Giúp trẻ phát triển toàn diện
Với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ, chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ liên quan đến dinh dưỡng đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai mô hình 'Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam'.
Mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam” do Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chủ trì triển khai tại 10 tỉnh, thành (đại diện 5 vùng sinh thái khác nhau) cho học sinh mẫu giáo và tiểu học, gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, An Giang và tỉnh Sơn La. Thời gian triển khai trong năm học 2020 - 2021.
Các hoạt động của mô hình, gồm: Điều tra, khảo sát ban đầu; tập huấn nâng cao năng lực về tổ chức bữa ăn, xây dựng thực đơn cho nhân viên bếp và cán bộ phụ trách bữa ăn bán trú; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho cán bộ và nhân viên trường; hoạt động giáo dục dinh dưỡng cho trẻ nhằm nâng cao KAP (kiến thức, thái độ, hành vi); can thiệp thực đơn bữa ăn học đường và bài tập, trò chơi nâng cao thể lực; hội thảo truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm và hoạt động thể lực phù hợp để nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc; tăng cường sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc và giáo dục trẻ; đánh giá và đề xuất chính sách về dinh dưỡng và hoạt động thể lực học đường.
Đối với địa bàn tỉnh Sơn La có 2 đơn vị trường học được lựa chọn tham gia triển khai thử nghiệm mô hình này là Trường TH và THCS Tây Tiến, huyện Mộc Châu (Trường đối chứng) và Trường TH và THCS Tô Múa, huyện Vân Hồ (Trường can thiệp).
Tại Trường TH và THCS Tô Múa, huyện Vân Hồ, cán bộ, giáo viên, nhân viên nấu ăn của nhà trường và đại diện phụ huynh học sinh đã được tập huấn kiến thức về dinh dưỡng trong bữa ăn cho học sinh, cách chế biến các món ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng từ các nguyên liệu, thực phẩm có sẵn ở địa phương; các bài tập rèn luyện thể lực cho học sinh. Trong thời gian triển khai thực hiện mô hình, 215 em học sinh cấp tiểu học của nhà trường được hỗ trợ 3.000 đồng/em/bữa ăn và 1 hộp sữa/bữa với trị giá 5.200 đồng/hộp. Theo đánh giá của nhà trường, từ khi đưa mô hình vào áp dụng, quy trình thực hiện công việc liên quan đến vấn đề dinh dưỡng, rèn luyện sức khỏe cho các em học sinh khoa học hơn. Trong đó, chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cao hơn; nhân viên nấu ăn được nâng cao tay nghề, chế biến nhiều món ăn ngon, phù hợp với học sinh; các bài tập thể dục cũng phù hợp được học sinh yêu thích.
Em Nguyễn Bảo Châu, học sinh Trường TH và THCS Tô Múa, phấn khởi: Hằng ngày, ngoài cơm, thịt, cá thì rau xanh được chế biến thành nhiều món nên em rất thích. Các món ăn thường xuyên thay đổi từng bữa nên chúng em ăn ngon miệng và ăn được nhiều hơn.
Thầy giáo Ngô Tiến Thự, Hiệu Trưởng Trường TH và THCS Tô Múa, nhận định: Việc xây dựng mô hình với những bài tập, chơi, vận động đơn giản, thích hợp là cần thiết giúp học sinh nâng cao sức khỏe, phát triển chiều cao, thể lực, phòng bệnh tật. Nội dung các bài tập, chơi vận động của trẻ được tích hợp với chế độ sinh hoạt trong ngày. Mô hình bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực được tiến hành một cách khoa học, bài bản giúp trẻ hình thành chế độ ăn lành mạnh, chế độ vận động tích cực, góp phần quan trọng trong việc cải thiện tầm vóc, thể lực. Sau thời gian áp dụng thí điểm thực hiện mô hình nhà trường rất phấn khởi khi đa phần nhận được ý kiến phản hồi của phụ huynh rất đồng tình.
Đồng chí Điêu Thị Dân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thông tin: Sau thời gian triển khai thí điểm, mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam” tại Trường TH-THCS Tô Múa, Sở sẽ đánh giá hiệu quả của mô hình, nghiên cứu các yếu tố phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán, văn hóa của địa phương để nhân rộng mô hình này tại các trường học trên địa bàn trong thời gian tới, từng bước cải thiện dinh dưỡng và thể chất cho học sinh.
Thời gian thực hiện thí điểm mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam” vừa kết thúc, trường được lựa chọn can thiệp và trường đối chứng cũng đã hoàn tất việc điều tra, đánh giá và báo cáo số liệu với đơn vị chủ trì thực hiện dự án. Kết quả của nghiên cứu từ mô hình điểm sẽ được sử dụng làm cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng trong việc thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030, góp phần nuôi dưỡng, cải thiện tầm vóc, sức khỏe và trí tuệ thế hệ tương lai.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giup-tre-phat-trien-toan-dien-39832