Giúp người lao động vượt khó

Người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) hiện nay đang chịu nhiều áp lực về đời sống và việc làm khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong đơn hàng, thu hẹp sản xuất. Nhưng với tinh thần luôn đồng hành với doanh nghiệp, TP.HCM đã có nhiều giải pháp nhằm chăm lo cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Báo cáo 10 tháng đầu năm 2023 cho thấy, kinh tế TP.HCM đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc về chỉ số công nghiệp và dịch vụ, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp, xung đột ngày càng gay gắt, đầu tư toàn cầu sụt giảm, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro… thì nền kinh tế TP.HCM cùng khó tránh khỏi khó khăn chung.

Tình hình khó khăn của các doanh nghiệp và người lao động cũng được thể hiện rõ qua những con số do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) công bố trong báo cáo 10 tháng đầu năm 2023. Theo đó, trong tháng 9/2023, ngành lao động TP.HCM đã thực hiện tiếp nhận thông báo cho người lao động thôi việc của 6 doanh nghiệp vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, với số lao động mất việc là 292 người.

Người lao động được mua hàng giảm giá tại Ngày hội đồng hành cùng thanh niên công nhân TP.HCM do LĐLĐ huyện Củ Chi tổ chức.

Người lao động được mua hàng giảm giá tại Ngày hội đồng hành cùng thanh niên công nhân TP.HCM do LĐLĐ huyện Củ Chi tổ chức.

Từ đầu năm đến nay, Sở LĐTB&XH TP.HCM đã thực hiện tiếp nhận thông báo cho người lao động thôi việc của 46 doanh nghiệp (gồm 6 doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp và chế xuất) cùng lý do trên, với số lao động mất việc là 4.022 người, tăng 27 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022, số lao động mất việc tăng hơn 3.800 người. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 6 vụ tranh chấp lao động tập thể với tổng số người tham gia hơn 1.600 người.

Trong tháng 9/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM thực hiện tiếp nhận hơn 12.000 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và ban hành hơn 13.000 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Tính từ đầu năm đến ngày 30/9, đã thực hiện tiếp nhận hơn 128.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 125.000 người lao động.

Là một doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhất TP.HCM với khoảng 40.000 lao động, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouyuen (quận Bình Tân) cho biết: Năm 2023 là một năm khó khăn khi đơn hàng giảm mạnh khiến doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất. Từ đầu năm nay đã có hơn 9.000 người lao động bị giảm biên chế do không có đơn hàng. Tuy nhiên, để đồng hành cùng người lao động doanh nghiệp đã trợ cấp hơn 1.100 tỷ đồng cho những người lao động này.

Ông Củ Phát Nghiệp cũng cho biết, Công đoàn cơ sở đã trao đổi với Ban Giám đốc để có các chính sách chăm lo đoàn viên, công nhân lao động như: Tiền thưởng sản xuất, thưởng tết, điều chỉnh lương tối thiểu vùng, chăm lo cho công nhân về quê đón Tết, cải thiện bữa ăn giữa ca,… từ đó, góp phần đảm bảo đời sống người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Với việc nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, người lao động mất việc làm, thời gian qua TP.HCM đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện nền kinh tế, ổn định sản xuất kinh doanh. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, TP.HCM đã và đang tập trung nguồn lực triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU của Thành ủy, Nghị quyết số 18/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP.HCM và Quyết định số 2856/QĐ-UBND của UBND TP.HCM về triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch trên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ và đồng hành cùng TP.HCM bằng những hành động cụ thể, sáng tạo, chung sức trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương cần quan tâm, tiếp xúc với các doanh nghiệp thông qua chương trình “gặp gỡ và đối thoại” do các cấp Công đoàn TP.HCM tổ chức. Cạnh đó, LĐLĐ tạo điều kiện thuận lợi choCông đoàn ngày càng phát huy vai trò là người đại diện chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Để đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại các doanh nghiệp, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM cho biết, Công đoàn TP.HCM mong muốn các doanh nghiệp đồng hành với Công đoàn để quan tâm, chăm lo cho người lao động ngày càng tốt hơn. Theo ông Tâm, ngoài việc chấp hành đúng quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sẽ cùng tổ chức Công đoàn thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với nhiều chính sách tốt hơn cho người lao động so với quy định pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể hay lãn công, ngừng việc tập thể, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Mới đây, LĐLĐ TP.HCM đã ban hành các chương trình, kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho đoàn viên - lao động, trong đó chương trình "Tết sum vầy - Xuân tri ân" với mục tiêu hỗ trợ 13.000 gia đình lao động không có điều kiện về quê đón Tết, trong đó có những lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp khó khăn thu hẹp sản xuất.

Bên cạnh đó, LĐLĐ TP.HCM cũng đồng thời triển khai các hoạt động chăm lo Tết phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm tạo độ phủ và đạt hiệu quả như chương trình "Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình" với các hình thức trực tiếp và trực tuyến qua đó tặng phiếu mua hàng cho 10.000 công nhân; tạo điều kiện để 10.000 gia đình công nhân không về quê đón Tết được tham quan điểm vui chơi miễn phí tại TP.HCM theo chương trình "Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng TP.HCM", chương trình "Tấm vé nghĩa tình" hỗ trợ vé tàu, xe, máy bay cho đoàn viên về quê đón Tết…

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giup-nguoi-lao-dong-vuot-kho-162383.html