GMD bị thay thế vì không thể bảo vệ Mỹ
Theo chuyên gia Lauren Thompson, do Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (GMD) hiện không thể bảo vệ Mỹ nên được thay thế bằng hệ thống tối tân hơn.
Chuyên gia Lauren Thompson của tạp chí Forbes (Mỹ) đưa ra khi nói về thực trạng hiện tại của hệ thống GMD và sự cần thiết của chương trình Thiết bị Đánh chặn thế hệ tiếp theo (NGI) của Mỹ.
Theo ông Thompson, hiện nay có rất nhiều mồi đe dọa nhằm vào Mỹ mà Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) và ngành công nghiệp quốc phòng nước này đang nỗ lực làm việc để nhanh chóng tìm ra biện pháp đối phó. Trong đó, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thế hệ mới của đối thủ được đánh giá có nguy cơ lớn nhất.
Bởi vũ khí này có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, vũ khí siêu thanh, các phương tiện dẫn đường chính xác có khả năng hồi quyển và một cuộc tấn công sử dụng cùng lúc nhiều tên lửa với mỗi tên lửa có nhiều đầu đạn riêng biệt.
Và NGI ra đời nhằm tạo thành chiếc ô phòng thủ vững chắc bảo vệ nước Mỹ khỏi những nguy hiểm nói trên. MDA đã yêu cầu phân bổ 664,1 triệu USD trong năm tài chính 2021 cho chương trình này, là một phần của kế hoạch ngân sách 4,9 tỷ USD kéo dài trong 5 năm.
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ có kế hoạch ký kết hai hợp đồng thực hiện dự án NGI – nhằm phát triển vũ khí có những cải tiến mới nhất về công nghệ và chuẩn bị cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai khi chúng xuất hiện.
Dù MDA vẫn bảo mật toàn bộ thông tin về NGI - vũ khí được cho là sẽ thay thế các hệ thống tên lửa đánh chặn từ các hầm phóng trong lòng đất hiện có thuộc GMD, nhưng theo National Interest, vũ khí đánh chặn mới sẽ ra mắt vào năm 2028.
Vũ khí này cần phải di chuyển với tốc độ cực nhanh và phải được trang bị "phương tiện tiêu diệt hàng loạt" để có thể cùng lúc bắn hạ nhiều tên lửa ICBM trong không gian.
"MDA đã nêu rõ với tất cả các nhà cung cấp vũ khí rằng họ cần phải phát triển một hệ thống đáng tin cậy có khả năng chống lại các mối đe dọa hiện tại và có sự linh hoạt cần thiết để thể nâng cấp nhằm đối phó với những mối đe dọa trong tương lai", ông Terry Feehan, phó chủ tịch tập đoàn Northrop Grumman, phụ trách chương trình NGI nói.
Nhà thầu Northrop Grumman đã hợp tác với Raytheon trong chương trình phát triển NGI để áp dụng một cách hiệu quả nhất những đổi mới và tiến bộ về kỹ thuật mà mỗi bên có được thông qua Dự án ICBM mới, có tên gọi Hệ thống Răn đe Chiến lược Mặt đất (GBSD) của Northrop Grumman và hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA của Raytheon.
Cả hai dự án này đều khai thác những đột phá về công nghệ trong các khía cạnh tích hợp cảm biến, nhắm mục tiêu chính xác, tầm hoạt động và độ tin cậy về tính năng của tên lửa.
Ngay khi thông tin về chương trình NGI được công bố, chuyên gia hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực tên lửa là Lauren Thompson cho rằng, NGI là tối cần thiết với Mỹ bởi những thành phần chiến đấu thuộc hệ thống GMD hiện bị cho là không đủ sức bảo vệ nước Mỹ.
Theo vị chuyên gia này, hệ thống GMD chính thức hoạt động từ năm 2017 bất chấp nhiều chỉ trích về tính hiệu quả không cao và số lượng quá ít bởi Lầu Năm Góc đã dùng ngân sách dành cho quốc phòng không thực sự hợp lý.
Ông Lauren Thompson cho rằng, đáng lẽ ra Mỹ nên dùng số tiền khoảng 1.000 tỷ USD trong cuộc chiến tại Afghanistan để đầu tư phát triển hệ thống phòng thủ đủ mạnh và đảm bảo số lượng mang lại an toàn cho nước Mỹ.
Hiện nay, toàn bộ hệ thống GMD của Mỹ chỉ sở hữu 44 hệ thống tên lửa đánh chặn. Cùng với số lượng quá ít đạn tên lửa, GMD cũng bộc lộ một loạt các điểm yếu, bao gồm lỗi các động cơ đẩy chuyển hướng (các động cơ được sử dụng để lái tên lửa vào một đường bay chính xác) và lỗi sơ đẳng từ các mối hàn.
Thông tin này cũng đã được Ủy ban chịu trách nhiệm giải trình của chính phủ Mỹ (GAO) đưa ra trong một báo cáo hồi đầu năm 2020. Hệ thống GMD bao gồm radar và các tên lửa đánh chặn trên mặt đất có thể được bắn ra từ các hầm dưới lòng đất bố trí ở Fort Greely, Alasks và căn cứ không quân Vandenberg, California.
Bất chấp nhiều cuộc thử nghiệm thất bại, hệ thống phòng thủ này vẫn được đưa vào trang bị. Báo cáo cho thấy, tất cả những hệ thống đánh chặn hiện đã triển khai đã xuất hiện lỗi động cơ.
"Mặc dù các vấn đề về hiệu năng đã được biết đến song 8 hệ thống đánh chặn bổ sung mới được triển khai cũng có các thành phần bị lỗi tương tự.
Bên cạnh vấn đề về động cơ, ít nhất 10 hệ thống đánh chặn gặp các lỗi về mối hàn, do việc sử dụng các ứng dụng hàn không phù hợp của một nhà cung cấp trong quá trình lắp ráp mà sau này có thể gây ra sự ăn mòn các mối hàn.
Các mối hàn không ổn định có thể gây ra các ảnh hưởng cho việc cấp nguồn cho thiết bị và các giao diện dữ liệu với IMU của các phương tiện chiến đấu", GAO cho biết.
Bất chấp thực tế này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định chấp nhận các thành phần lỗi trong một nỗ lực để làm giảm sự chậm trễ triển khai các hệ thống đánh chặn, một quyết định đã làm tăng các nguy cơ giảm độ hoạt động tin cậy của GMD.
Chương trình GMD đã được công bố lần đầu tiên bởi Tổng thống Bush vào năm 2002 và được thiết kế để chống lại một cuộc tấn công hạt nhân phát động bởi một quốc gia với một kho hạt nhân giới hạn như Triều Tiên hoặc Iran...
Chi phí đã lên tới hàng chục triệu USD cho tới nay, chương trình đã vội vã thông qua quá trình thử nghiệm và đưa vào hoạt động. Trong một nửa các thử nghiệm đã được thực hiện cho đến khi được đưa vào trang bị, các hệ thống đánh chặn GMD cho kết quả đáng lo ngại khi thất bại nhiều hơn thành công.
Vì vậy, chuyên gia Lauren Thompson nhận định, không lấy gì làm đảm bảo hệ thống này có thể ngăn được tên lửa đạn đạo tấn công từ đối thủ trong trường hợp xảy ra xung đột bởi thực tế chiến đấu có nhiều diễn biến khác xa với thử nghiệm mà GMD đã thực hiện.