Giúp nhau thoát nghèo bền vững
Xác định giảm nghèo bền vững, là một trong những nhiệm vụ quan trọng được cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện. Cùng với các địa phương khác trên địa bàn huyện, xã Phú Xuân (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, mô hình hay, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.
Năm nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú Xuân ra mắt mô hình “2 hộ khá giúp đỡ 1 hộ nghèo”, với mục tiêu giúp đỡ 7 hội viên phụ nữ thoát nghèo trong năm 2024. Để các chị có nguồn lực vươn lên thoát nghèo bền vững, Hội LHPN xã huy động nguồn vốn từ các chị có điều kiện khá, giàu. Đồng thời, khảo sát ghi nhận nhu cầu thực tế các hội viên hộ nghèo đang cần hỗ trợ về mặt nào.
“Đa phần các chị đang cần có chỗ ở ổn định, 2 chị cần vốn để mưu sinh. Nguồn vốn ngân hàng vay có rất nhiều, nhưng chúng tôi muốn có cách làm thiết thực, giúp đỡ vật chất, tiếp thêm về tinh thần cho các chị có động lực lớn hơn để thoát nghèo nên đã cho ra đời mô hình này” - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Xuân Đặng Thị Thu Thủy chia sẻ.
Mô hình “2 hộ khá giúp đỡ 1 hộ nghèo” có 14 hội viên phụ nữ khá, giàu tham gia “tiếp sức” cho 7 hội viên hộ nghèo và hộ cận nghèo. Ngày ra mắt, các chị đã đóng góp 15 triệu đồng để cất 1 Mái ấm phụ nữ nghèo, trong đó, Hội LHPN xã hỗ trợ 7 triệu đồng; trao vốn hỗ trợ cho 2 hội viên.
Các hội viên tiếp tục huy động nguồn lực, vận động vật liệu, tiền mặt để hỗ trợ khi cần thiết. Hàng quý, thành viên tham gia mô hình sinh hoạt 1 lần, cập nhật những khó khăn tiếp theo của thành viên được giúp đỡ nhằm tháo gỡ kịp thời. Song song đó là công khai các nguồn đã tiếp nhận, chi hỗ trợ để xây dựng lòng tin cho các chị và kết nối thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ khác.
Hộ chị Lê Thị Thủy, ấp Phú Đông, thuộc diện hộ cận nghèo, là mẹ đơn thân, chị Thủy dựa vào nghề mua bán phế liệu để mưu sinh, nuôi con nhỏ và mẹ già. Hội LHPN xã kết nối cho các hội viên khác giúp đỡ chị Thủy nguồn vốn để có thêm điều kiện mua bán.
Chị Dương Kim Liên, một trong những người tham gia góp vốn giúp cho các chị em bày tỏ: “Tôi thấy rất ý nghĩa khi được chia sẻ phần nhỏ thu nhập của mình cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn hơn. Thấu hiểu hoàn cảnh của các hội viên phụ nữ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong xã, chúng tôi đồng tình hỗ trợ vốn không lãi suất, tạo cơ hội cho các chị được tiếp vốn vươn lên cải thiện cuộc sống”.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân Võ Đình Huy cho biết, cuối năm 2023, xã Phú Xuân có 15 hộ thoát nghèo, đạt 150% chỉ tiêu được giao và 33 hộ thoát diện cận nghèo. Đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn 84 hộ, tỷ lệ 5,8%; hộ cận nghèo là 142 hộ, tỷ lệ trên 9,8%. Hàng năm, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển nhiều mô hình, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tham gia thực hiện. Hiện nay, xã đang thực hiện mô hình sinh kế nuôi dê sinh sản ở 10 hộ. Bước đầu, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế khả quan, tạo việc làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ gia đình.
Ngoài ra, UBND xã phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện (LĐ-TB&XH) duy trì tổ chức đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó, nắm bắt nguyện vọng các hộ có nhu cầu vay vốn, tham gia các mô hình sinh kế và có giải pháp phối hợp ngành huyện giúp đỡ.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền của huyện Phú Tân quan tâm sâu sát, kịp thời. Với nhiều cách làm hay, hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của các địa phương trên địa bàn huyện, nhất là các xã vùng nông thôn của huyện ngày càng giảm, đời sống của người dân không ngừng nâng cao.
Đến nay, toàn huyện Phú Tân còn 1.458 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 2,7% và 3.036 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,7%. Năm 2024, huyện đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,5% và hộ cận nghèo giảm 1,5%.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Tân Võ Thanh Tùng cho hay, thời gian qua, huyện tập trung thực hiện đồng bộ những chính sách, như: Tín dụng việc làm, hỗ trợ bảo hiểm y tế, ưu đãi về giáo dục, hỗ trợ về pháp lý, lao động việc làm, học nghề… Đó cũng là những giải pháp căn cơ nhất để người nghèo có điều kiện vươn lên.
Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không chỉ là chăm lo về vật chất, nâng cao đời sống của người dân mà còn phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của Nhân dân, nhất là ý chí tự lực của người nghèo để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Năm 2024, huyện Phú Tân được hỗ trợ vốn để thực hiện công tác giảm nghèo trên 12 tỷ đồng. Để giải ngân hết nguồn vốn này, cần nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân và đối tượng thụ hưởng chương trình thông suốt, hiểu rõ các chính sách hỗ trợ, điều kiện tiếp nhận và phương thức sử dụng để đồng vốn đạt hiệu quả cao nhất.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/giup-nhau-thoat-ngheo-ben-vung-a403365.html