Gò Công Đông: Tập trung tái cấu trúc công nghiệp

Thời gian qua, ngành Công nghiệp huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đạt được nhiều kết quả khả quan. Tạo động lực, niềm tin và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và phát triển.

THU HÚT ĐẦU TƯ

Thời gian qua, huyện Gò Công Đông phối hợp cùng với các sở, ngành tỉnh Tiền Giang tiến hành xúc tiến mời gọi, thu hút đầu tư được 10 dự án trên địa bàn. Hiện có 2 dự án đi vào hoạt động gồm Nhà máy Chế tạo ống thép hàn thẳng phục vụ khai thác dầu khí 23 ha và Tổng kho xăng dầu của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu dầu khí và kho ngoại quang Sông Tiền Petro 8 ha.

Ngoài ra, giá trị tổng sản lượng toàn ngành Công nghiệp trên địa bàn tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020, đạt 18,2%/năm góp phần đưa tỷ trọng khu vực II đạt 27,22%; giải quyết việc làm trên 4.500 lao động. Các khu, cụm công nghiệp và các dự án trong khu vực quy hoạch chung xây dựng công nghiệp Gò Công đã có những bước chuyển mạnh mẽ.

Máy móc cuốn và nhuộm chỉ của Công ty TNHH SX-TM Phú Đạt (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông) được lắp đặt từ Nhật Bản (ảnh: Nguyễn Sự)

Bên cạnh những dự án mới, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Gò Công Đông đã đầu tư thêm trang thiết bị, công nghệ mới để từng bước hoàn chỉnh quy trình công nghệ theo hướng hiện đại, như: DNTN Trữ Nguyên đầu tư dây chuyền tách màu lau bóng theo công nghệ Thụy Sĩ trên 5 tỷ đồng; các Công ty TNHH Kim Tuấn Vàm Láng, Công ty TNHH Châu Ngọc, DNTN Thành Bình chi trên 30 tỷ đồng đầu tư dây chuyền sản xuất bột cá tự động hóa 100% từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm; Công ty Long Nguyên Gò Công và Công ty TMDV Hải Châu đầu tư nhà máy sản xuất nước đá trên 5.000 cây/ngày; Công ty TNHH SX-TM Phú Đạt với các dây chuyền thiết bị dệt lưới phục vụ đánh bắt thủy sản theo công nghệ Nhật Bản; Công ty TNHH may mặc Findmoon với dây chuyền trên 200 máy may công nghiệp... với tổng kinh phí trên 400 tỷ đồng. Từ đó góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp của địa phương.

Bên cạnh đó, huyện Gò Công Đông còn tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng các ngành Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Ngoài 5 doanh nghiệp xay xát có quy mô công suất lớn trên 30 tấn/ngày, còn có trên 80 nhà máy xay xát phục vụ dân sinh. Công nghệ của các nhà máy xay xát lương thực lớn cơ bản đạt mức tiên tiến đảm bảo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã đầu tư trang bị thêm trang thiết bị phơi sấy, thiết bị phân loại, đánh bóng, tách màu, chọn hạt để nâng cao chật lượng gạo, đặc biệt là gạo xuất khẩu.

Ngoài ra, huyện cũng có doanh nghiệp chế biến thủy sản, đạt chuẩn xuất khẩu châu Âu, các nước Đông Á…; đồng thời, có 3 nhà máy chế biến bột cá được đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất theo chuổi khép kín vừa đảm bảo hạn chế ảnh hưởng môi trường vừa tăng chất lượng sản phẩm. Nổi bật là nhà máy sản xuất lưới xuất khẩu phục vụ nuôi trồng thủy sản theo công nghệ Nhật Bản đã thu hút trên 300 lao động. Ngoài ra, có 4 nhà máy may mặc với lượng lao động từ 200 - 400 lao động.

PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI

Gò Công Đông là huyện đồng bằng ven biển, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Tiền Giang. Với 18,5 km bờ biển và 2 cửa sông chính: Cửa Tiểu và cửa Soài Rạp là cửa ngõ giao thông đường thủy quan trọng thông ra biển Đông nối với các tỉnh trong nước và quốc tế. Đồng thời, là nơi hội tụ nguồn tài nguyên thủy - hải sản phong phú, huyện có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, hậu cần nghề cá, du lịch sinh thái biển và phát triển công nghiệp.

Ngoài ra, với vị trí thuộc vùng nhiễm mặn lợ đã chủ động ngọt hóa, huyện cũng khá thuận lợi để phát triển về nông nghiệp (như trồng lúa, rau màu, cây ăn trái). Đây là tiềm năng, thế mạnh cho phép huyện phát triển toàn diện nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Công nhân Công ty TNHH SX-TM Phú Đạt (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông) đang sản xuất lưới dùng để đánh bắt hải sản dưới biển (ảnh:Nguyễn Sự).

Cho nên định hướng phát triển kinh tế Gò Công Đông trong giai đoạn tới chủ yếu tập trung phát triển kinh tế biển với mục tiêu công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch sẽ là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế biển, cùng với việc phát triển cảng sông, cảng biển đa năng, logistics dọc sông Vàm Cỏ và Soài Rạp; khu kinh tế phức hợp, khu, cụm công nghiệp đa ngành nghề, phát triển năng lượng điện gió, lọc hóa dầu, du lịch sinh thái, trung tâm thương mại, siêu thị... Công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ là mục tiêu xuyên suốt trong cả giai đoạn, trong đó đặc biệt chú trọng việc tái cấu trúc công nghiệp địa phương theo định hướng, mục tiêu trong Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong thời gian tới, huyện Gò Công Đông sẽ tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gò Công, cụm công nghiệp Gia Thuận 1, Gia Thuận 2...; thu hút các doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với lợi thế địa phương, đồng thời tiếp nhận các ngành công nghiệp ít gây ô nhiễm môi trường, có hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước; thu hút phát triển các ngành nghề có lợi thế của vùng như: Cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến, lọc hóa dầu...

Bên cạnh đó, huyện thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở các ngành, nghề như dệt may - da giày; phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi; ngành cơ khí và sản xuất sản phẩm kim loại; ngành điện tử, thiết bị điện...

Ngoài ra, huyện tiếp tục thực hiện quy hoạch một số khu dân cư mới (phía Đông các xã Tân Tây, Gia Thuận, Tân Phước) trên trục đường tỉnh 873B, huyện lộ 01, 06 trên cơ sở kêu gọi đầu tư hạ tầng khu dân cư, xây dựng chung cư phục vụ người thu nhập thấp hoặc nhà cho thuê. Chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội liên thông tạo thuận lợi và đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đời sống sinh hoạt khi phát triển một lượng lao động lớn. Tập trung đầu tư phát triển đô thị Tân Tây, Vàm Láng nhằm làm vệ tinh phục vụ hoạt động của cụm công nghiệp như đầu tư trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí...

Huyện tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đề xuất quy hoạch phát triển cảng tổng hợp cặp sông Soài Rạp nhằm tạo thuận lợi, chủ động cho doanh nghiệp khi vào hoạt động trong khu, cụm công nghiệp; đồng thời, nhằm khai thác tối đa tuyến đường bộ và thủy phục vụ phát triển công nghiệp khu vực Gò Công.

LÝ OANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202101/go-cong-dong-tap-trung-tai-cau-truc-cong-nghiep-918058/