Giúp tân sinh viên 'an cư'

Ngoài ưu tiên bố trí chỗ ở tại ký túc xá cho SV năm thứ nhất, các trường ĐH có nhiều hình thức hỗ trợ người học tìm nhà trọ với giá cả phù hợp.

Tân sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM tìm hiểu nhà trọ và KTX trong ngày nhập học 20/8. Ảnh: HUIT

Tân sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM tìm hiểu nhà trọ và KTX trong ngày nhập học 20/8. Ảnh: HUIT

Ưu tiên bố trí chỗ ở tại ký túc xá

TPHCM hiện có hơn 50 ký túc xá (KTX) của các trường đại học, cung cấp hàng chục nghìn chỗ ở cho sinh viên. Trong số này, KTX Đại học Quốc gia TPHCM có quy mô lớn nhất với 47 tòa nhà từ 5 - 16 tầng, cung cấp gần 40.000 chỗ ở. KTX Trường Đại học Tôn Đức Thắng (cơ sở TPHCM) với 4 khối nhà, phục vụ gần 5.000 chỗ ở. Hệ thống KTX Đại học Kinh tế TPHCM gồm 2 cơ sở tại TPHCM (Nguyễn Chí Thanh, Trần Hưng Đạo) với hơn 1.500 chỗ ở.

Tại Trường Đại học Tài chính - Marketing, nhà trường bố trí hơn 500 chỗ ở tại 2 KTX của cơ sở Long Trường (TP Thủ Đức, TPHCM) và Tân Mỹ (Quận 7, TPHCM)… Giá cho thuê KTX đa dạng, dao động 350 nghìn đồng đến 1,1 triệu đồng/tháng, tùy theo loại phòng, có máy lạnh hay có quạt. Có KTX cung cấp những phòng dịch vụ cao cho sinh viên với giá thuê 2 - 3 triệu đồng/tháng.

Hầu hết nhà trường đều ưu tiên dành chỗ ở KTX cho tân sinh viên. Chẳng hạn, năm nay, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM dành 1.200 chỗ ở cho sinh viên khóa mới; KTX Trường Đại học Sư phạm sẽ tiếp nhận 311 tân sinh viên. Do chỗ ở thực tế không đáp ứng đủ nhu cầu nội trú của sinh viên nên ban quản lý các ký túc xá sẽ xét duyệt trên thứ tự ưu tiên.

Ngoài ra, các trường đại học dành những ưu tiên cho sinh viên thuộc diện chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. KTX Đại học Quốc gia TPHCM sẽ miễn 100% lệ phí phòng ở 6 - 8 người với sinh viên khuyết tật và các trường hợp đặc biệt; giảm 50% giá lệ phí phòng ở đối với sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ, bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn khác.

Tại Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, do lượng phòng hạn chế nên ban quản lý KTX xét theo thứ tự ưu tiên. Theo đó, đơn vị sẽ ưu tiên sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, diện chính sách, bị bệnh hiểm nghèo, người dân tộc thiểu số. Sinh viên hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật được xem xét giảm giá 50% tiền phòng hoặc tùy đề xuất của KTX nhờ ban giám hiệu xem xét hỗ trợ.

Năm học 2024 - 2025, Học viện Nông nghiệp Việt Nam bố trí 1.000 chỗ ở nội trú trong khu KTX cho tân sinh viên khóa 69. TS Giang Trung Khoa - Trưởng ban Công tác Chính trị và Công tác sinh viên cho hay, KTX của Học viện có các phòng ở khép kín, đảm bảo an ninh trật tự, với chi phí từ 160 – 180 nghìn đồng/sinh viên/tháng (chưa kể chi phí điện, nước). Học viện dành chỗ ở nội trú cho sinh viên thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (có giấy xác nhận).

“Khu KTX của Học viện khang trang, sạch sẽ, đáp ứng nhu cầu của gần 4.000 sinh viên. Năm 2024, Học viện có Chương trình học bổng “hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số vùng nông nghiệp trọng điểm ở Việt Nam” như: Vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Đối với các vùng này, sinh viên nhận học bổng toàn phần được hỗ trợ 100% học phí, ở miễn phí ký túc xá và được cấp sinh hoạt phí hàng tháng…”, TS Giang Trung Khoa thông tin.

 Tân sinh viên đến nhập học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Anh Đức

Tân sinh viên đến nhập học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Anh Đức

Ngân hàng nhà trọ trực tuyến

Chuẩn bị đón sinh viên trúng tuyển năm 2024 nhập học, Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) cập nhật hơn 4.000 chỗ ở trên trang thông tin Ngân hàng nhà trọ trực tuyến của trường. Trên nền tảng hệ thống dữ liệu được số hóa, mỗi phòng trọ sẽ hiển thị đầy đủ hình ảnh, thông tin về tiện ích, vị trí, chất lượng, giá cả,…

Ngoài ra, trong những ngày sinh viên làm thủ tục nhập học, Đội tình nguyện viên hỗ trợ nhà trọ của Trường Đại học Đông Á sẽ hoạt động ngay tại bàn tư vấn. Đội tình nguyện chia làm 3 tổ gồm: Phụ trách tư vấn phòng trọ phù hợp; đưa đón phụ huynh, sinh viên trực tiếp xem phòng và vận chuyển hành lý đến trọ; hỗ trợ bước đầu tại phòng trọ để tân sinh viên làm quen và ổn định sinh hoạt.

Đội Hỗ trợ tìm nhà trọ sinh viên của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội luôn sẵn sàng, nhiệt tình giúp đỡ tân sinh viên. ThS Phạm Thị Thúy Hường - Phó Trưởng phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên cho hay, đội quản lý và hỗ trợ theo hình thức trực tuyến qua trang “Hỗ trợ Tìm nhà trọ Sinh viên ĐH Xây Dựng Hà Nội” và nhóm cùng tên trên mạng xã hội Facebook.

Đối với trang Facebook, đội hoạt động theo phương pháp hỗ trợ trực tiếp tới từng sinh viên. Các bài viết khi đăng lên phải qua kiểm tra và xác thực thông tin với chủ trọ và được chọn lọc. Đặc biệt, bài viết chỉ được nêu giá và địa chỉ kèm theo hình ảnh. Đối với nhóm Facebook, Đội sẽ giúp sinh viên và chủ trọ tương tác thuận tiện hơn, số lượng phòng cũng như những nhu cầu khác được cập nhật kịp thời và hỗ trợ nhanh chóng hơn.

ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính - Marketing thông tin, Đoàn trường hiện làm việc với công ty giải pháp công nghệ quản lý nhà trọ để giới thiệu đến tân sinh viên với quỹ phòng đang trống tại cơ sở Quận 7 gần 500 phòng.

“Bên cạnh đó, Đoàn trường có đội ngũ cán bộ đoàn, hội khảo sát gần 200 phòng trọ để giới thiệu trực tiếp trong ngày làm thủ tục nhập học. Đoàn trường tiếp tục làm việc với Quận đoàn Quận 7 để hỗ trợ cung cấp thêm các thông tin về nhà trọ trên địa bàn”, bà Phụng thông tin. Tại cơ sở Long Trường (TP Thủ Đức), Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên nhà trường cũng khảo sát, tìm được 150 chỗ trọ cho tân sinh viên. Các cán bộ Đoàn, Hội tiếp tục liên hệ với địa phương để tăng thêm quỹ phòng trọ.

 Phụ huynh cùng con trong ngày làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Phụ huynh cùng con trong ngày làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Để sinh viên không mất tiền oan

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng dành 150/500 chỗ ở tại KTX cho sinh viên năm thứ nhất. Giá cả phòng trọ quanh khu vực trường này bắt đầu tăng giá từ đầu tháng 8 vì nhu cầu tìm kiếm, thuê trọ của sinh viên tăng mạnh. Dương Nam Tiến - sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho biết: “Em nhờ một anh khóa trước ở cùng quê tìm thuê và đặt cọc nhà trọ thì mới biết, giá thuê đã tăng hơn 500 nghìn đồng/tháng”.

Như ở khu vực quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), với phòng có diện tích khoảng 10 - 15m2, không có sẵn giường ngủ, bàn ghế…, giá thuê dao động từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu phòng trọ có gác lửng, lắp hệ thống camera tại khu vực để xe… có giá từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Đối với loại phòng dạng căn hộ (apartment), giá thuê dao động từ 4 - 7 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm chi phí điện, nước…

Còn tại khu vực đông sinh viên trên địa bàn quận Liên Chiểu, giá phòng trọ thấp hơn so với các quận khác, dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng đối với loại phòng trọ bình dân và 2,5 - 4 triệu đồng/tháng đối với nhà cấp 4 nguyên căn dành cho nhóm sinh viên.

Từ link thông tin hỗ trợ tìm nhà trọ do Câu lạc bộ (CLB) Cres của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng khảo sát, thống kê, anh Doãn Nguyên Hưng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã tham khảo để chọn phòng trọ cho cháu ở quê vào nhập học. Link có đầy đủ thông tin về hình ảnh, địa chỉ, số điện thoại chủ trọ, tiền điện nước, wifi,… nên thuận tiện để sinh viên và phụ huynh lựa chọn, không phải mất nhiều thời gian đi khảo sát thực tế.

Em Ánh Dương - thành viên của CLB Cres cho biết: “Bên cạnh hỗ trợ thông tin cho sinh viên mới nhập học tìm phòng trọ thuận lợi, chúng em còn chia sẻ kinh nghiệm để không bị lừa đảo”.

Theo Dương, có một số hình thức lừa đảo phổ biến như: Không có hợp đồng khi thuê, giả danh chủ trọ cho thuê để nhận đặt cọc, đến ngày người thuê chuyển đến ở thì không liên lạc được với người nhận tiền cọc. Lừa đảo cho thuê phòng trọ bằng chiêu ở ghép, làm phát sinh nhiều khoản tiền vô lý để thu của sinh viên,...

Vì vậy, trước khi quyết định chọn thuê nhà trọ, sinh viên có thể gõ địa chỉ phòng trọ lên Google xem có từng bị “bóc phốt”. Cần xác định chính chủ trước khi đặt cọc thuê phòng trọ, đi xem trọ cùng với 2 - 3 người bạn, đọc kỹ hợp đồng đặt cọc và cho thuê, tham khảo ý kiến người dân xung quanh khu vực nhà trọ, tìm hiểu rõ ràng danh tính người ở ghép,...

Tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông thông tin: “KTX nhà trường có 950 chỗ ở, trong đó ưu tiên 600 suất cho tân sinh viên, còn lại cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhà trường cũng chuẩn bị khoảng 10.000 chỗ trọ để giới thiệu cho tân sinh viên. Đoàn trường sẽ kết nối, hướng dẫn và hỗ trợ tân sinh viên đến tận nơi để thuê trọ khi các em có nhu cầu”.

M.Tùng - H.Nguyên - S.Điền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giup-tan-sinh-vien-an-cu-post698290.html