Gõ cửa 'kho báu' ở miền Tây xứ Thanh
Về miền Tây xứ Thanh, chúng ta như lạc vào xứ sở của đại ngàn xanh thẳm ngút tầm mắt của núi rừng trùng điệp nối liền một dải từ huyện Thạch Thành lên đến Mường Lát. Và nơi đây, còn có một pho sử thi được truyền từ đời này sang đời khác, một không gian văn hóa truyền thống gắn liền với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước), Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Quan Hóa), Bến En (Như Thanh), thác Ma Hao (Lang Chánh), động Bo Cúng và núi Lá Hoa (Quan Sơn), thác Mơ, suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), thác Mây, thác Voi (Thạch Thành), thác Trai gái, Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt (Thường Xuân), cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn)...
Du lịch cộng đồng tại bản Hang, xã Phú Lệ (Quan Hóa).
Miền Tây xứ Thanh cũng là địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc, như: Mường, Thái, Mông, Thổ, Khơ Mú, Dao, Kinh... mỗi dân tộc đều mang trong mình sắc thái văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc. Đó là điệu múa sạp, múa xòe, khặp của đồng bào dân tộc Thái; múa khèn của dân tộc Mông; hát tơm của dân tộc Khơ Mú... đó là những nếp nhà sàn truyền thống, trang phục, trang sức của đồng bào Thái, Mường, Dao, Mông còn lưu giữ khá nguyên vẹn. Nhiều tập tục sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội vẫn giữ được nét độc đáo. Đó là lễ hội Pồn Pôông, Khai Hạ, lễ tục Làm vía kéo Xi, lễ Mừng cơm mới, sắc bùa của dân tộc Mường; lễ hội Kin chiêng boọc mạy, Nàng Han, Mường Khô, Mường Ca Da, Mường Piềng Muốp, Mường Xia, Cầu Nước, Căm Mương của dân tộc Thái; dân tộc Thổ có hội Đình Thi; dân tộc Dao có lễ Cấp sắc, Tết Nhảy; dân tộc Khơ Mú có lễ Xên; dân tộc Mông có lễ hội Tén Tằn...
Có thể thấy, với những nét văn hóa độc đáo như vậy, trong những năm gần đây, đồng bào các dân tộc miền núi Thanh Hóa đang mở cửa “kho báu” mà thiên nhiên đã ban tặng. Người dân từng bước làm quen và biết khai thác những lợi thế của mình thông qua các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng. Đã có một số nghiên cứu khoa học cũng như khảo sát thì có tới 99% người dân ủng hộ việc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; người dân cũng đồng ý cho khách du lịch ghé thăm nhà ở và cho khách lưu trú tại nhà mình; khách du lịch nhận định thái độ người dân là thân thiện, cởi mở... Kết quả trên cùng với những tiềm năng thiên nhiên ban tặng là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền Tây xứ Thanh. Với thế mạnh ấy, một số địa phương đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để phát triển và bước đầu đã thành công trong một số mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, điển hình như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước), Pù Hu (Quan Hóa), Xuân Liên (Thường Xuân), Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), làng Năng Cát, thác Ma Hao (Lang Chánh)...
Theo số liệu thống kê của huyện Bá Thước, giai đoạn 2015-2019, bình quân mỗi năm có khoảng trên 10 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Đặc biệt, từ tháng 4-2016, Khu Du lịch nghỉ dưỡng Pù Luông Restreat, bản Đôn, xã Thành Lâm được đưa vào khai thác đã thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, khiến nơi đây trở thành điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn trong và ngoài nước. Để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển, huyện Bá Thước đã xây dựng chương trình phát triển du lịch đến năm 2020 và đề án phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đến nay, huyện đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch Khu Du lịch Son Bá Mười, thác Hiêu, thác Muốn và đang hoàn thiện quy hoạch hai điểm du lịch ở bản Đôn, xã Thành Lâm và bản Kho Mường, xã Thành Sơn.
Huyện Cẩm Thủy có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn, với các điểm du lịch như: thắng cảnh động Cửa Hà, chùa Chặng, chùa Rồng... đặc biệt là danh thắng suối cá Cẩm Lương, là điểm nhấn thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan mỗi năm. Theo số liệu thống kê, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, mỗi năm khu du lịch suối cá Cẩm Lương đón khoảng 20.000 lượt khách du lịch. Tại huyện Vĩnh Lộc, số lượt khách đến tham quan Thành Nhà Hồ và các điểm di tích trên địa bàn khoảng 150.000 lượt khách (trong đó khách nội địa 149.600 lượt, khách quốc tế 400 lượt khách), doanh thu ước đạt 3 tỷ đồng...
Thành công bước đầu của mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn một số huyện miền núi tỉnh ta đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng tại đây đang còn nhỏ lẻ, chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và giá trị đặc sắc của các loại hình văn hóa đang lưu giữ trong cộng đồng, sản phẩm du lịch tại một số khu, điểm du lịch còn nghèo nàn và đơn điệu; không có sản phẩm đặc thù cung cấp cho du khách; hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất du lịch tại một số khu điểm du lịch chưa được chú trọng, quan tâm đầu tư; kỹ năng nghề còn yếu dẫn đến khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nguồn nhân lực tham gia làm du lịch chưa được đào tạo bài bản, nên kỹ năng giao tiếp ứng xử và tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch chưa cao...
Để du lịch phát triển bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc miền Tây tỉnh Thanh Hóa, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tiếp tục lựa chọn chương trình phát triển du lịch là một trong 6 chương trình trọng tâm, đặc biệt Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã mở ra cơ hội mới cho ngành du lịch tỉnh nhà. Tin tưởng rằng, đây là cơ hội, điều kiện để các huyện miền Tây xứ Thanh phát huy hết tiềm năng, thế mạnh để đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần quan trọng vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xóa nghèo nhanh và bền vững; từng bước làm thay đổi diện mạo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi tỉnh ta.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/go-cua-kho-bau-o-mien-tay-xu-thanh/154451.htm