Giúp nông dân ứng dụng KHKT vào sản xuất

Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp đã vận động và hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương; giúp cho bà con nông dân trong huyện được tiếp cận với kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, nâng cao thu nhập.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp kiểm tra mô hình nuôi bò nhốt chuồng

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp kiểm tra mô hình nuôi bò nhốt chuồng

tại bản Bánh Han, xã Nậm Lạnh.

Ông Tòng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm cho biết: Những năm trước, trồng trọt, chăn nuôi ở huyện còn nhỏ lẻ, phân tán, Trung tâm đã tiến hành khảo sát điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khả năng hợp tác của các hộ tham gia dự án để xây dựng các mô hình kinh tế tập trung. Tăng cường mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, tưới chủ động, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả trên đất dốc. Từ nguồn hỗ trợ chương trình 30a, xây dựng nông thôn mới, đến nay, trên địa bàn huyện bắt đầu hình thành những mô hình trồng trọt, chăn nuôi tập trung, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”, từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở 53 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng; kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; tiêm phòng cho gia súc, gia cầm..., với sự tham gia của gần 2.000 lượt nông dân trên địa bàn. Đến nay, bằng các nguồn hỗ trợ, Trung tâm đã giúp người dân xây dựng được 19 mô hình trồng trọt, chăn nuôi có năng suất cao, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung. Điển hình như mô hình trồng hơn 15.000 cây bưởi diễn, bưởi da xanh cho 117 hộ của các xã: Púng Bánh, Dồm Cang, Mường Và, Mường Lạn; mô hình trồng 3 ha cây ăn quả áp dụng hệ thống tưới chủ động tại bản Tà Cọ, hiện cây sinh trưởng phát triển tốt; mô hình trồng 8 ha cây ăn quả có múi có hệ thống tưới tiết kiệm nước tại xã Sốp Cộp; mô hình trồng 10 ha sa nhân tím dưới tán rừng tại bản Phồng, xã Nậm Lạnh cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi ngựa sinh sản tại bản Sam Quảng, nuôi dê sinh sản tại bản Púng Tòng và bản Mới, xã Nậm Lạnh; mô hình nuôi bò quy mô 34 con tại xã Púng Bánh... Bên cạnh đó, Trung tâm còn hướng dẫn, hỗ trợ các hộ thực hiện 7 mô hình trồng trọt, chăn nuôi tự nguyện, liên kết sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình nuôi 1.200 con gà an toàn sinh học, 500 con gà siêu đẻ trứng tại bản Huổi Pe, Huổi Khăng xã Sốp Cộp; mô hình nuôi gà thả vườn tại bản Tông, xã Mường Và; mô hình nuôi lợn địa phương tại bản Lả Mường, xã Sốp Cộp... hiện các mô hình đã mang lại thu nhập ổn định.

Chúng tôi đến bản Nó Sài, xã Sốp Cộp, những nương lúa, nương sắn của bà con trước đây đã được thay bằng màu xanh của cam, bưởi. Được biết, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp đã hỗ trợ thực hiện mô hình trồng cây ăn quả có hệ thống tưới tiết kiệm, quy mô 8 ha, với 7 hộ tham gia, từ mô hình đã làm thay đổi tư duy của người dân, nhiều hộ dân trong bản đã chuyển dần từ trồng lúa, ngô, sắn sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Gia đình ông Tòng Văn Vương là một trong những hộ trong bản mạnh dạn chuyển đổi 1,4 ha đất trồng sắn, lúa nương thực hiện mô hình trồng cây ăn quả. Ông Vương chia sẻ: Sau khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả và được sự hỗ trợ của Trung tâm, gia đình tôi đã mạnh dạn trồng 700 gốc bưởi da xanh. Ngoài được hỗ trợ về giống, còn được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, giúp chúng tôi không phải vất vả trong việc tưới nước cho cây, nhờ đó, vườn cây hiện đang phát triển rất tốt.

Còn anh Vì Văn Sơn, bản Bánh Han, xã Nậm Lạnh cho biết: Tháng 8/2019, được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ 10 con bò nuôi nhốt chuồng, gia đình tôi đã đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, đáp ứng quy mô nuôi 30 con bò; trồng 1 ha cỏ gine, cỏ voi và chuyển đổi đất trồng sắn của gia đình sang trồng cây chít để làm thức ăn; sau hơn 6 tháng, đàn bò đã lớn gấp đôi so với ban đầu. Thời gian tới, gia đình tiếp tục mở rộng quy mô đàn lên 30 con.

Có thể thấy, với sự đồng hành của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp, nhiều hộ nông dân đã chủ động hơn trong áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các mô hình kinh tế tập trung, góp phần chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giup-nong-dan-ung-dung-khkt-vao-san-xuat-30597