Giúp trẻ em tiếp cận thông tin qua sách, báo
Học sinh đọc sách, báo tại TVTT Trường tiểu học và THCS Nguyễn Hoa. Ảnh: KIM CHI
Với mong muốn mang đến cho học sinh miền núi, vùng cao một không gian đọc sách thân thiện với môi trường, gần gũi thiên nhiên, mới đây, CLB thiện nguyện Ấm tình yêu thương (Công ty CP Xây dựng Sài Gòn) đã hỗ trợ và đưa vào sử dụng thư viện thân thiện (TVTT) tại Trường tiểu học và THCS Nguyễn Hoa (xã An Lĩnh, huyện Tuy An), phục vụ nhu cầu học tập, tiếp cận thông tin, khơi gợi niềm đam mê đọc sách của học sinh.
Nhiều sách hay, thông tin bổ ích
Hầu hết học sinh đến với TVTT đều tỏ ra rất thích thú với tủ sách vì được tự do khám phá, tự do tìm đọc những quyển sách hay mà mình yêu thích với không gian đọc thân thiện.
Em Đào Trọng Khang, học lớp 4B, nói: Em rất thích sách hoạt hình. Hồi giờ em không có sách để đọc. Nay thư viện trường có nhiều đầu sách mới, em sẽ cố gắng đến đọc thường xuyên để có thể biết được nhiều điều.
Còn em Nguyễn Quốc Hào, cùng lớp với Khang, tỏ ra rất thích thú khi bước chân vào TVTT. Em nói: Ở nhà em hay đọc sách ké của chị. Em thích nhất các loại sách khoa học. Hôm nay, em được biết thêm nhiều thể loại sách hấp dẫn và lạ mắt. Nghỉ hè, em sẽ xuống thư viện trường đọc sách nhiều hơn.
Thầy Hồ Văn Ẩn, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Nguyễn Hoa, cho biết: Xã An Lĩnh có 4 điểm trường với 21 lớp học, 439 học sinh ở 2 cấp. Thư viện trường với số lượng đầu sách tham khảo và trang thiết bị phục vụ cho học sinh còn rất thiếu thốn, nên việc tìm hiểu thông tin của các em có phần hạn chế. Việc CLB thiện nguyện Ấm tình yêu thương hỗ trợ TVTT cho trường là một hoạt động hết sức ý nghĩa. Nguồn sách mới tài trợ cho thư viện được chọn lọc từ các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách uy tín. Sách được trình bày đẹp mắt với nhiều hình vẽ sinh động, nội dung phong phú, thu hút sự tò mò, khám phá của các em học sinh.
“TVTT là món quà thật sự ý nghĩa, đặc biệt với học sinh. Bởi vì, ngoài giờ lên lớp, thời gian tự học, các em có thể đọc sách, tăng cường vốn từ, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự học, tự đọc, làm việc nhóm và thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em”, thầy Hồ Văn Ẩn khẳng định.
Có kỹ năng thực hiện quyền tham gia
Quyền tham gia là một trong bốn nhóm quyền cơ bản của trẻ em được quy định tại Luật Trẻ em 2016. Sự tham gia của trẻ em là việc trẻ em được tiếp cận thông tin, được bày tỏ ý kiến, được lắng nghe, được tôn trọng, được kết giao, được thành lập hoặc tham gia các nhóm và hiệp hội, được bàn bạc và quyết định… trong mọi vấn đề có liên quan đến bản thân trẻ. QTGCTE giúp trẻ em đóng vai trò chủ động và tích cực trong cuộc sống của mình. Ông Nguyễn Thanh Kim, Phó Chủ tịch UBND xã An Lĩnh, cho biết: Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến đời sống và luôn tôn trọng ý kiến, kiến nghị của trẻ em với lãnh đạo chính quyền trong các vấn đề các em quan tâm. Vậy nên, việc các đơn vị, tổ chức, cá nhân tăng cường giúp các em có thêm sách báo để tiếp cận thông tin bổ ích rất đáng quý. Có kỹ năng thực hiện quyền tham gia, trẻ sẽ năng động, có vốn kiến thức, có thể dễ dàng trình bày ý kiến của mình một cách thuyết phục.
Thầy Hồ Văn Ẩn cũng cho biết, nhà trường sẽ phối hợp các đơn vị, tổ chức các buổi giao lưu với các em học sinh, nói chuyện về sách, hướng dẫn cách đọc sách, hướng dẫn bảo quản sách, tìm hiểu nhu cầu về sách của các em. Bên cạnh đó sẽ luân chuyển sách giữa các điểm trường nhằm giúp các em tăng cường khả năng tiếng Việt, luôn được tiếp cận với các đầu sách mới, tạo hứng thú, có nhiều niềm vui bên trang sách.
Em Nguyễn Lê Tuyết Hồng, học sinh lớp 5B, nói: Ở trường, em được tham gia rất nhiều hoạt động vui chơi, sinh hoạt cùng bạn bè, thầy cô giáo. Đặc biệt, thầy cô thường khuyến khích chúng em đọc sách báo, tiếp cận những thông tin có ích cho học tập và rèn luyện kỹ năng sống.
Nhu cầu đọc và văn hóa đọc trong cộng đồng ngày càng phát triển. Để người dân, đặc biệt là thanh thiếu nhi không ngại đọc, không ngại khai thác thông tin, kiến thức một cách có chiều sâu, rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, ngành, sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân để lan tỏa văn hóa đọc đến các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc các đơn vị, tổ chức, cá nhân tăng cường giúp các em có thêm sách báo để tiếp cận được nhiều thông tin bổ ích rất đáng quý. Có kỹ năng thực hiện quyền tham gia, trẻ sẽ năng động, có vốn kiến thức, có thể dễ dàng trình bày ý kiến của mình một cách thuyết phục.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/276735/giup-tre-em-tiep-can-thong-tin-qua-sach-bao.html