Gỡ các điểm nghẽn, đưa kinh tế - xã hội phát triển

Trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII, chiều 5/7, các đại biểu HĐND tỉnh tham gia phiên thảo luận tại tổ. Cùng với mạnh dạn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, các đại biểu đã góp ý sôi nổi, đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.

Phóng viên Báo Phú Yên ghi lại các ý kiến trong phiên thảo luận này.

ĐẠI BIỂU LÊ XUÂN HÀ, TRƯỞNG BAN KINH TẾ - NGÂN SÁCH HĐND TỈNH: Tập trung các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội

Bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như tốc độ tăng trưởng vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa phát huy được vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Công nghiệp chưa có tín hiệu bứt phá để làm động lực phát triển; nông nghiệp vẫn duy trì sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu bền vững; du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, chưa phát huy được vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Từ nay đến cuối năm 2023, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu còn thấp so với kế hoạch đề ra, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Các sở, ban ngành, địa phương cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá vật liệu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời theo dõi chặt chẽ nguồn thu ngân sách, kịp thời có giải pháp quản lý hiệu quả nguồn thu nhằm bù đắp phần thiếu hụt và chống thất thu ngân sách.

Bên cạnh đó, các sở, ban ngành, địa phương cần tập trung hoàn chỉnh các thủ tục để đấu giá quyền sử dụng đất các khu vực theo kế hoạch nhằm khai thác tốt quỹ đất, góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng; quản lý chặt chẽ việc chi ngân sách nhà nước, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

* ĐẠI BIỂU ĐẶNG THỊ HỒNG NGA, TRƯỞNG BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI HĐND TỈNH: Phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở

Qua theo dõi và thẩm tra Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nhận thấy, thời gian qua, việc thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ bác sĩ chưa đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết 110 của HĐND tỉnh; tỉ lệ bác sĩ chỉ mới đạt khoảng 8,4 bác sĩ/vạn dân, còn thấp so với mức trung bình chung cả nước (hơn 9 bác sĩ/vạn dân).

Tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh và tình trạng quá tải ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh kéo dài, chậm được giải quyết, khắc phục kịp thời. Công tác y tế dự phòng có nhiều cố gắng; tuy nhiên, tình hình một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng… bùng phát mạnh và có chiều hướng gia tăng.

Chúng tôi đề nghị tỉnh sớm bố trí kinh phí để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh và mua sắm trang thiết bị y tế đảm bảo điều trị cho người bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở trong việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đồng thời quan tâm đến công tác thu hút, đào tạo, bố trí nguồn nhân lực cho ngành Y tế; sớm hoàn thành việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo quản lý là trưởng, phó khoa phòng các bệnh viện, các trung tâm trực thuộc Sở Y tế và trưởng, phó các trạm y tế xã đảm bảo thực hiện nhiệm vụ y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cho y tế; chú trọng đến công tác y tế dự phòng…

* ĐẠI BIỂU PHẠM NGỌC CÔNG, TRƯỞNG BAN DÂN TỘC HĐND TỈNH: Giải ngân nguồn vốn các chương trình, chính sách

Cùng với những thành tựu chung của tỉnh, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tuy có phát triển nhưng chưa thật sự bền vững; tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao so bình quân chung của tỉnh, nguy cơ tái nghèo còn lớn.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí khu vực miền núi, dân tộc và công tác dân tộc trong tình hình mới; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình, chính sách đã được UBND tỉnh phân bổ năm 2023 và vốn năm 2022 chuyển nguồn sang.

Tỉnh cũng cần ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu Kế hoạch 27 của UBND tỉnh về đầu tư, nâng cấp công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời tập trung chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đánh giá và đề ra giải pháp thiết thực thực hiện hiệu quả trong việc thu hồi đất lâm nghiệp của các ban quản lý rừng phòng hộ giao cho địa phương quản lý để giao lại cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng theo các quyết định UBND tỉnh từ các năm 2013, 2014…

* ĐẠI BIỂU HỒ QUANG ĐỆ, GIÁM ĐỐC SỞ TÀI CHÍNH: Triển khai các nhóm giải pháp tạo nguồn thu ngân sách

Dự toán HĐND tỉnh giao về thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 là 8.000 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ thu được 1.726 tỉ đồng (đạt 21,6% dự toán tỉnh giao), trong đó có nhiều khoản thu thực hiện thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Qua đó cho thấy nguồn thu ngân sách của tỉnh còn khó khăn, chưa có tính ổn định, bền vững.

Để đạt được dự toán tỉnh giao, 6 tháng cuối năm 2023 phải thu 6.274 tỉ đồng. Tỉnh cần triển khai các nhóm giải pháp thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Cục Thuế tỉnh theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, từng sắc thuế; đồng thời xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu.

Trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu tiền sử dụng đất chiếm tỉ trọng lớn, Sở TN&MT và các địa phương cần hoàn tất các thủ tục để đưa ra bán đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch. Sở Tài chính sẽ chủ động theo dõi sát công tác thu chi ngân sách, tham mưu quản lý và điều hành dự toán ngân sách đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật, đảm bảo cân đối ngân sách.

* ÔNG TRẦN KHẮC LỄ, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT TỈNH: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục

Đến thời điểm này, có thể khẳng định ngành Giáo dục tỉnh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra trong năm học 2022-2023 và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD-ĐT. Đặc biệt, tin vui từ em Võ Minh Đăng, học sinh lớp 12 chuyên Vật lý của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh với tấm HCB kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu như một làn gió xuân, mang đến cho ngành Giáo dục nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung niềm vinh dự, tự hào, tiếp thêm động lực để các thế hệ học trò của tỉnh tiếp tục vươn lên khẳng định mình ở đấu trường quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn một số bất cập; tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ và mẫu giáo 3-4 tuổi ra lớp đạt thấp; việc xây dựng trường chuẩn quốc gia chưa đạt kế hoạch… Những hạn chế này đã được ngành Giáo dục tỉnh nhận diện và được các đại biểu HĐND tỉnh phân tích, đánh giá sâu trong thảo luận tại tổ.

Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng GD-ĐT; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân cho học sinh. Ngành kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; mua sắm trang thiết bị hỗ trợ dạy học đảm bảo cho Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo lộ trình; tổ chức thi tuyển biên chế viên chức giáo viên còn thiếu theo chỉ tiêu được giao để đáp ứng nhu cầu năm học mới 2023-2024.

PHẠM THÙY - PHẠM NGỌC - KHANG PHẠM (ghi)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/300487/go-cac-diem-nghen-dua-kinh-te-xa-hoi-phat-trien.html