Gỡ bất cập, kiên quyết dẹp xe quá tải
Qua các đợt cao điểm cho thấy còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác kiểm soát tải trọng xe. Vậy đâu là giải pháp quan trọng nhất?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 6 tháng đầu năm
Dẹp bỏ ngay tư tưởng đợi hết cao điểm để tiếp tục vi phạm
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 6 tháng đầu năm diễn ra vào chiều nay (15/7), công tác kiểm soát tải trọng phương tiện là một trong những chủ đề đáng chú ý. Trong đó, một số bất cập trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đã được nêu lên.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, thời gian qua, Bộ Công an đã liên tục chỉ đạo Công an các địa phương thực hiện nghiêm túc kiểm soát tải trọng xe, nhất là sau khi xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến xe quá tải.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý hơn 1,3 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt trên 1,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó có hơn 21 nghìn trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải.
Chỉ tính riêng 10 ngày đầu ra quân từ 20/6/2022 đến 30/6/2022 thực hiện Kế hoạch cao điểm 299, lực lượng Công an đã xử lý gần 4.000 trường hợp xe vận tải hàng hóa vi phạm về cơi nới thành thùng, chở quá trọng tải, xử phạt gần 20 tỷ đồng.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, hiện nay có rất nhiều xe tải loại Hổ Vồ (Howo, nhập khẩu từ Trung Quốc) có thành thùng rất cao, nguyên bản nhập khẩu về giai đoạn trước năm 2012. Quy chuẩn tại thời điểm lúc đó thì được phép nhập, nhưng thực tế trọng tải được phép chở hầu hết chỉ khoảng nửa thùng. Tuy nhiên, hầu hết xe lại chở lượng hàng cao đúng với thành thùng và đều quá tải cho phép.
“Giờ yêu cầu người ta cắt thành thùng rất khó, vì nếu cắt thành thùng thì không thể đăng kiểm được nữa vì lỗi tự ý thay đổi kết cấu phương tiện. Có rất nhiều vấn đề vô cùng bất cập trong công tác quản lý và rất cần phải nghiêm túc xử lý sớm, nếu không sẽ không thể giải quyết dứt điểm tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo trật tự ATGT”, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại hội nghị
Bộ Công an ghi nhận thực trạng hiện nay, nhiều xe cơi nới thành thùng để chở hàng quá khổ, quá tải vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định và hoạt động bình thường. Nguyên nhân là do tài xế, chủ xe tìm mọi cách đối phó trong quá trình kiểm định, điển hình là tình trạng chủ thuê, mượn thành thùng khác để đi kiểm định chưa được giải quyết triệt để nên xe cơi nới thành thùng vẫn được đăng kiểm.
Mặt khác, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long chỉ rõ, nhiều địa phương “ngó lơ” xe quá tải vì mục đích cho phép xe quá khổ, quá tải hoạt động để phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn, bao gồm cả các công trình đường sá.
“Đáng chú ý, chúng tôi ghi nhận nhiều doanh nghiệp hiện nay đang "án binh bất động", tạm thời dừng hoạt động để chờ xem cao điểm xử lý xe quá tải của Bộ Công an có thực sự quyết liệt hay không. Tư tưởng của họ là đợi hết kế hoạch cao điểm này rồi mới hoạt động trở lại”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long cho hay.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Bộ Công an đặt quyết tâm rất cao và cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo trật tự ATGT trong 6 tháng cuối năm. Đặc biệt là phải dẹp bỏ tư tưởng chờ cao điểm kết thúc để tiếp tục vi phạm.
“Từ nay, đừng có doanh nghiệp nào nghĩ là đợi hết kế hoạch thì sẽ tiếp tục vi phạm trở lại về quá khổ, quá tải. Chúng tôi đã có quy định rất chặt chẽ đối với lực lượng CSGT nếu để tái diễn xe quá tải”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Cắt thành thùng không phải giải pháp căn cơ
Trước phản ánh của Bộ Công an về công tác kiểm định phương tiện, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Dứt khoát không đồng tình với những việc làm sai. Cần thiết xử lý nghiêm các trung tâm đăng kiểm làm sai, để công tác đăng kiểm phương tiện đảm bảo đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn phương tiện tham gia giao thông".
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị
Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện thời gian gần đây đã được thực hiện rất quyết liệt. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, thực trạng hiện nay cho thấy, nên chăng điều chỉnh lại một số quy định trong Nghị định 100/2019.
“Xe quá tải đến một mức độ nào đó sẽ phải bị tịch thu để ngăn chặn tình trạng thùng xe đã cơi nới vẫn có thể tiếp tục vi phạm. Ví dụ, vi phạm chở quá tải khoảng từ 5-10% thì xử phạt; chở quá tải hơn khoảng 15-20% tải trọng cho phép là sẽ bị tịch thu xe”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Người đứng đầu ngành GTVT cho rằng, việc cắt thành thùng xe tải không phải giải pháp căn cơ và không thể tạo sức răn đe sâu rộng trong xã hội. Thay vào đó, việc điều chỉnh quy định cụ thể về mức độ vi phạm và biện pháp xử lý, đặc biệt là tịch thu phương tiện vi phạm nghiêm trọng được xem là giải pháp căn cơ khi ngăn chặn tình trạng xe quá tải lên đến 50-70% như hiện nay.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị Chủ tịch UBND - Trưởng Ban ATGT các địa phương phải đặc biệt quan tâm tới công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. “Mỏ vật liệu ở đâu, cảng, bến chỗ nào, doanh nghiệp nào vi phạm, trường đào tạo, cơ sở sát hạch lái xe nào vi phạm, trung tâm đăng kiểm nào vi phạm,… các địa phương cần xử lý thật nghiêm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị.
Lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra tải trọng phương tiện
Xe quá tải bùng phát trở lại, vi phạm công khai
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, các Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, Thanh tra các Sở GTVT và Công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 51.770 xe, trong đó có 9.154 xe vi phạm, tước 1.434 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 49,81 tỷ đồng.
“Tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng cao từ 1 đến 2m, hoán cải container thành thùng xe tự đổ để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên các quốc lộ như: QL1, QL2, QL3, QL6, QL10, QL14, QL18, QL19, QL20, QL21, QL32, QL37, QL45, QL47, QL51, QL70, QL279, đường Hồ Chí Minh;…”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện nói.
Báo cáo về khó khăn vướng mắc trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho biết, các chế tài để xử lý vi phạm còn chưa đồng bộ, thiết bị cân kiểm tra tải trọng phương tiện còn thiếu, chưa kiểm soát được toàn bộ các tuyến đường có xe chở hàng quá tải lưu thông.
Trong khi đó, kinh phí cấp chi cho hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện (bao gồm cả kinh phí kiểm định, sửa chữa) rất thấp; trang thiết bị ghi hình phục vụ công tác xử lý vi phạm bằng hình ảnh còn thiếu, một số đã cũ, hư hỏng không đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; lực lượng trực tiếp tham gia công tác kiểm soát tải trọng phương tiện còn mỏng.
Lực lượng Thanh tra GTVT tiến hành cân tải trọng phương tiện
Mặt khác, nhiều xe quá tải, cơi nới thành thùng cố tình che biển số, chạy tốc độ cao vào ban đêm vượt qua trạm kiểm soát tải trọng xe gây khó khăn cho công tác ghi lại hình ảnh.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT triển khai 1 tháng cao điểm công tác kiểm soát tải trọng xe từ ngày 15/6 đến 15/7/2022 và tổ chức tập huấn về sử dụng thiết bị ghi hình các xe cơi nới thành thùng làm căn cứ xử phạt theo quy định.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát các xe đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc được gắn bộ ben thủy lực và thùng hàng kiểu container hoán cải, các xe cơi nới kích thước thành thùng chở hàng quá tải, đề xuất tăng nặng các biện pháp xử lý để bảo đảm sức răn đe.
Đồng thời, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa cần chỉ đạo các cảng, bến thủy nội địa phải lắp đặt thiết bị cân cố định và có phương án để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện trước khi xuất hàng.
Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/go-bat-cap-kien-quyet-dep-xe-qua-tai-d96726.html