Gỡ 'điểm nghẽn' dự án đường cao tốc bắc - nam
Nối thông toàn tuyến hơn 2.000 km cao tốc bắc - nam là mục tiêu trọng yếu của ngành giao thông từ nay đến năm 2025, bởi đây là dự án có tính đột phá, lan tỏa, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững. Hiện tất cả 11 dự án thành phần trên tuyến đang được các đơn vị tích cực triển khai, tuy nhiên, hai điểm nghẽn lớn nhất là mặt bằng thi công và nguồn vốn tín dụng vẫn còn gặp vướng mắc, cần được ngành giao thông và các địa phương liên quan tháo gỡ kịp thời.
Nối thông toàn tuyến hơn 2.000 km cao tốc bắc - nam là mục tiêu trọng yếu của ngành giao thông từ nay đến năm 2025, bởi đây là dự án có tính đột phá, lan tỏa, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững. Hiện tất cả 11 dự án thành phần trên tuyến đang được các đơn vị tích cực triển khai, tuy nhiên, hai điểm nghẽn lớn nhất là mặt bằng thi công và nguồn vốn tín dụng vẫn còn gặp vướng mắc, cần được ngành giao thông và các địa phương liên quan tháo gỡ kịp thời.
Bài 1: Gian nan mặt bằng
Tính đến thời điểm giữa tháng 8, toàn bộ 11 dự án thành phần của đường cao tốc bắc - nam phía đông đã bàn giao khoảng 580 km trên tổng số hơn 653,6 km (đạt gần 90%). Dự án đi qua 13 tỉnh, thành phố, việc xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, các địa phương đang quyết liệt chỉ đạo để sớm hoàn thành theo tiến độ yêu cầu. Dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ hoàn thành trong đầu quý IV tới. Tuy khối lượng chỉ còn hơn 10% nhưng thật sự là “khúc xương” khó nhằn, do tập trung vào những hạng mục phức tạp, là đường găng quyết định phần mặt bằng còn lại chưa bàn giao của dự án.
Ưu tiên theo hướng có lợi cho dân
Chúng tôi đến gia đình ông Đậu Văn Viết, trú tại thôn Trường Thọ, xã Tế Lợi, huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Gia đình ông Viết có ba thế hệ đang sinh sống trên mảnh đất gần 500 m2, trong đó phần đất đã xây dựng nhà ở khoảng 80 m2 nằm trong phạm vi dự án đường cao tốc bắc - nam (thuộc dự án thành phần quốc lộ 45 - Nghi Sơn). Theo phương án GPMB, gia đình ông Viết được bố trí ba suất tái định cư, đền bù khoảng 1,3 tỷ đồng; trong đó, riêng phần nhà ở 460 triệu đồng. Đến nay, gia đình ông Viết là một trong các hộ dân vẫn chưa đồng thuận nhận tiền để di dời, bàn giao mặt bằng cho chính quyền. “Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương xây dựng đường cao tốc bắc - nam, không chỉ giúp người dân đi lại thuận lợi, mà còn phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tôi cũng biết phương án đền bù của Nhà nước tương đối hợp lý, nhưng nếu nhận tiền xong, gia đình tôi chỉ đủ chi trả tiền đất tái định cư và không đủ tiền để xây nhà, như vậy rất khó khăn cho chúng tôi để ổn định cuộc sống về sau”, ông Đậu Văn Viết giãi bày.
Nông Cống là một trong những huyện có diện tích GPMB khá lớn của dự án đường cao tốc bắc - nam. Với gần 30 km đường cao tốc đi qua địa bàn, đã ảnh hưởng đến gần 2.900 hộ dân cả đất nông nghiệp và đất ở, công tác GPMB được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai từ sớm. Đến nay, huyện đã hoàn thành chi trả cho toàn bộ hộ dân bị ảnh hưởng phần diện tích đất nông nghiệp, khu vực gặp vướng mắc chỉ còn nằm trong phạm vi đất ở. Theo Phó Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng (UBND huyện Nông Cống) Nguyễn Văn Cường, dự án thành phần cao tốc bắc - nam đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn đi qua địa bàn, huyện đã chi trả được cho gần 500 hộ trên tổng số 550 hộ có đất ở bị ảnh hưởng, đạt gần 90%. Những hộ còn lại chưa chi trả được tiền đền bù do khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, để từ đó lập phương án bồi thường, hỗ trợ. UBND tỉnh Thanh Hóa đã cử đoàn công tác liên ngành hướng dẫn huyện giải quyết chế độ chính sách cho người dân với từng trường hợp cụ thể, theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Trường hợp nào đủ cơ sở xác định nguồn gốc đất, sẽ công nhận ngay cho dân, còn phần diện tích nào không thể xác định được, sẽ có phương án hỗ trợ di dời. Để có mặt bằng bố trí tái định cư cho người dân, huyện Nông Cống quy hoạch và xây dựng 23 điểm xen cư tại 10 khu vực trên địa bàn. Ưu điểm của hình thức này là tận dụng quỹ đất tại các xã, người dân không phải di dời quá xa so với nơi ở cũ. Về trường hợp gia đình ông Đậu Văn Viết, ông Cường cho hay, huyện đã bố trí điểm xen cư tại thôn Trường Thọ, các hộ dân được bốc thăm, phân lô 40 suất đất tái định cư, diện tích 125 m2/suất. Chính do điểm xen cư này nằm ngay mặt quốc lộ 45 cho nên giá cao hơn, chênh lệch lớn so với mức đền bù người dân nhận được, nên một số hộ như ông Viết còn băn khoăn. Chính quyền huyện đang tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động người dân và tìm phương án hợp lý, bảo đảm quyền lợi cũng như đạt được sự đồng thuận cao nhất của người dân.
Đền bù công khai, minh bạch
Dự án đường cao tốc bắc - nam đi qua tám huyện của tỉnh Thanh Hóa với gần 9.500 hộ bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất 816 ha. Trong đó, số hộ bị ảnh hưởng đất ở hơn 2.400 hộ, chiếm khoảng 25,6%, đến nay đã GPMB đạt 78,5%. Khó khăn nhất về GPMB hiện nay tập trung ở thị xã Nghi Sơn. Với chiều dài 21,6 km đường cao tốc qua địa bàn, thị xã đã hoàn thành việc thu hồi đất nông nghiệp, nhưng phần đất ở và đất khác mới đạt hơn 60%. Trong số này có bảy công trình công cộng thuộc diện phải di dời và một số công trình hạ tầng kỹ thuật như đường ống cấp nước, đường điện cao thế, hạ thế. Đây được xác định là một trong những công việc “khó nhằn” nhất để hoàn thành toàn bộ mặt bằng dự án. Nghi Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Thanh Hóa có Ban GPMB, hỗ trợ và tái định cư do UBND tỉnh thành lập, chuyên trách GPMB, do địa bàn có Khu kinh tế Nghi Sơn, tập trung nhiều dự án lớn như xi-măng, lọc hóa dầu, nhiệt điện,... Giám đốc Ban GPMB, hỗ trợ và tái định cư Mai Cao Cường cho biết: Đối với các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, muốn di dời, trước tiên phải xây dựng công trình, hệ thống mới, mất rất nhiều thời gian, công sức. Để bảo đảm tiến độ, có thể xây dựng công trình tạm rồi tiến hành di dời, bố trí thi công, sau đó tiếp tục hoàn thiện công trình. Với kinh nghiệm hơn 10 năm đảm nhiệm công việc “nhạy cảm” này, ông Mai Cao Cường bày tỏ, quan trọng nhất để tạo được đồng thuận là phải nắm bắt từng vướng mắc nhỏ của người dân. Khi vướng mắc được gỡ bỏ, người dân sẽ chung sức cùng chính quyền, sẵn sàng di dời nhà cửa phục vụ cho sự nghiệp phát triển chung của địa phương. “Giai đoạn 2014 - 2015, khi triển khai GPMB dự án nâng cấp quốc lộ 1, trong hơn một năm, tôi đến từng nhà, thuyết phục hơn 1.000 chữ ký của người dân để dự án có mặt bằng. Công việc của chúng tôi nhiều khi không có ngày nghỉ, không có giờ kết thúc, thường xuyên phải chịu áp lực”, ông Cường chia sẻ.
Thời gian vừa qua, ngay trong giai đoạn cao điểm dịch Covid-19, xác định GPMB là nhiệm vụ quan trọng, cơ sở bắt buộc để triển khai thi công dự án, tập thể lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn thường xuyên họp giao ban trực tuyến với các cơ quan, đơn vị liên quan để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Hiện một số địa phương bị tăng chi phí GPMB, tuy nhiên sẽ điều chỉnh lại cơ cấu để không làm tăng tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt; nguyên nhân tăng chủ yếu do các địa phương công bố giá đất định kỳ năm 2020 theo quy định của Luật Đất đai cao hơn so thời điểm lập dự án. Để công tác GPMB đường cao tốc bắc - nam đạt hiệu quả cao hơn nữa, lãnh đạo Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu các Ban Quản lý dự án tích cực phối hợp địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để hoàn thành khối lượng GPMB còn lại, giao các Giám đốc Ban trực tiếp, chủ động xử lý các vướng mắc và chịu trách nhiệm trước Bộ. Đến hết tháng 8 này, tất cả các vị trí không vướng về tái định cư và hạ tầng kỹ thuật phải chi trả hết tiền cho dân; cuối tháng 9 phải di dời nhà cửa, dân cư, chi trả tiền cho người dân thuê nhà, bố trí chỗ ở tạm trước khi hoàn thành các khu tái định cư. Nếu địa phương, chủ sở hữu sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật không tập trung quyết liệt thực hiện sẽ không thể hoàn thành công tác GPMB như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ. Các Ban Quản lý dự án cần làm đầu mối để địa phương thực hiện thủ tục với cơ quan trực thuộc ngành điện về thiết kế, đóng cắt điện,... theo quy định chuyên ngành điện lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành toàn bộ trong quý IV tới. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, các đơn vị, địa phương cần kịp thời báo cáo Bộ GTVT và cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Đánh giá về công tác GPMB dự án đường cao tốc bắc - nam, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật nhấn mạnh, thời gian qua, các địa phương đã thể hiện nỗ lực lớn qua việc rốt ráo GPMB, chuẩn bị thi công dự án. Do dự án đi qua nhiều địa phương, phạm vi GPMB lớn nên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần tiếp tục có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành và vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Dự kiến, công tác GPMB được ấn định thời điểm “chốt” hoàn thành toàn bộ vào đầu quý IV tới. Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai GPMB phục vụ thi công dự án, tuân thủ các quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Để bảo đảm tiến độ triển khai dự án trọng điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua phải xác định nhiệm vụ GPMB phục vụ thi công dự án là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành liên quan và Hội đồng GPMB địa phương khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng 114 khu tái định cư theo yêu cầu để di dời các hộ dân vào khu tái định cư. Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Bưu chính Viễn thông, Viễn thông Quân đội, Xăng dầu,… cần khẩn trương chỉ đạo các chủ quản lý, chủ sử dụng công trình hạ tầng điện, viễn thông, xăng dầu thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình lập, phê duyệt phương án và triển khai thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB đáp ứng tiến độ.
(Còn nữa)
Tổng kinh phí GPMB dự án đường cao tốc bắc - nam khoảng 12.400 tỷ đồng, diện tích thu hồi khoảng 4.835 ha, tái định cư khoảng 3.690 hộ dân và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB (1.245 vị trí giao cắt đường điện phải cải tạo di dời; trong đó, 125 vị trí cao thế, 369 vị trí trung thế, 751 vị trí hạ thế; cùng gần 25.500 m đường ống cấp nước các loại; hơn 46.500 m cáp viễn thông các loại; 131 m đường ống xăng dầu).
(Nguồn: Bộ GTVT)