan tâm đến chế độ tiền lương mới, chị Kiều Trang, Công đoàn Trường Mầm non A Thanh Liệt muốn được giải thích khi thực hiện cải cách tiền lương thì mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là bao nhiêu. Đồng thời, khi không còn hệ số lương và mức lương cơ sở thì đóng BHXH như thế nào?

Bên cạnh chế độ tiền lương với khu vực công, nhiều người lao động cũng quan tâm đến mức lương tối thiểu vùng. Chị Nguyễn Thị Tuyết Hương, Công đoàn Trường Mầm non Trung Văn và chị Nguyễn Diệu Quỳnh, Công đoàn Trường Trung học cơ sở Mễ Trì cùng muốn biết mức lương tối thiểu vùng khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ thay đổi như thế nào, mức tăng thấp nhất là bao nhiêu...

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Phúc)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Phúc)

Giải đáp cho người lao động, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã Hội Hà Nội cho biết: Hiện nay chưa có hướng dẫn nào về cách tính lương hưu theo chế độ lương mới. Do vậy, cần đợi thêm thời gian nữa khi Dự thảo Luật BHXH được Quốc hội thông qua.

Cũng theo bà Châu, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau: Tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Căn cứ theo nội dung trên của dự thảo Luật BHXH đang được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7, người lao động có thể biết được dự kiến cách tính lương hưu cho bản thân theo từng thời điểm tham gia BHXH.

Bà Dương Thị Minh Châu cũng cho biết, Luật BHXH năm 2014 quy định về mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc là bằng mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng, do đó mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024, việc bãi bỏ lương cơ sở đã mở đường cho một cơ chế mới trong việc xác định mức hưởng lương hưu. Chính phủ sẽ có văn bản quy định cụ thể hoặc hướng dẫn cách xác định. Về việc đóng BHXH như thế nào, theo bà Châu, khi xây dựng xong cơ chế tiền lương thì những chính sách khác sẽ đi theo, nên cần đợi hướng dẫn mới nhất của các cơ quan chức năng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, từ ngày 1/7/2024 này, đối tượng cải cách tiền lương tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Cũng từ thời điểm này, Chính phủ đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động hưởng chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định, với mức tăng dự kiến là 6%.

Giải đáp về điều chỉnh lương tối thiểu vùng, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Hiện tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Nghị định về điều chỉnh lương tối thiểu vùng, dự kiến mức điều chỉnh tăng 6% so với mức hiện tại. Như vậy, tiền lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 200.000 - 280.000 đồng/tháng; mức lương theo giờ tăng lên 23.800 nghìn đồng/giờ.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giup-nguoi-lao-dong-hieu-them-ve-cai-cach-tien-luong-171632.html