Giúp người lao động vượt qua khủng hoảng
Sau thời gian dịch COVID-19 kéo dài, lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế khiến người lao động lo lắng
Một trong những hạn chế của người lao động (NLĐ) hiện nay là thiếu kiến thức cũng như kỹ năng về phòng ngừa và giải quyết các vấn đề mà bản thân và gia đình gặp phải. Điều này dẫn đến họ bị thiệt thòi về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, bị sang chấn tâm lý và nguy cơ rơi vào khủng hoảng tâm lý xã hội. Đây là những vấn đề được các đại biểu nêu lên tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp trợ giúp tâm lý - xã hội đối với NLĐ tại các KCX-KCN trước các sự kiện khủng hoảng" do Trường ĐH Tôn Đức Thắng vừa tổ chức.
Chịu nhiều áp lực
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho hay hiện thành phố có 17 KCX-KCN với gần 30.000 NLĐ đang làm việc, trong đó 71% là lao động ngoại tỉnh. Thu nhập của NLĐ có nâng lên nhưng vẫn chưa bảo đảm được mức sống tối thiểu của gia đình họ ở một đô thị lớn như TP HCM. NLĐ chưa có tích lũy hoặc tích lũy rất thấp, không đủ đáp ứng khi bản thân, gia đình gặp phải sự kiện gây khủng hoảng như thiên tai, dịch bệnh, mất việc làm. Do đó, nhiều trường hợp NLĐ phải tìm đến tín dụng đen hoặc rút BHXH một lần để có tiền giải quyết những khó khăn trước mắt.
Bên cạnh đó, môi trường sống tại nhà trọ, nhà lưu trú chưa thật tốt. Đa số NLĐ đều mong muốn con học gần nơi ở, nơi làm việc để có điều kiện, thời gian gần gũi, chăm sóc nhưng nhiều gia đình phải gửi con về quê. Giá cả leo thang là một gánh nặng kinh tế cho NLĐ, do đó hầu hết muốn tăng ca để có thêm tiền trang trải cuộc sống. "Điều kiện học tập, nâng cao trình độ còn hạn chế do hầu hết thời gian làm việc ở nhà máy. Việc giao lưu, kết bạn, xây dựng gia đình của NLĐ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các lao động nữ" - ông Tâm nói.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết từ tháng 6-2022, việc xuất khẩu và đơn hàng của nhiều doanh nghiệp (DN) giảm sâu, hầu hết DN chế biến gỗ gặp khó khăn, sản xuất cầm chừng 30%-50% công suất. Theo thống kê của ngành lao động tỉnh Bình Dương, từ tháng 10-2022 đến nay có khoảng hơn 200.000 lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động.
Sau thời gian dịch COVID-19 kéo dài, lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, nhiều NLĐ rơi vào trạng thái khủng hoảng: lo lắng bị nhiễm, tái nhiễm dịch bệnh, lo mất việc làm, lo thu nhập bị giảm, lo chưa tìm được nơi làm việc mới… "Nếu không được hỗ trợ, tư vấn, giải tỏa sự căng thẳng, lo âu kịp thời sẽ dẫn đến các vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần" - bà Trân nhìn nhận.
Cần sự chung tay
Lương thấp và điều kiện sống không tốt có thể dẫn đến NLĐ có cảm giác thất vọng và lo lắng về chất lượng cuộc sống. Đối với NLĐ có tâm lý xã hội không tốt, họ có thể gặp phải các vấn đề như bệnh tật, stress…
Theo ông Phan Nghiêm Long, chuyên viên Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam, giai đoạn 2020 - 2022, dịch COVID-19 tác động mạnh, để lại những hệ quả tiêu cực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, việc làm, thu nhập và cuộc sống của NLĐ. Nhằm hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động và bảo đảm an sinh xã hội, khắc phục hậu quả dịch COVID-19, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cùng ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động và bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Lê Bích Phong, quản lý Chương trình - Trung tâm Nâng cao Chất lượng cuộc sống (Life), nói DN là nơi làm việc trực tiếp của NLĐ, những chính sách cụ thể của DN ảnh hưởng trực tiếp đến NLĐ. DN phải xem chất lượng cuộc sống của NLĐ được cải thiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng công việc, năng suất lao động. Vì thế, DN cần xây dựng đội ngũ nhân viên có kiến thức về y tế, trợ giúp tâm lý cho NLĐ ở nhà máy; quan tâm đến không gian, môi trường làm việc; chăm sóc sức khỏe tâm lý cho NLĐ bằng các buổi trò chuyện, tư vấn tâm lý, giải quyết những căng thẳng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo DN lắng nghe ý kiến phản hồi từ NLĐ và tạo ra văn hóa tích cực trong DN. "Điều quan trọng nhất là tạo thói quen để NLĐ sẵn sàng đối mặt khi có sự cố xảy ra. Không thể để sự cố xảy ra rồi đánh giá, lúc này mức độ tổn thương của NLĐ sẽ rất lớn. Một vấn đề cực kỳ quan trọng là hướng dẫn NLĐ có kế hoạch tài chính, quản lý chi tiêu hợp lý. Nếu không, họ sẽ lâm vào cảnh vay mượn, nợ nần" - ông Phong góp ý.
ThS VŨ VĂN HIỆU, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng:
88,9% NLĐ có nhu cầu hỗ trợ tâm lý
Qua khảo sát 720 NLĐ tại TP HCM, Bình Dương và Hải Phòng, có 88,9% NLĐ cho rằng hoạt động trợ giúp tâm lý xã hội là cần thiết và rất cần thiết; 74% ý kiến sẵn sàng tiếp cận, chia sẻ nhu cầu của mình khi có các mô hình, dịch vụ, hoạt động trợ giúp tâm lý xã hội triển khai tại nơi làm việc và nơi sinh sống. Để thực hiện tốt việc hỗ trợ tâm lý xã hội cho NLĐ, cán bộ Công đoàn, NLĐ nòng cốt tại DN cần trang bị kiến thức và kỹ năng tư vấn, tham vấn... cũng như ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền, phổ biến chính sách, nắm bắt kịp thời sự thay đổi về đời sống tâm lý xã hội của NLĐ.