Giúp nhau giảm nghèo, ổn định cuộc sống

Nhiệm kỳ qua, nhiều hoạt động, mô hình phát triển kinh tế phù hợp với tình hình địa phương được hội viên, phụ nữ (HV, PN) hưởng ứng tham gia, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả.

5 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Nhơn Ninh phối hợp giúp 28 hộ hội viên, phụ nữ thoát nghèo (Ảnh tư liệu: Mô hình đan giỏ nhựa)

5 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Nhơn Ninh phối hợp giúp 28 hộ hội viên, phụ nữ thoát nghèo (Ảnh tư liệu: Mô hình đan giỏ nhựa)

1. Gia đình bà Nguyễn Thị Phượng (ấp 915, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), trước đây thuộc diện hộ nghèo. Qua sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã, bà vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chăn nuôi, cải thiện thu nhập cho gia đình. Cuộc sống dần ổn định hơn, bà nhận thêm việc về nhà làm. Với thu nhập từ nghề đan nhựa, gia đình bà trang trải được phần nào chi phí sinh hoạt trong đợt dịch Covid-19.

“Nhằm thực hiện hiệu quả khâu đột phá giảm nghèo cho nữ chủ hộ nghèo theo Nghị quyết Đại hội đại biểu PN tỉnh lần thứ IX, hàng năm, Hội rà soát, lập danh sách hộ nghèo do PN làm chủ hộ, đề ra giải pháp hỗ trợ thiết thực, phù hợp. 5 năm qua, Hội phối hợp giúp 28 hộ nghèo do PN làm chủ hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều” - Chủ tịch Hội LHPNVN xã Nhơn Ninh - Võ Thị Lòng cho biết.

Bên cạnh đó, Hội triển khai, thực hiện Đề án “Hỗ trợ PN khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Trong nhiệm kỳ, Hội hỗ trợ, giúp đỡ về kiến thức, vốn vay cho 12 HV khởi sự kinh doanh; phối hợp mở 4 lớp dạy nghề đan giỏ nhựa, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật cắt tỉa cây kiểng, kỹ thuật trồng rau mầm; giới thiệu việc làm cho 470 HV, PN.

Chị Ngô Thị Dung - Tổ trưởng Tổ đan ghế nhựa ấp Trại Lòn Bắc, xã Nhơn Ninh, là một trong những hộ khởi sự kinh doanh thành công. Chị Dung chia sẻ, nghề đan nhựa không khó, học vài ngày là có thể làm được, vài tuần là thành thạo. Đối với những chị em lớn tuổi, không đủ sức khỏe để làm công nhân hoặc những người ở nhà chăm sóc con nhỏ thì đây là công việc rất phù hợp.

Không chỉ chú trọng xây dựng các mô hình giảm nghèo, Hội LHPNVN xã còn tuyên truyền, vận động HV, PN ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; vận động tham gia các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn. Đến nay, có 92 hộ gia đình HV, PN tham gia các mô hình trong vùng lúa ứng dụng công nghệ cao của xã, diện tích 175ha.

2.Tại xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo luôn được Hội LHPNVN xã quan tâm. Ngay từ đầu năm, Hội xây dựng kế hoạch hỗ trợ HV, PN nghèo và triển khai đến các chi, tổ hội. Nhờ tinh thần đoàn kết, chung tay giúp nhau giữa các HV, PN, trong nhiệm kỳ 2016-2021, nhiều chị em đã cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Nghề đan nhựa giúp hội viên, phụ nữ xã Thạnh Phước tăng thêm thu nhập lúc nông nhàn (Ảnh tư liệu)

Nghề đan nhựa giúp hội viên, phụ nữ xã Thạnh Phước tăng thêm thu nhập lúc nông nhàn (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hội LHPNVN xã Thạnh Phước - Phạm Thị Trúc Mai thông tin, qua rà soát, lập danh sách hộ nghèo do PN làm chủ hộ, Hội phối hợp mở 15 lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh của các chị em. 5 năm qua, từ việc hỗ trợ kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cùng nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, Hội giúp 4 HV khởi sự kinh doanh, tăng thu nhập với nghề bán hàng online, bán tạp hóa,... Đồng thời, Hội còn giới thiệu việc làm tại địa phương cho 121 HV, PN. Trong nhiệm kỳ, có 14 hộ HV, PN nghèo được hỗ trợ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều thông qua các mô hình chăn nuôi, đan nhựa, đan lục bình,... Chị Huỳnh Thị Phượng - Tổ trưởng tổ đan giỏ nhựa ấp Cả Sáu, cho hay, nếu làm xuyên suốt, có người thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng, người làm ít cũng được trên 1 triệu đồng/tháng.

Theo chị Phượng, Tổ đan giỏ nhựa của ấp thành lập khoảng 4 năm. Nguồn nguyên liệu và tiêu thụ ổn định, HV, PN không phải lo lắng khi tham gia mô hình. Đến nay, tổ có 60 thành viên, các chị em có thể làm tại nhà, vừa chăm sóc gia đình, vừa kiếm thêm thu nhập. Nhiều chị em tận dụng thời gian nông nhàn để đan giỏ, thu nhập không nhiều nhưng cũng giảm gánh nặng chi tiêu hàng ngày.

Thông tin từ Hội LHPNVN xã Thạnh Phước, trên địa bàn hiện có 20 tổ tiết kiệm tín dụng của PN với 491 thành viên, 11 tổ góp vốn xoay vòng với 240 thành viên, 1 tổ hợp tác nuôi bò với 28 thành viên. Những tổ này đều đang hoạt động hiệu quả, giúp nhiều chị em có điều kiện vươn lên. Đối với những hộ gặp khó khăn về nhà ở, HV, PN lớn tuổi, neo đơn, bị bệnh đều được Hội vận động hỗ trợ kịp thời.

Bằng những hoạt động, mô hình cụ thể, thiết thực, các cấp Hội LHPNVN trong tỉnh trở thành chỗ dựa vững chắc giúp HV, PN phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhiều chị em đã vươn lên, có cuộc sống ổn định hơn, góp phần thực hiện hiệu quả chỉ tiêu giảm nghèo của các địa phương./.

An Kỳ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giup-nhau-giam-ngheo-on-dinh-cuoc-song-a127401.html