Gỡ bỏ và xử phạt phim bị cấm phổ biến
Luật Điện ảnh năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2023) có 50 điều, 8 chương, thay thế Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2009 quy định khá rõ những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, nhất là phổ biến phim trên không gian mạng, phân loại phim… Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền, phạt tù, gỡ bỏ, cấm chiếu.
* Những hành vi bị nghiêm cấm
Luật Điện ảnh năm 2022 ngoài quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh còn quy định rất nhiều quy định mới về nội dung và hành vi trong hoạt động điện ảnh bị nghiêm cấm.
Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, hoạt động điện ảnh có nội dung sau đây sẽ bị nghiêm cấm: vi phạm Hiến pháp, pháp luật; kích động chống đối hoặc phá hoại việc thi hành Hiến pháp, pháp luật. Tuyên truyền chống Nhà nước; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, giá trị văn hóa Việt Nam; xúc phạm Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù, kỳ thị giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng phản động, tệ nạn xã hội; phá hoại văn hóa, đạo đức xã hội. Xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Đồng thời, Luật Điện ảnh năm 2022 cũng nghiêm cấm hoạt động điện ảnh có nội dung: truyền bá, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan. Kích động, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; tuyên truyền, cổ súy cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trừ trường hợp thể hiện các nội dung đó để phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, tôn vinh giá trị truyền thống, văn hóa. Thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân. Vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên. Vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới, định kiến giới, phân biệt đối xử về giới.
Ngoài ra, Luật Điện ảnh năm 2022 cũng nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi: phát hành, phổ biến phim trong rạp chiếu phim, trên hệ thống truyền hình và địa điểm chiếu phim công cộng mà không có giấy phép phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh (sau đây gọi là giấy phép phân loại phim) hoặc quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình (sau đây gọi là quyết định phát sóng). Phổ biến phim trên không gian mạng mà không phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định của Luật này. Thay đổi, làm sai lệch nội dung phim và kết quả phân loại phim đối với phim đã được cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng…
* Sẽ bị xử lý theo quy định
Theo Luật Điện ảnh năm 2022, Chính phủ, Bộ VH-TTDL, UBND các cấp có thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép trong hoạt động điện ảnh; dừng phổ biến phim. Các bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ VH-TTDL thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh.
Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Nguyễn Thanh Sơn cho biết, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện ảnh được quy định từ Điều 6 đến Điều 10 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (có hiệu lực từ ngày 1-6-2021) và các văn bản khác có liên quan. Riêng về hình sự thì có thể xử lý về: tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190), tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191), tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225)…
Luật gia Nguyễn Thanh Sơn phân tích, về xử lý hành chính, tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định 38/2021/NĐ-CP có quy định, hành vi: sản xuất phim có nội dung xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Sản xuất phim có nội dung khiêu dâm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; kích động bạo lực; truyền bá tệ nạn xã hội; không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Phổ biến phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy, cấm phổ biến hoặc có nội dung khiêu dâm, đồi trụy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; kích động bạo lực; phổ biến phim theo quy định phải có cảnh báo mà không có cảnh báo; phổ biến phim cho khán giả không đúng độ tuổi theo quy định hoặc để khán giả không đúng với độ tuổi theo quy định vào rạp xem phim; phổ biến phim cho trẻ em dưới 16 tuổi tại rạp ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 22 giờ mỗi ngày… bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.
Còn đối với hành vi: sản xuất phim có nội dung phỉ báng, xúc phạm giá trị biểu trưng dân tộc, đất nước; xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; làm phương hại đến chủ quyền quốc gia; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; đồi trụy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; phổ biến phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy, cấm phổ biến hoặc có nội dung khiêu dâm, đồi trụy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có nội dung kích động bạo lực trên truyền hình, dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số…, sẽ bị phạt từ 40-50 triệu đồng.
“Bên cạnh đó, Nghị định 38/2021/NĐ-CP còn quy định cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị tước giấy phép, đình chỉ hoạt động, buộc phải xin lỗi công khai, cấm chiếu, tháo gỡ, tiêu hủy, cải chính…” - luật gia Nguyễn Thanh Sơn lưu ý.
Khoản 1, Điều 32 Luật Điện ảnh năm 2022 quy định về phân loại phim theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến như sau: loại P (phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi); loại T18 (18+, phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên); loại T16 (16+, phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; loại T13 (13+, phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; loại K (phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ); loại C (phim không được phép phổ biến).