'Giúp việc' cho người chết: Từ cảm xúc sợ hãi đến yêu thích

Công việc khó khăn, áp lực, không ít lần 'rợn tóc gáy', thế nhưng, những người phụ nữ vẫn miệt mài dọn dẹp, chăm lo cho hàng chục ngôi mộ suốt nhiều năm nay.

“Dọn nhà” cho người chết

Đều đặn mỗi ngày, chị Bùi Thị Ngạn (46 tuổi, ở xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, TP Hòa Bình) dậy từ sớm chuẩn bị cho con cái ăn học rồi bắt đầu công việc chăm sóc mộ phần tại Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên.

7 năm làm tại nghĩa trang, công việc này đã quá quen thuộc với chị Ngạn. Công việc hàng ngày của chị Ngạn đó là lau bụi bẩn trên các mộ phần như tàn hương, lá rụng, thay hoa, cắt tỉa cây và cỏ dại tại khu vực mộ phần, quét dọn… Mặc dù công việc không quá vất vả, nặng nhọc nhưng với tính chất công việc là chăm sóc, là làm sạch nên chị Ngạn cũng phải “luôn chân, luôn tay”.

Chị Bùi Thị Ngạn đã gắn bó với công việc chăm sóc mộ phần cho người đã khuất suốt 6 năm qua. Ảnh: Gia Khiêm

Chị Bùi Thị Ngạn đã gắn bó với công việc chăm sóc mộ phần cho người đã khuất suốt 6 năm qua. Ảnh: Gia Khiêm

Đặc biệt, vào những ngày Rằm hoặc Mồng một âm lịch hàng tháng, ngoài công việc làm sạch khu vực mộ phần, chị Ngạn phải thắp nhang trên từng mộ phần vào thời điểm trước khi bắt tay vào công việc dọn dẹp.

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, chị Ngạn nhớ lại thời khắc chuyển việc cách đây 6 năm. Hồi đó, chị làm việc tại một sân golf. Tuy nhiên, công việc giờ giấc không ổn định nên chị quyết định nghỉ rồi làm công việc chăm sóc mộ phần này.

Ngày đầu tiên đến khuôn viên nghĩa trang, chị Ngạn thấy nơi đây được quy hoạch khang trang. Tuy nhiên, đặc thù công việc mỗi người được phân công một khu vực khiến chị Ngạn không khỏi lạ lẫm xen lẫn “sợ”.

Sau mấy ngày suy nghĩ, việc mới lại chưa tìm được chị quyết định thử làm. Bắt đầu làm được chị em mách nước, chị Ngạn đến phần mộ nào sẽ thắp hương, giới thiệu họ tên, quê quán mình với các cụ ở đấy.

"Tôi báo tên với các cụ, xin phép từ giờ sẽ được phụ trách việc dọn dẹp mộ cho các cụ", chị Ngạn cho hay. Cứ thế từ việc sợ đến "mất hồn" sau nhiều năm làm việc chị dần quen, trở nên yêu thích công việc mình đang làm.

Chị Ngạn cho biết: “Vì tính chất công việc có yếu tố tâm linh, mộ phần nên bản thân tự đưa ra quy tắc cho riêng mình là trong công việc lau dọn mộ phần, sẽ lau theo quy tắc từ trên xuống dưới, từ trên bia mộ, kéo dài xuống chân từng ngôi mộ. Đây là việc liên quan đến người đã khuất nên không thể làm bừa. Hơn nữa, trước khi vào công việc, tôi luôn tự nhẩm trong miệng là xin phép người đã khuất để bắt đầu công việc làm sạch khuôn viên mộ phần”.

Tương tự, chị Bùi Thị Thêm (35 tuổi TP Hòa Bình) mới có 3 năm phụ trách công việc dọn dẹp mộ tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Mới đầu khi chưa vào làm, nghe công việc dọn mộ cho người đã khuất chị thấy sợ, thậm chí nghĩ đi xin việc khác mà làm.

“Công viên nghĩa trang này có đến cả nghìn ngôi mộ, mỗi ngày phải sắp xếp, dọn dẹp, thắp hương cho mấy chục phần mộ, chẳng khác gì tiếp xúc với mấy chục người chết, mới đầu nghe mình hãi lắm”, chị Thêm tâm sự với báo Lao Động.

Mỗi ngày, chị Thêm dọn dẹp cho hàng chục ngôi mộ đơn. Ảnh: Huyền Chang

Mỗi ngày, chị Thêm dọn dẹp cho hàng chục ngôi mộ đơn. Ảnh: Huyền Chang

Chồng làm nhân viên bảo vệ nghĩa trang, qua vài lần đến thăm, tiếp xúc với mọi người làm việc tại đây, dần chị Thêm không còn sợ, thậm chí trở nên yêu thích công việc của mình.

Công việc chính của chị Thêm là lau chùi, cắt tỉa cây hoa trong khuôn viên từng phần mộ đơn. Trung bình mỗi ngày chị dọn dẹp cho từ 15 đến 20 ngôi mộ. Mùa đông, trời lạnh, chị bắt đầu từ 8h, mùa hè nắng sớm hơn thì 7h vào làm. Ngày nắng chị tưới cây, ngày mưa đi nhổ cỏ, cắt tỉa, cuối tuần thì lau bia mộ, mỗi tháng chị được trả 7 triệu đồng.

10 năm trông mộ

Theo Vietnamnet, chị Trần Thị My (45 tuổi, ở Hòa Bình) là người gắn bó với công việc trông mộ được 10 năm nay tại nghĩa trang Kỳ Sơn, Hòa Bình.

Công việc chính của chị My là làm bảo vệ ca đêm trong nghĩa trang từ 17h30 chiều hôm trước đến 6h30 sáng hôm sau.

Ngoài bảo vệ nghĩa trang, mỗi khi có người đã khuất chuyển về nghĩa trang, chị lại làm thêm công việc chuẩn bị từ phông bạt, bàn ghế, nước nôi…thậm chí là kiêm cả chân hướng dẫn gia đình lên miếu, chùa thắp hương.

Do đặc thù công việc, chị My gần như phải thức thâu đêm. Ảnh: Dân Trí

Do đặc thù công việc, chị My gần như phải thức thâu đêm. Ảnh: Dân Trí

Chị My là người bảo vệ nữ duy nhất tại đây, dù công việc không mấy nặng nhọc, tuy nhiên vì thương con nên chị phải cố gắng.

“Làm ở đây, tôi chỉ thương các con vì ít có thời gian ở bên chăm sóc cho chúng”, chị My kể.

Nhớ lại quãng thời gian đầy khó khăn, chị My tâm sự, chị và chồng kết hôn, sinh được hai cô con gái. Những tưởng cuộc sống hạnh phúc, nhưng giữa chị My và gia đình chồng không hợp nhau nên nảy sinh nhiều mâu thuẫn.

Khi con gái út chị My tròn 3 tuổi là lúc chị xin vào làm công việc ở nghĩa trang. Lúc này chồng và gia đình phản đối nhưng chị My vẫn nhất quyết bám trụ.

“Chồng tôi bệnh tật không làm được gì, bản thân tôi không học hành đến nơi đến chốn, không có bằng cấp khó xin việc. Khi vào đây tôi có được mức lương ổn định, có thể lo được cho các con nên tôi mới chọn công việc này”, chị My bật khóc kể.

Công việc khó khăn nhưng chị My luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm. Ảnh: Người đưa tin

Công việc khó khăn nhưng chị My luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm. Ảnh: Người đưa tin

Hơn 10 năm làm nghề, chị My không ít lần phải cắn răng chịu những lời nói khó nghe của gia đình những người đã khất. Những lúc đó, chị lại tự nhủ rằng, họ đang tang gia bối rối nên thông cảm và chia sẻ với gia đình họ, chứ không dám nói lại nửa lời. Qua đi cảm giác tủi hờn ấy, chị Mỵ lại tập trung vào công việc, không bao giờ để hai từ “dối trá” ở trong đầu, luôn nghĩ cố gắng làm hết sức, đúng bổn phận, trách nhiệm của mình.

Phương Thảo (t/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/giup-viec-cho-nguoi-chet-tu-cam-xuc-so-hai-den-yeu-thich-6967.html