Gỡ 'điểm nghẽn' đô thị hóa

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII xác định mục tiêu đến năm 2025 “tỷ lệ đô thị hóa đạt 30%”. Vượt qua khó khăn, tỉnh ta triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý đầu tư phát triển đô thị để xây dựng Hà Giang mang tính đặc sắc riêng nơi địa đầu cực Bắc.

Ngày 24.1.2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định một trong những mục tiêu tổng quát: “Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới”. Cụ thể hóa mục tiêu đó, ngành Xây dựng của tỉnh chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh về công tác quản lý quy hoạch và phát triển đô thị. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 134 ngày 10.6.2020 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 38, ngày 8.11.2019 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã tham mưu tỉnh ban hành các nghị quyết, kế hoạch, quyết định liên quan đến phát triển đô thị.

Từ việc quản lý tốt quy hoạch xây dựng giúp thành phố Hà Giang ngày càng khang trang.

Từ việc quản lý tốt quy hoạch xây dựng giúp thành phố Hà Giang ngày càng khang trang.

Đến nay, các xã Hùng An, Quang Minh (Bắc Quang); Thanh Thủy, thị trấn nông trường Việt Lâm (Vị Xuyên); Xuân Giang (Quang Bình) đạt tiêu chí đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2022 đạt 20,26%; ước thực hiện năm 2023 đạt 24,5% (tăng 4,24% so với năm 2022) và đạt 81,67% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Hiện đang triển khai lập đề án nâng thị trấn Vị Xuyên từ đô thị loại V lên đô thị loại IV; lập đề án công nhận các xã Đồng Yên, Kim Ngọc (Bắc Quang); Tân Bắc (Quang Bình); Mậu Duệ (Yên Minh); Thông Nguyên (Hoàng Su Phì); Quyết Tiến (Quản Bạ) đạt tiêu chí đô thị loại V.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, phê duyệt cơ bản đồng bộ các loại, cấp độ quy hoạch xây dựng phù hợp quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phù hợp tình hình phát triển KT – XH từng giai đoạn. Từ năm 2020 đến nay, lập được 316 quy hoạch xây dựng các cấp độ. Mặt khác, Sở thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm cải cách thủ tục hành chính. Trong 6 tháng đầu năm 2023, giải quyết trước hạn 207/215 hồ sơ, chiếm 96,28%; năm 2022 chỉ số cải cách hành chính của Sở xếp loại giỏi, tăng 5,62 điểm so với năm 2021.

Nhìn thẳng vào thực tế, việc quản lý đầu tư phát triển đô thị hiện còn không ít “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, bởi các loại, cấp độ quy hoạch xây dựng chưa được lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ, dẫn đến khi đánh giá sự phù hợp của các dự án đối với quy hoạch xây dựng ở các khu vực chỉ có cấp độ quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch chung là không phù hợp. Một số địa phương thiếu chương trình và kế hoạch phát triển đô thị, nông thôn, dẫn tới việc phát triển đô thị, nông thôn chưa gắn phát triển đô thị với quy hoạch và kế hoạch. Một số đồ án quy hoạch chi tiết dù được phê duyệt từ lâu nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng đất đai đầu tư xây dựng. Do hạn chế về nguồn kinh phí nên công tác rà soát lập điều chỉnh quy hoạch chưa được triển khai đồng bộ từ tất cả các cấp độ quy hoạch…

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tỉnh tập trung nâng cao năng lực quản lý đô thị. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị gắn với xây dựng nông thôn. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, chất lượng cao, có nhận thức đầy đủ về phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc, đáp ứng yêu cầu công tác quy hoạch xây dựng, quản lý theo quy hoạch. Công bố, công khai các đồ án quy hoạch xây dựng; chương trình phát triển đô thị nhằm phát huy vai trò tham gia quản lý, giám sát của nhân dân đối với các hoạt động xây dựng, phát triển đô thị.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, hạ tầng đô thị. Xây dựng và phát triển các đô thị mang tính đặc sắc riêng, phù hợp với giá trị sẵn có về cảnh quan tự nhiên và các đặc trưng từng khu vực; phù hợp với kiến trúc bản địa và phong tục, tập quán từng địa phương. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm để xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các đô thị.

“Tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển đô thị; ưu tiên đầu tư các dự án phát triển hạ tầng đô thị; khuyến khích, động viên và tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển đô thị thông minh và bền vững…” - Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/tin-moi/202311/go-diem-nghen-do-thi-hoa-b31058c/