Giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật

Trong sản xuất nông nghiệp, tiến bộ khoa học kỹ thuật có vai trò rất quan trọng, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm… Từ những hiệu quả đó, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh luôn chủ động phối hợp với các ban ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến nông dân.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nông dân xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) kỹ thuật ủ chua rơm để phối trộn thức ăn tinh, làm bánh dinh dưỡng để vỗ béo cho gia súc. Ảnh: NGỌC HÂN

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nông dân xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) kỹ thuật ủ chua rơm để phối trộn thức ăn tinh, làm bánh dinh dưỡng để vỗ béo cho gia súc. Ảnh: NGỌC HÂN

Đưa tiến b k thut vào sn xut

Nhẩm tính lại hiệu quả về mặt kinh tế của việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào chăn nuôi, ông Lê Văn Phú ở xã An Chấn (huyện Tuy An) chia sẻ: “Gia đình tôi đã nuôi bò nhiều năm, lúc trước chủ yếu dùng cỏ để cho bò ăn nên việc trữ cỏ cho mùa khan hiếm rất vất vả. Từ khi tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật ủ chua (cỏ, bắp, rơm) phối trộn thức ăn tinh, làm bánh dinh dưỡng để vỗ béo bò, đàn bò ăn nhiều hơn, ngủ ngon, đường tiêu hóa ổn định. Sau thời gian vỗ béo bằng thức ăn ủ chua, đàn bò tăng trọng tốt nên bà con chúng tôi phấn khởi khi áp dụng kỹ thuật nuôi mới này”.

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhiều diêm dân ở làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm (xã Xuân Bình, TX Sông Cầu) đã tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để sản xuất muối trải bạt thay cho cách làm truyền thống lâu nay; đồng thời được hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTX Muối Tuyết Diêm phấn khởi nói: Qua 2 năm thực hiện mô hình sản xuất muối trải bạt dưới sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năng suất muối luôn đạt từ 115-120 tấn/ha/vụ, thời gian làm muối rút ngắn từ 2-3 ngày so với làm muối nền đất, chất lượng muối đảm bảo, ít lẫn tạp chất, thương lái ưa chuộng nên các hộ dân thu lợi nhuận khoảng 90 triệu đồng/ha/vụ.

Còn theo ông Bùi Xuân Khang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), các chương trình khuyến nông đã ăn sâu vào nếp sản xuất hằng ngày của người nông dân, từ tập huấn về KHKT đến hỗ trợ các mô hình trình diễn, công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao so với sản xuất truyền thống.

“Ngoài hỗ trợ về kỹ thuật, cây, con giống, hệ thống khuyến nông các cấp còn hỗ trợ nông dân vốn mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ đó, xã Hòa Quang Bắc đã hình thành được vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, trồng hoa và rau màu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp nông dân vươn lên làm giàu”, ông Khang cho biết.

Thúc đẩy ng dng, xây dng chui liên kết

Xác định nhiệm vụ trọng tâm là đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã nỗ lực tìm tòi, tiếp cận các mô hình mới, đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng tại các địa phương.

Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho hay: Hằng năm, đơn vị chủ động xây dựng các mô hình khuyến nông trên cơ sở gắn ứng dụng KHKT với việc lựa chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời phối hợp với trạm khuyến nông các huyện nắm bắt nhu cầu thực tế của nông dân để tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất và hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất.

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với phòng kinh tế, phòng NN&PTNT, hội nông dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 30 lớp tập huấn ngay tại hiện trường; 2 hội thảo về giải pháp nuôi trồng và phát triển thủy sản, chăn nuôi gia cầm… thu hút hơn 1.000 hội viên tham gia.

Bà Nguyễn Châu Hải Đăng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh chia sẻ: Với phương pháp cầm tay chỉ việc thông qua các lớp tập huấn tại hiện trường như: hướng dẫn kỹ thuật chế biến, dự trữ thức ăn thô xanh cho gia súc; hướng dẫn kỹ thuật chiết, ghép cho cây ăn trái; phương pháp ủ, sử dụng phân chuồng và phụ phẩm trong nông nghiệp; kỹ thuật chăm sóc hoa lay ơn…, người dân được trang bị kiến thức về liên kết, hợp tác trong sản xuất, thay đổi nhận thức từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Theo ông Trương Văn Tuấn, giúp nông dân tiếp cận tiến bộ KHKT đã được đơn vị xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đưa vào chỉ tiêu thi đua chấm điểm xếp loại hằng năm.

“Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến gắn với hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, xây dựng tổ hợp tác, tổ liên kết. Ngoài ra, trung tâm đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ, nhất là đối với sản xuất lúa, rau củ quả và chăn nuôi. Nhân rộng mô hình sử dụng máy bay không người lái trong việc gieo sạ giống, phun thuốc bảo vệ thực vật; các mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn trái; trồng rau, hoa màu trong nhà lưới, nhà kính. Đặc biệt là xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm gắn với phát triển du lịch”, ông Trương Văn Tuấn khẳng định.

Để người nông dân thực sự làm chủ KHKT, khi xây dựng mô hình và tổ chức hướng dẫn chuyển giao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cần xác định rõ lợi thế của mỗi địa phương, áp dụng kỹ thuật phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền. Quan trọng nhất, mỗi cán bộ khuyến nông phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đa dạng hình thức chia sẻ thông tin.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/322528/giup-nong-dan-lam-chu-khoa-hoc-ky-thuat.html