Giúp nông sản thoát cảnh 'giải cứu' ở vỉa hè
Hàng ngàn tấn nông sản ở Hải Dương và nhiều vùng nông thôn khác sẽ không còn rơi vào cảnh phải 'giải cứu' vì dịch bệnh nhờ sàn thương mại điện tử.
p>
Covid-19 gây khó tiêu thụ nông sản
Chuyên sống với nghề trồng các loại bắp cải, bầu, bí, mướp… nhiều đời qua, chưa bao giờ gia đình ông Đỗ Văn Chung ở thôn Quang Bị, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lại gặp nhiều khó khăn như đợt dịch Covid-19 lần này. Sản lượng bắp cải bình quân đạt hơn 2 tấn/sào, những năm trước bán được khoảng 7 – 8 triệu đồng/sào/năm, nhưng giờ không có người đến thu mua. Thu nhập 2 triệu đồng/sào cũng là rất khó.
Cùng địa bàn xã Phạm Trấn, ông Phùng Danh Út, chủ một vườn dưa sạch trồng theo phương pháp nhà màng, cũng không khỏi buồn rầu, lo lắng. Nửa tháng nay không có xe vào lấy hàng, giá bán dưa sạch của vườn nhà ông rớt mạnh từ mức 35.000 đồng/kg xuống chỉ còn 11.000 – 12.000 đồng/kg tại vườn.
Nông sản được "giải cứu" ở các vỉa hè Hà Nội
Ảnh: Phạm Hải
Địa phương vào cuộc
Bản thân những người nông dân như ông Chung, ông Út nhiều năm nay chỉ quanh quẩn với ruộng đồng. Gặp đại họa như lần này, họ “lúng túng như gà mắc tóc”.
Một trong những giải pháp Hải Dương đã triển khai và cho thấy hiệu quả là việc ứng dụng CNTT. Hải Dương đã lập nhanh các nhóm Zalo như Nhóm Doanh nghiệp nông nghiệp Hải Dương, Nhóm Nông nghiệp Hải Dương vượt qua đại dịch, Nhóm Tổng hợp nhu cầu… Mỗi nhóm đều có lãnh đạo Sở, lãnh đạo các phòng chuyên môn và lãnh đạo các đơn vị thuộc sở trực tiếp tham gia để hỗ trợ việc kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như những người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp.
“Để hỗ trợ bà con, chúng tôi sử dụng cổng thông tin điện tử của xã, sử dụng các nhóm Zalo gửi các nhà thu mua để họ về tiếp cận, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức… để tìm kiếm thêm mối tiêu thụ. Trong thời gian cách ly, toàn xã đã chuyển được xấp xỉ 800 tấn hàng nông sản gồm bắp cải, su hào, dưa chuột… ra thị trường. Hiện còn tồn khoảng 300 tấn bắp cải chưa tiêu thụ được”, ông Nguyễn Tiến Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Trấn cho biết.
Ông Đỗ Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc nói thêm: “Nhờ các nền tảng công nghệ, bà con nông dân địa phương có thể ghi lại hình ảnh các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, tươi tốt, cũng như khẳng định sản phẩm của mình an toàn dịch bệnh khi sản phẩm đến với người tiêu dùng. Các thương lái, đầu mối tiêu thụ tin tưởng hơn khi cung cấp các sản phẩm này tới những địa phương khác. Đến hôm nay, gần 10.000 tấn rau củ quả của Gia Lộc và khoảng 200 tấn thịt gia cầm đã được xuất bán”.
Nhờ các hoạt động kết nối bằng công nghệ nêu trên, rất nhiều nông sản Hải Dương đã được mang ra Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác để tiêu thụ. Tuy nhiên, hàng loạt su hào, bắp cải, cà rốt, trứng gà… được mang ra vỉa hè la liệt nằm chờ “giải cứu” với giá rẻ như cho đã tạo nên một khung cảnh nhếch nhác, giá bán rất rẻ và tỉ lệ nông sản bị hỏng rất cao.
Giải cứu bằng cách đưa nông sản đến tận tay người mua
Những người nông dân thuần phác như ông Chung, ông Út, và kể cả không ít lãnh đạo cấp xã ở tỉnh Hải Dương chưa biết rằng đã và đang có một kênh tiêu thụ có thể giúp “giải cứu” nông sản một cách văn minh hơn. Đó chính là sàn thương mại điện tử.
“Bao lâu nay tôi chưa hề nghĩ tới chuyện đăng sản phẩm lên sàn để bán vì có biết đâu mà làm, không có ai giới thiệu, hướng dẫn cách làm, nên cứ trồng rồi bán ra thị trường tự do thôi”, ông Út thật thà chia sẻ.
Thực tế, sàn thương mại điện tử là một công cụ rất hữu hiệu, có thể giúp các hộ nông dân thoát cảnh ế hàng, thất thu.
Nhiều năm nay, những sàn thương mại điện tử như Vỏ sò (Voso.vn) của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) hay Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post)… đã giúp rất nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP (thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng trong cả nước.
Trong bối cảnh nông sản tồn đọng, không tiêu thụ được do dịch bệnh, Viettel Post đã chủ động tiếp cận nông dân để mời bà con lên sàn. Hàng nông sản mang ra vỉa hè để “giải cứu” thường là được thu hoạch khá lâu ngày, chất lượng đã kém đi. Nếu “giải cứu” trên sàn thương mại điện tử thì người tiêu dùng vẫn có thể mua được hàng giá rẻ mà vẫn đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa”, ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post nhấn mạnh.
Để có thể đưa nông sản (loại hàng hóa có thời hạn thu hoạch và thời hạn sử dụng rất ngắn) đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, đảm bảo độ tươi, ngon, sạch, Viettel Post triển khai hệ thống logistics thông minh. Sau khi bà con nông dân đẩy đơn hàng lên sàn Vỏ sò thì Viettel Post sẽ gom tất cả các đơn hàng đó, ghép nông sản Hải Dương thành 1 tuyến, dùng xe ô tô vận chuyển theo lô, giao hàng tới tận tay người tiêu dùng.
Mục tiêu đặt ra là với những đơn hàng trong phạm vi dưới 100km thì tổng thời gian từ lúc thu hoạch tới khi giao tận tay người tiêu dùng chỉ khoảng 4 giờ, các đơn hàng trong phạm vi xa hơn sẽ có thể cộng thêm 2 giờ đồng hồ.
Bán hàng trên sàn thương mại điện tử thì có vấn đề đáng lo ngại là hoàn hàng. Hàng nông sản thì gần như không thể hoàn vì nếu hoàn cũng chỉ bỏ đi, không thể tái sử dụng. Để giải bài toán này, Viettel Post triển khai giải pháp đặt đơn tín chấp, người mua có thể vào tài khoản Viettel Pay hoặc lên sàn Vỏ sò đặt cọc trước. Viettel Post sẽ đóng vai trò giám sát chất lượng sản phẩm, không đưa đến tay người tiêu dùng những nông sản được trồng sai quy cách, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, dễ gây độc hại cho người dùng.
Vị Tổng Giám đốc của doanh nghiệp bưu chính sở hữu sàn thương mại điện tử Vỏ sò cam kết: “Nếu hàng hóa trên sàn Vỏ sò đã được Viettel Post xác minh mà vẫn bị sai về chất lượng, quy cách vận chuyển thì chúng tôi sẽ đền bù gấp 10 lần”.
Cũng trong chiều 2/3, lãnh đạo Viettel Post Hải Dương đã được giao nhiệm vụ hướng dẫn bà con nông dân ở tỉnh này tạo tài khoản trên sàn Vỏ sò, biết cách livestream sản phẩm… để tự tin tiêu thụ nông sản Hải Dương trên khắp mọi miền đất nước.
Một hy vọng mới đang mở ra, nông sản sẽ không còn phải giải cứu ở vỉa hè mà từ nay sẽ đi thẳng từ người sản xuất đến người tiêu dùng khi có dịch bệnh và cả khi không có dịch bệnh.