Giúp người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng
Các đối tượng CNMT tại Cơ sở CNMT và TGXH tỉnh lao động trong quá trình điều trị cai nghiện. Ảnh: CTV
Thời gian qua, tuy còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và địa phương, công tác cai nghiện ma túy đã đạt được một số kết quả đáng kể. Đặc biệt, công tác xã hội với người nghiện ma túy đã giúp cho một số người cai nghiện thành công, tái hòa nhập cộng đồng.
Theo kết quả khảo sát, thống kê trên địa bàn tỉnh hiện có 86 xã, phường, thị trấn có người sử dụng và nghiện ma túy. Địa phương có người sử dụng và nghiện ma túy nhiều nhất là TP Tuy Hòa với 416 người. Địa phương có số lượng người nghiện ma túy ít nhất là huyện Sơn Hòa, 29 người.
Cai nghiện để hòa nhập cộng đồng
Ông Cao Tấn Trường, Phó Giám đốc phụ trách Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội (CNMT và TGXH) tỉnh, cho biết: Trước đây, không ít người quan niệm, người nghiện ma túy là người bỏ đi, là tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, làm đảo lộn cuộc sống bình yên của gia đình, xã hội. Họ thiếu ý chí vươn lên thoát khỏi ma túy để làm lại cuộc đời. Còn bản thân người nghiện ma túy lại tin rằng “nghiện ma túy là nghiện mãi mãi, có cai nghiện nhiều lần cuối cùng vẫn nghiện, không bỏ được”. Những quan điểm đó đã làm cho những người nghiện không có động lực vươn lên trong cuộc sống mà ngày càng lún sâu, tuyệt vọng trong bế tắc, bất lực. “Cơ sở CNMT và TGXH luôn xác định, công tác xã hội (CTXH) đối với người CNMT là nhiệm vụ quan trọng nhằm trợ giúp người cai nghiện thông qua các mô hình can thiệp từ cá nhân đến nhóm để họ nâng cao nghị lực, quyết tâm, tự tin quyết định các vấn đề của bản thân trong các giai đoạn của quy trình phục hồi và là tiền đề tái hòa nhập cộng đồng bền vững”, ông Trường nói.
Trong năm 2019, để giúp người CNMT, tổ công tác CNMT các địa phương tổ chức vận động từng người nghiện ma túy, gia đình có người nghiện cung cấp thông tin, tự nguyện tham gia CNMT tại gia đình, tại cộng đồng. Kết quả, có 22 người đăng ký và lập hồ sơ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Công tác tiếp nhận, quản lý người sau CNMT, tái hòa nhập cộng đồng được thực hiện theo các bước: Người nghiện ma túy được các ban ngành, đoàn thể, đội CTXH tình nguyện cấp xã phối hợp với tổ dân phố, gia đình vận động CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở CNMT và TGXH. Người nghiện ma túy sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện bắt buộc đã ổn định tâm lý, sức khỏe, được giao cho gia đình, người thân quản lý, theo dõi, giúp đỡ.
Anh N.T.H (phường 4, TP Tuy Hòa) đang CNMT tại cộng đồng, chia sẻ: “Vì một phút lầm lỡ, nghe theo lời rủ rê của bạn mà tôi lầm đường, lạc lối, sa vào ma túy dẫn đến nghiện ngập. Giờ đây tôi rất hối hận. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, người thân, đặc biệt là cán bộ, nhân viên CTXH thường xuyên vận động, khuyên nhủ nên tôi đang dần hoàn thành chương trình CNMT tại nhà”.
Nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên CTXH
Mới đây, Sở LĐ-TB-XH phối hợp với Trường đại học Lao động xã hội (cơ sở 2 - TP Hồ Chí Minh) mở lớp tập huấn cho lực lượng cộng tác viên CTXH để can thiệp, hỗ trợ người nghiện ma túy tại cộng đồng. Học viên tham gia lớp tập huấn được trang bị các nội dung: Vai trò, nhiệm vụ của cán bộ CTXH trong can thiệp hỗ trợ người nghiện ma túy; truyền thông phòng, chống ma túy và giảm kỳ thị với người nghiện ma túy; quy trình hỗ trợ điều trị nghiện của cán bộ CTXH; các hoạt động can thiệp hỗ trợ nhóm cho người nghiện ma túy. Với sự truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm thực tế, các giảng viên đã giúp cho lực lượng cộng tác viên CTXH nắm được các kiến thức cơ bản và các kỹ năng tiếp cận, tham vấn hỗ trợ người nghiện ma túy tại cộng đồng.
Theo ThS Lê Chí An, giảng viên Trường đại học Lao động xã hội, vai trò, nhiệm vụ của nhân viên, cộng tác viên CTXH tuyến xã/phường rất quan trọng trong quá trình hỗ trợ người nghiện trong và sau cai nghiện, đặc biệt là trong xu thế hiện nay các mô hình hỗ trợ người nghiện tự nguyện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Các hoạt động trợ giúp của nhân viên, cộng tác viên CTXH với người nghiện ma túy rất đa dạng từ các hoạt động hỗ trợ cá nhân người nghiện, hỗ trợ gia đình có người nghiện và các hoạt động với cộng đồng về nâng cao nhận thức về ma túy, tham gia vào quá trình hỗ trợ người nghiện và gia đình họ. Đồng thời hỗ trợ tìm kiếm các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội khác trong quá trình điều trị và phục hồi; liên kết nhiều ngành, nhiều đoàn thể trong việc chống nghiện ma túy như phát hiện và triệt phá các ổ tiêm chích, buôn bán ma túy…
Ông Cao Tấn Trường cho biết thêm: Cơ sở CNMT và TGXH tỉnh hiện có 6 người cai nghiện bắt buộc, 33 người CNMT tự nguyện. Hoạt động CTXH tại cơ sở được đánh giá là hoạt động trị liệu hiệu quả, thiết thực. CTXH giúp học viên học cách chia sẻ, sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau về các vấn đề của cá nhân hay tập thể, là điều kiện cho học viên phát huy những điểm mạnh của bản thân, đồng thời biết nhận ra những hạn chế của mình và học cách khắc phục, giúp học viên nhanh chóng vượt qua sự thèm nhớ chất gây nghiện và tham gia vào quá trình phục hồi. Cơ sở thường xuyên đổi mới các mô hình, các hình thức sinh hoạt như trong nhà, ngoài trời, giao lưu, thi đấu thể thao... làm cho các hoạt động sôi nổi, vui tươi tạo hiệu ứng tích cực, để người cai nghiện hứng thú và nhiệt tình tham gia sinh hoạt.
Còn ông Nguyễn Nhàn, Phó Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH) cho hay: Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy và CNMT được các ngành, các cấp quan tâm triển khai thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp về tác hại của việc sử dụng chất ma túy và nghiện ma túy; nâng cao cảnh giác với tội phạm và tệ nạn ma túy, gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn. “Từ nay đến cuối năm, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác CNMT tự nguyện theo 3 hình thức: Cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; cai nghiện tự nguyện bằng thuốc thay thế (Methadone) và cai nghiện tự nguyện tại cơ sở CNMT và TGXH. Phấn đấu hết năm 2020, các địa phương đều thực hiện công tác CNMT bắt buộc”, ông Nhàn thông tin.
Cơ sở CNMT và TGXH luôn xác định, CTXH đối với người CNMT là nhiệm vụ quan trọng nhằm trợ giúp người cai nghiện thông qua các mô hình can thiệp từ cá nhân đến nhóm để họ nâng cao nghị lực, quyết tâm, tự tin quyết định các vấn đề của bản thân trong các giai đoạn của quy trình phục hồi và là tiền đề tái hòa nhập cộng đồng bền vững.