Gỡ bỏ nhiều thông tin sai sự thật, chống phá trên không gian mạng
Theo thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin & Truyền thông chiều tối ngày 8/8, từ ngày 1 đến 24/7, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%).
Tỷ lệ thông tin tích cực đăng tải trên báo chí tăng 3,3% so với tháng trước
Một trong những thông tin nổi bật tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8 /2023 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) là kết quả tiến hành giám sát tỷ lệ thông tin tiêu cực và thông tin tích cực trên báo chí vào tháng 7/2023.
Cụ thể, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí ở mức 20,9%, giảm 0,9% so với tháng trước. Con số này cho thấy các cơ quan báo chí đã có nhiều cố gắng hạn chế đưa tin tiêu cực, tránh gây hoang mang dư luận. Tỷ lệ thông tin tích cực được đăng tải trên báo chí đạt 66,4%, tăng 3,3% so với tháng trước. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy báo chí ngày càng chú trọng vào việc phản ánh những mặt tích cực, các gương người tốt việc tốt trong xã hội. Theo đó, tỷ lệ thông tin tích cực chiếm ưu thế trên báo chí, đồng thời thông tin tiêu cực có xu hướng giảm dần. Đây là kết quả tích cực từ công tác quản lý và chỉ đạo của Bộ TT&TT cũng như nỗ lực tự giác của các cơ quan báo chí.
Nhìn chung, với sự quyết liệt của Bộ TT&TT cùng các cơ quan chức năng, tình hình quản lý nhà nước đối với lĩnh vực viễn thông, internet và truyền thông thông tin trong tháng 7/2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo môi trường lành mạnh cho người dùng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, thời gian qua, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google, Tiktok đều có sự phối hợp tích cực trong việc gỡ bỏ các thông tin vi phạm khi được yêu cầu.
Kết quả là từ 1/7/2023 đến 24/7/2023, facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%). Google đã gỡ 1.052 videos vi phạm trên Youtube (đạt tỷ lệ đáp ứng 91%). TikTok đã gỡ bỏ 19 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%).
Thời gian tới đây, Bộ TT&TT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quản lý việc phân phối những sản phẩm văn hóa xuyên biên giới, đặc biệt đối với các sản phẩm có chứa nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào.
Bộ TT&TT cũng chú trọng công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm truyền thông xuyên biên giới. Cụ thể, ngày 4/8 vừa qua, Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo phổ biến thông tư hướng dẫn Nghị định số 71/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Trong đó có nội dung quản lý sản phẩm văn hóa trên các nền tảng xuyên biên giới.
Đề xuất dừng cung cấp Internet với đối tượng livestream vi phạm pháp luật
Cũng liên quan đến các nền tảng mạng xã hội, vừa qua, Bộ TT&TT đã và đang tiếp tục lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Trong bản dự thảo này, có nội dung quy định: Theo yêu cầu của Bộ TT&TT, doanh nghiệp có thể từ chối hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet… đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để livestream, đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, hiện nay việc sử dụng livestream trên mạng xã hội rất phổ biến. Trong đó có những đối tượng đã sử dụng việc livestream để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm cá nhân, tổ chức...
Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng dịch vụ Internet đối với các vi phạm này, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72 đề xuất các biện pháp xử lý nhanh, khẩn cấp đối với những cá nhân vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, trong đó có hình thức livestream.
"Chúng tôi cũng hiểu rằng việc dừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet chưa phải là giải pháp triệt để vì đối tượng vi phạm có thể dùng các tài khoản khác nhau. Nhưng đây là giải pháp xử lý bổ sung khẩn cấp để xử lý kịp thời ngay lập tức cho các tình huống, các sai phạm được phát hiện trên môi trường mạng" - bà Huyền nhấn mạnh.
Theo dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 72 của Bộ TT&TT, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử là đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, Internet thực hiện từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng theo yêu cầu của bộ này.
Cũng tại cuộc họp báo, đối với các thông tin phản ánh về cuộc gọi rác và các hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết: Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục siết chặt kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông nhằm hạn chế và hướng tới xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác và phổ biến, tuyên truyền về các hình thức lừa đảo thông qua mạng viễn thông và trên không gian mạng.
Bộ TT&TT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ, Cục Tần số vô tuyến điện, các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên rà soát, phát hiện, phối hợp lực lượng Công an bắt giữ, xử lý những trường hợp sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; cơ bản đã ngăn chặn được tình trạng này.