Gỗ cao su gặp khó với chuẩn FSC

Là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm từ gỗ, nhưng Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giá trị nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Một trong những nguyên nhân là chứng nhận FSC.

FSC là viết tắt của Hiệp hội Quản lý rừng (Forest Stewardship Council), một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1993. Các chứng nhận của tổ chức này được công nhận trên toàn cầu và hiện dựa trên các cơ sở về quản lý rừng, tuân thủ các quy định và hoạt động đáp ứng các tiêu chuẩn FSC; và chứng nhận chuỗi chăm sóc xác minh rằng các sản phẩm được xử lý chính xác ở tất cả các khâu sản xuất, từ lúc trồng đến khi là thành phẩm của DN.

Nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp là yếu tố sống còn với các DN xuất khẩu đồ gỗ

Nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp là yếu tố sống còn với các DN xuất khẩu đồ gỗ

Theo quy định, chứng nhận FSC có hiệu lực 5 năm. Trong thời gian đó, sẽ có 4 đợt thị sát các đối tượng được cấp chứng nhận để đánh giá việc tuân thủ các yêu cầu do FSC đặt ra. Nếu không đạt yêu cầu, các chứng nhận đã cấp sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi. Trường hợp của Pulp and Paper (APP)-một DN tại Indonesia là một điển hình. Tháng 12/2007, FSC tuyên bố thu hồi chứng nhận của gã khổng lồ ngành giấy này, mà nguyên nhân là theo báo cáo từ Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) và nhiều nguồn độc lập khác cho thấy APP đang thực hiện các hoạt động lâm nghiệp trái với nguyên tắc và tiêu chí của FSC. Quyết định này khiến cho các sản phẩm của APP bị cấm nhập khẩu vào châu Âu, gây thiệt hại đáng kể cho DN.

Một trường hợp khác là tại Việt Nam. Năm 2007, sau 18 tháng thí điểm, Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) đã nhận được chứng nhận FSC cho 2 trong số các đồn điền cao su tại Việt Nam với tổng diện tích 11.700 ha. Đây vẫn là con số rất nhỏ so với tổng diện tích trồng tại thời điểm đó là 550.000 ha. Thế nhưng, đến tháng 11/2013, chứng nhận FSC bị đình chỉ khi công ty thành viên của VRG bị cáo buộc liên quan đến đất đai và môi trường ở Campuchia và Lào. Tháng 6/2014, FSC quyết định dỡ bỏ việc đình chỉ nhưng ngay sau đó, Global Witness, tổ chức phi chính phủ quốc tế với hoạt động bảo vệ môi trường, đã không đồng ý với điều này. Do vậy, đến tháng 10/2015, sau 1 năm đánh giá, FSC công bố thu hồi chứng nhận với VRG.

Từ 2 trường hợp trên, cho thấy không dễ để đạt được hoặc nhận lại chứng nhận FSC. Ngoài FSC, còn có nhiều tổ chức phi chính phủ độc lập giám sát các hoạt động của các thành viên. Hiện có 49 chứng nhận quản lý rừng được FSC cấp tại Việt Nam với tổng diện tích là 226.500 ha, trong đó diện tích rừng cao su là rất nhỏ. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đồ gỗ, đây là điều đáng báo động bởi gỗ cao su là nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho ngành gỗ Việt Nam. Nếu nguồn gỗ cao su Việt Nam có chứng nhận FSC, các DN có thể ký được những hợp đồng lớn với những tập đoàn nội thất lớn của châu Âu.

Trên thực tế, các DN đồ gỗ hiện phải chật vật tìm nguồn cung nguyên liệu hợp pháp. Ngoài việc tuân thủ các quy định của FSC, các DN còn phải đáp ứng những đòi hỏi khắt khe từ thị trường châu Âu. Đặc biệt là sau khi Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU. Điều này cho thấy việc sử dụng gỗ hợp pháp có tính chất sống còn đối với DN. Hiện tại, các sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC có giá trị cao hơn loại không có chứng chỉ từ 15-20%.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, hiện có 2 nguồn nguyên liệu quan trọng cho sản xuất đồ gỗ là gỗ tràm và gỗ cao su. Trong đó, nguồn gỗ cao su được các đối tác nhập khẩu tin tưởng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có sự liên kết giữa các DN của 2 phía cung và cầu này. Bên cạnh đó, còn có sự cạnh tranh không lành mạnh và phần thiệt thường thuộc về DN sản xuất đồ gỗ.

Để có thể phát triển nguồn gỗ nguyên liệu bền vững, ngành cao su cần hoạch định chiến lược lâu dài phù hợp, trong đó có vai trò quan trọng của VRG do 92% nguồn cung gỗ cao su nguyên liệu đến từ các công ty trực thuộc. Theo ông Trần Minh, Trưởng ban Công nghiệp của VRG, tập đoàn đang làm việc với các nhà tư vấn nước ngoài để từng bước lấy được chứng chỉ FSC nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp cho DN sản xuất gỗ.

Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành (GDT), cho biết DN hiện gặp khó khăn vì nhiều khách hàng lớn yêu cầu phải có chứng nhận FSC. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, các bên liên quan cần ngồi lại với nhau để tháo gỡ rắc rối này.

Trên thực tế, các DN đồ gỗ hiện phải chật vật tìm nguồn cung nguyên liệu hợp pháp. Ngoài việc tuân thủ các quy định của FSC, các DN còn phải đáp ứng những đòi hỏi khắt khe từ thị trường châu Âu. Đặc biệt là sau khi Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU. Điều này cho thấy việc sử dụng gỗ hợp pháp có tính chất sống còn đối với DN.

Minh Lâm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/go-cao-su-gap-kho-voi-chuan-fsc-89455.html