Gỡ điểm nghẽn cho nhà ở ven kênh, rạch

TP Hồ Chí Minh trong gần 20 năm qua đã có chủ trương và triển khai chương trình chỉnh trang đô thị, di dời hàng chục nghìn căn nhà ven kênh rạch, bố trí tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân sau khi di dời.

Tuy nhiên, do hệ thống kênh rạch chằng chịt, số nhà ở ven kênh rạch lớn, trải rộng ở nhiều địa bàn nên công tác di dời, chỉnh trang gặp nhiều vướng mắc, điểm nghẽn, khó khăn về nguồn lực.

Rời khỏi trung tâm thành phố, qua cầu Chánh Hưng, chúng tôi đi men theo đường Phạm Thế Hiển (quận 8) sát với dòng kênh Đôi. Tại đây, không khó để bất cứ ai đi ngang qua cũng đều nhận ngay ra những ngôi nhà lụp xụp, nửa nằm trên đất, nửa chìa ra mặt dòng kênh. Những ngôi nhà kiểu này không chỉ gây ảnh hưởng cảnh quan môi trường đô thị và mỹ quan của Thành phố mang tên Bác, mà đặc biệt còn tiềm ẩn nguy cơ sụt lún, cháy nổ.

Khu nhà ở dọc hai bên kênh Đôi đang được TP Hồ Chí Minh huy động nguồn lực chỉnh trang, di dời.

Khu nhà ở dọc hai bên kênh Đôi đang được TP Hồ Chí Minh huy động nguồn lực chỉnh trang, di dời.

Anh Huỳnh Đặng Bình Quân (sinh năm 1978), ngụ tại một căn nhà dựng tạm bên dòng kênh Đôi tâm tư: “Hầu hết người dân sống dọc tuyến kênh này như gia đình tôi đều sử dụng giấy tờ nhà đất viết tay, đang đợi được cấp sổ. Những năm qua, gia đình tôi muốn sửa chữa, cải tạo nhà cũng khó, vì thiếu giấy tờ chủ quyền chính thức. Điều kiện sống hiện tại cũng đối diện với nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh, bất tiện trong sinh hoạt. Đa số người dân có nhà ven kênh mong dự án di dời các hộ dân sớm gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc để được hỗ trợ, tái định cư chỗ ở mới như người dân tại nhiều tuyến kênh khác trên địa bàn thành phố được di dời trong nhiều năm qua".

Từ năm 1993, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện việc di dời các hộ dân sống trên và ven kênh, rạch. Theo đó, giai đoạn 1993-2020, thành phố đã di dời được 38.185 căn nhà trên 65.000 căn nhà cần di dời, trung bình mỗi năm di dời được hơn 1.400 căn nhà. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X, việc di dời nhà ở ven, trên các dòng kênh, rạch thuộc địa bàn thành phố nằm trong các nội dung quan trọng của chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, cũng là một trong 7 chương trình đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020.

Đến Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, thành phố tiếp tục xác định nhiệm vụ di dời nhà ở ven, trên các dòng kênh, rạch là một trong những chương trình hành động và nhiệm vụ quan trọng nhất. Đáng chú ý, thành phố đã ban hành kế hoạch về triển khai chỉnh trang và phát triển đô thị đến năm 2030. Trong đó, có chương trình di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch với mục tiêu từ năm 2021 đến 2025 sẽ di dời 6.500 căn.

Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh nhận định, các chương trình cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố trước đây thuận lợi hơn khi có nguồn tài chính lớn từ các quỹ đất công. Khi ấy, quỹ đất dồi dào, tạo điều kiện áp dụng đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng, điều mà hiện nay rất khó thực hiện, vì hầu như đất trống không còn, pháp lý cũng thay đổi.

Trước thực trạng khó khăn trên, nhiều ý kiến cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần có giải pháp tập trung vào huy động nguồn lực tài chính và quỹ đất, bao gồm quỹ nhà ở tái định cư và các khu đất đối với những dự án cải tạo, chỉnh trang kênh, rạch; đồng thời, cũng có thể nghĩ tới giải pháp kêu gọi vốn xã hội hóa.

Từ thực trạng kinh phí hạn chế, thành phố nên chia nhỏ các dự án ra để di dời, chỉnh trang làm đẹp từng phần, hay một đoạn kênh, rạch, tạo mỹ quan thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư chỉnh trang, hỗ trợ địa phương di dời nhà ven kênh, rạch. Từ đây, công tác tháo gỡ những điểm nghẽn cho nhà ở ven kênh, rạch thuộc các phân đoạn còn lại sẽ được khởi sắc, thực hiện thuận lợi, dễ dàng hơn.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/go-diem-nghen-cho-nha-o-ven-kenh-rach-787264