Giúp trò ổn định cuộc sống, vui bước tới trường sau lũ bão tại Hải Phòng
Bão số 3 đã qua đi 1 tháng, nhưng hậu quả để lại rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều gia đình học sinh.
Để hỗ trợ các gia đình học sinh, nhà trường, ngành GD&ĐT, cơ quan chức năng đã và đang tích cực tạo điều kiện, quan tâm động viên để học sinh và gia đình các em ổn định đời sống, trở lại học tập bình thường.
Đồng hành sẻ chia cùng trò
Trường Tiểu học Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên là đơn vị bị ảnh hưởng lớn do bão số 3. Sau thời gian khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh, sửa chữa trường lớp, thầy trò nhà trường đã ổn định việc học tập. Theo cô Nguyễn Thị Mai Dung- Hiệu trưởng nhà trường, thống kê của nhà trường có 9 gia đình học sinh bị thiệt hại nặng do bão. Trong đó có gia đình em Nguyễn Tường Phát lớp 1A4 phải di tản do nhà bị bị hỏng nặng. Ngay khi nắm được thông tin, nhà trường phối hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình học sinh về nhà ở. Đồng thời nhà trường tặng sách, vở đồ dùng thiết yếu cho em Phát. Với những học sinh khác, trường tặng bảo hiểm y tế và miễn các khoản đóng góp dịch vụ giáo dục.
Với em Trần Ngọc Bích, lớp 2A1, Trường tiểu học Quang Trung, quận Ngô Quyền dù gia đình gặp nhiều vất vả, khó khăn sau bão nhưng em nhận được sự quan tâm, bù đắp từ nhà trường, thầy cô và các bạn. Dịp tết Trung Thu năm nay của em rất vui và đầm ấm.
Cô Nguyễn Thị Nga, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Qua rà soát học sinh trong trường, có 7 trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề sau bão phải di chuyển khỏi nhà cũ. Trong đó, 3 trường hợp xin chuyển trường. Với những học sinh này, nhà trường tạo điều kiện để các em và gia đình hoàn thành nhanh các thủ tục, sớm ổn định việc học tập của các em. 4 học sinh còn lại, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kịp thời hỗ trợ, tổ chức đoàn đến nhà thăm hỏi, động viên gia đình và học sinh tại nơi ở mới.
Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Ngô Quyền có nhiều gia đình học sinh bị ảnh hưởng sau bão. Trong đó có gia đình em Bùi Nguyễn Hoài Anh, lớp 4D1 ở phòng số 8, tầng 2, cầu thang 1 nhà A7, Vạn Mỹ. Sau bão số 3, gia đình em không thể về nhà cũ do khu A7 mất an toàn, chính quyền địa phương tổ chức cho gia đình bốc thăm và được phân về Khu 5 tầng, phường Kênh Dương (quận Lê Chân).
Bà Tôn Thị Hồng Nhung, bà của Hoài Anh cảm động: Thời gian tạm lánh do bão, gia đình được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện về nơi ăn, ở, cung cấp thuốc miễn phí. Do căn chung cư của gia đình cũ nát không thể an toàn để sinh sống tiếp, nên gia đình được chính quyền bố trí chỗ ở mới. Dù phải di chuyển nơi ở, ban đầu sẽ lạ lẫm và khó khăn nhưng gia đình rất phấn khởi trước sự quan tâm của các cấp ngành. Hiện căn nhà vừa bốc thăm đang được các đơn vị chức năng khẩn trương hỗ trợ sơn lại và thay thế những vật dụng hỏng hóc. Gia đình cũng rất cảm kích trước sự quan tâm, động viên của cô giáo chủ nhiệm nhà trường nơi cháu Hoài Anh theo học.
Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Ngô Quyền có 16 học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 2 em phải di dời nhà sau bão. Cô Phạm Thị Diện- Hiệu trưởng nhà trường cho hay, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn 16 đều được nhà trường được tặng tiền mặt, sữa, sách giáo khoa, đồng phục, thẻ BHYT động viên tinh thần.
Ngoài ra, sẻ chia những khó khăn của các học sinh bị ảnh hưởng nặng nề do bão phải di dời khỏi nơi ở cũ trên địa bàn quận, Trường Tiểu học Chu Văn An còn tổ chức trao quà tặng 17 học sinh hai trường tiểu học Trần Quốc Toản và Quang Trung.
Trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận Lê Chân cũng có một gia đình học sinh bị tốc mái, hiện tạm phải thuê nhà nơi khác. Khi nắm được thông tin, nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên nắm bắt tình hình và trường tổ chức đoàn đến nhà thăm hỏi, động viên, trao tiền mặt, đồng phục, sách vở, tặng quà dịp Trung thu để học sinh và gia đình sớm ổn định sinh hoạt, nền nếp học tập...
Chung tay nâng bước em tới trường
Quận Ngô Quyền là địa phương có nhiều gia đình học sinh bị ảnh hưởng lớn do bão số 3 mang lại. Đây là địa bàn có nhiều nhà chung cư cũ nát, sập xệ. Trong đó, có các hộ dân sống tại khu tập thể Vạn Mỹ.
Theo ông Phạm Văn Quân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ngô Quyền, toàn quận có 74 gia đình học sinh phải di dời chỗ ở đến các khu tạm cư do cơn bão số 3. Trong đó Mầm non có 7, Tiểu học có 31 và THCS có 36 học sinh. Qua rà soát của các nhà trường, 64 gia đình học sinh có nguyện vọng tiếp tục học tại các trường và 10 học sinh gia đình có nguyện vọng chuyển trường (Mầm non 1, Tiểu học 3, THCS 6). Trong đó 5 học sinh có nguyện vọng đến các trường tại quận khác học và 5 học sinh đến các trường trong quận học. Phòng GD&ĐT quận đã tham mưu UBND quận có công văn gửi UBND quận Lê Chân tạo điều kiện cho các học sinh có nguyện vọng sang quận Lê Chân học tập và đề nghị các nhà trường tạo mọi điều kiện để các học sinh đến nơi học tập mới được thuận lợi. Trường hợp các em mong muốn tiếp tục ở lại học thì các nhà trường thường xuyên quan tâm động viên các em và gia đình...
Tại huyện Thủy Nguyên, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Năng- Trưởng phòng GD&ĐT huyện, toàn huyện có 111 trường học các cấp với 152 điểm trường. Sau bão 100% các trường đều bị ảnh hưởng. Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT phòng Giáo dục yêu cầu các nhà trường chia sẻ khó khăn với gia đình học sinh, không triển khai các khoản thu dồn đầu năm, không tăng thu và phát sinh khoản thu mới. Các nhà trường rà soát kịp thời gia đình học sinh bị ảnh hưởng để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Trước những thiệt hại lớn do cơn bão số 3, Sở GD-ĐT ban hành Văn bản số 2773/SGDĐT-KHTC về tăng cường công tác quản lý các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Văn Kiệm, Sở còn yêu cầu các nhà trường rà soát, nắm tình hình để kịp thời hỗ trợ, miễn, giảm các khoản thu đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Giãn, hoãn thời gian thực hiện các khoản thu; không tổ chức thu nhiều khoản trong cùng một thời điểm; tránh áp lực đối với cha mẹ học sinh trong điều kiện khắc phục hậu quả, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Ngành Giáo dục huy động sự ủng hộ của cán bộ, giáo viên, nhân viên và các đơn vị với tổng số tiền trên 3,9 tỷ đồng cùng gần 100.000 quyển vở, hơn 10.000 cái bút, 5.000 quyển sách giáo khoa, 5 máy tính các loại cùng nhiều đồ dùng, cặp sách, quần áo đồng phục.
Sở quyết định hỗ trợ 237 giáo viên, người lao động, 1.149 học sinh, trẻ mầm non với tổng kinh phí 1 tỷ 737 triệu đồng; thăm hỏi, hỗ trợ giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại bởi hoàn lưu bão số 3 là 301 triệu đồng và 4 xe hiện vật (sách vở, đồ dùng, quần áo).
Ngoài ra, với kinh phí 700 triệu đồng hỗ trợ của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT tỉnh, thành phố bạn, ngành Giáo dục thành phố hỗ trợ sửa 7 nhà công vụ giáo viên, hỗ trợ sửa chữa cấp thiết Trường THPT Cát Hải (huyện Cát Hải) bị thiệt hại nặng nề do bão.
Để chung tay cùng thành phố khắc phục hậu quả bão số 3, ngành GD&ĐT thành phố Hải Phòng trích 1,2 tỷ đồng trong tổng số tiền nói trên trao Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Số kinh phí còn lại căn cứ vào tình hình thực tế các đơn vị rà soát, bổ sung và kiến nghị đề xuất để hỗ trợ. Trường hợp không còn đối tượng sẽ đề nghị chuyển về Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại.