Giúp nông dân đảm bảo lợi nhuận trong 'bão giá' vật tư nông nghiệp
Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao.
Tuy nhiên, do được dự báo trước từ đầu vụ nên nông dân dần thay đổi trong việc chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng an toàn và giảm giá thành. Nhờ đó, mặc dù đầu tư ít giống và phân bón nhưng năng suất lúa vẫn đạt cao.
Mới đây, Cục Trồng trọt đã công nhận quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 7 công đoạn cụ thể áp dụng cho vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu gồm: làm đất chuẩn bị đồng ruộng; chuẩn bị hạt giống; phân bón; quản lý nước tiết kiệm, hiệu quả; quản lý dịch hại; thu hoạch, xử lý sau thu hoạch; phạm vị địa điểm áp dụng quy trình.
Tùy theo từng mùa vụ, điều kiện sinh thái, thời tiết và từng nhóm giống, lượng giống gieo sạ đảm bảo không quá 80kg/ha cho phương pháp sạ lan (bằng tay, máy phun hạt), sạ hàng và không quá 60kg/ha đối với phương pháp sạ theo cụm (khóm). Việc giảm lượng giống trong gieo sạ sẽ kéo theo tiết giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Theo tính toán sơ bộ của các địa phương, quy trình này có thể giảm 15% chi phí trong sản xuất lúa.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long là quy trình tổng quát. Tùy theo từng mùa vụ, điều kiện sản xuất của từng vùng, ngành trồng trọt sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá và điều chỉnh ngay cho phù hợp.
Nhìn lại vụ Đông Xuân 2021-2022, Cục Trồng trọt đánh giá, trong vụ sản xuất này đã có sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của nông dân. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ; quản lý dịch hại IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng” thay cho tập quán cũ là phun thuốc định kỳ; giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ, kỹ thuật tưới tiết kiệm nông - lộ - phơi...
Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp giảm chi phí sản xuất, nhất là trong bối cảnh giá nhiều vật tư đầu vào, đặc biệt là giá phân bón tăng cao và giá bán lúa luôn biến động như hiện nay.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong vụ Đông Xuân vừa qua, hầu hết các tỉnh đều triển khai kế hoạch và thực hiện giảm lượng giống gieo sạ. Kết quả cho thấy lượng giống lúa gieo sạ dưới 100 kg/ha đang có chuyển biến tích cực, lượng giống gieo sạ trên 150 kg/ha có chiều hướng giảm, xu hướng 120 – 130 kg/ha đang được triển khai nhiều tại các tỉnh. Ngoài ra, nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha có kết quả tốt và đang được tuyên truyền nhân rộng trong sản xuất.
Tuy nhiên, vẫn còn sự biến động rất lớn giữa các tỉnh và các vụ sản xuất trong năm, nên cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại các tỉnh, thành duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng có sự chuyển biến về việc giảm lượng giống gieo sạ các hộ. Điển hình các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Nông và Lâm Đồng, trong đó Đà Nẵng và Quảng Nam có tỷ lệ 100% gieo dưới 100 kg/ha; tuy nhiên vẫn còn biến động rất lớn giữa các tỉnh và các vụ sản xuất.
Một số vùng miền núi còn tập quán sạ dầy do ảnh hưởng của chim, chuột và nắng hạn cục bộ thường xuyên xảy ra làm thất thoát lượng giống. Do đó, ở Tây Nguyên, lượng giống lúa gieo sạ trên 150 kg/ha còn chiếm 12%, duyên hải Nam Trung Bộ còn 10%.
Kết hợp cùng với đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa như san lấp phẳng đồng ruộng, áp dụng máy sạ hàng và máy cấy,… sẽ giúp việc giảm lượng giống lúa gieo sạ được thực hiện tốt hơn, ông Nguyễn Như Cường cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã có các mô hình sản xuất lúa nhằm giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế đốt rơm rạ, giảm ô nhiễm môi trường, giúp giảm lượng phân đạm, tăng sức đề kháng cho cây lúa, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật.
Điển hình như mô hình sản xuất lúa được chứng nhận hữu cơ tại Kiên Giang 629 ha, hay sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở nhiều địa phương; mô hình sản xuất lúa được chứng nhận VietGAP với hàng nghìn héc ta tại Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang… ; mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP với diện tích 45,89 ha tại Hậu Giang; hay chương trình canh tác lúa thông minh…
So với ruộng không áp dụng theo quy trình, các mô hình trên đã chứng minh cho người nông dân thấy lợi nhuận cao hơn ruộng không áp dụng mô hình, dao động từ 3 - 8 triệu đồng/ha.
Điển hình chương trình canh tác lúa thông minh do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp cùng Công ty cổ phần phân bón Bình Điền đã triển khai ở 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả rất tích cực, được nông dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia và nhân rộng.
Nông dân tham gia được tập huấn về kỹ thuật, qua đó nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong canh tác lúa. Nông dân được hướng dẫn phải tuân thủ thời gian cách ly theo khuyến cáo về thời vụ sản xuất cũng như trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; nhận thức rõ tác hại của việc đốt rơm rạ, gây mô nhiễm môi trường. Thay vào đó là thu gom, trồng nấm để gia tăng hiệu quả kinh tế, sau đó tiếp tục ủ thành phân hữu cơ để rải trên đồng ruộng, tạo thành kinh tế tuần hoàn.
Trước khi gieo sạ lúa, nông dân được hướng dẫn đo độ pH của đất để điều chỉnh cho phù hợp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho cây lúa phát triển, sử dụng phân bón hiệu quả. Nông dân không sử dụng thuốc trừ rầy xử lý hạt giống. Sử dụng phân bón chuyên dùng thay thế phân đơn phối trộn để đạt hiệu quả cao.
Qua chương trình, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đánh giá, hoàn toàn có thể giảm lượng phân bón vừa giảm được chi phí, giảm phát thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đây là điều hoàn toàn có thể làm được nhưng vẫn còn sự phụ thuộc vào các vùng sinh thái; tập quán, cây trồng.
Bên cạnh đó, nông dân tăng cường bón lót phân hữu cơ; sử dụng các dạng phân Ure chậm tan để chống thất thoát đạm. Trước khi bước vào gieo cấy vụ mới, ngành nông nghiệp các địa phương thường khuyến cáo nông dân cày ải, phơi đất, cải tạo mặt bằng, vệ sinh đồng ruộng và giãn cách giữa hai vụ ít nhất 3 tuần để tránh sự lây lan dịch bệnh từ vụ trước sang vụ sau.