Gỡ 'điểm nghẽn' hạ tầng, tạo sức bật cho phát triển kinh tế

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, hàng loạt chính sách đã được địa phương ban hành, làm tiền đề mở ra triển vọng giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn; giải quyết bài toán phát triển bền vững của thành phố, đặc biệt là tạo ''cú hích'' trong phát triển cơ sở hạ tầng, tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế.

Vận dụng Nghị quyết 98 giúp TP. Hồ Chí Minh rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, tháo gỡ điểm nghẽn cơ sở hạ tầng trong phát triển kinh tế. Ảnh tư liệu

Vận dụng Nghị quyết 98 giúp TP. Hồ Chí Minh rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, tháo gỡ điểm nghẽn cơ sở hạ tầng trong phát triển kinh tế. Ảnh tư liệu

Đã phân cấp phân quyền cho 5 lĩnh vực

Theo báo cáo của Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98), sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 98 (từ 8/2023), TP. Hồ Chí Minh thu được nhiều kết quả tích cực, khi ban hành một khối lượng chính sách đáng kể và đã thông qua cơ chế phân cấp phân quyền trong 5 lĩnh vực. Cụ thể, đối với lĩnh vực quản lý đầu tư, thành phố đã ban hành một số quy định về mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược; quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao, văn hóa; ban hành Danh mục dự án áp dụng loại hợp đồng BOT.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, UBND thành phố đã ban hành một số quy định về hoạt động của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC); quy chế thu và sử dụng tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố; cơ chế chỉ thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với mức không vượt quá 0,8 lần tổng quỹ lương cơ bản, có mở rộng 1 số đối tượng thụ hưởng so với trước đây. Về lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, đã ban hành quyết định phí, lệ phí chưa được quy định; quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, lộ trình chuyển đổi đối với công nghệ liên quan đến chất thải rắn sinh họa; ban hành tiêu chí, trình tự, thủ tục thực hiện chính sách kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.

Lấy lại đà tăng trưởng hai con số cho kinh tế thành phố

Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, những điểm nghẽn để phát triển thành phố là hệ thống hạ tầng TP. Hồ Chí Minh và kết nối với các vùng lân cận chưa được đầu tư đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của thành phố và khu vực Đông Nam Bộ. TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc trong việc khai thác tiềm năng và lợi thế, dẫn đến việc không khơi dậy được sự năng động và sáng tạo cần thiết. Những điểm nghẽn nêu trên nếu được tháo gỡ trong nhiệm kỳ này thì nhiệm kỳ tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ có cơ sở để lấy lại đà tăng trưởng hai con số; tiếp tục giữ vị trí đầu tàu kinh tế, là cực tăng trưởng của cả nước.

TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức bộ máy của chính quyền, thành lập Sở An toàn thực phẩm; ban hành một số quy định như cơ cấu tổ chức của tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP. Thủ Đức; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn. Về quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đã ban hành một số quy định về các lĩnh vực ưu tiên; tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2024 - 20281; nghiên cứu xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế…

Rút ngắn đáng kể khâu giải phóng mặt bằng

TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98, nhận định việc nỗ lực, chuẩn bị kỹ lưỡng về khung pháp lý, các quy định thuộc thẩm quyền địa phương đã giúp cho thành phố lần đầu tiên được cho một hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù trong việc phân cấp, phân quyền, huy động nguồn lực tài chính và thu hút nhân lực. Cơ chế này giúp rút ngắn được thủ tục từng công trình, từng dự án.

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh, Nghị quyết 98 đã mang đến một "làn gió" mới, mở ra nhiều cơ chế, tạo sự đột phá mới, khơi thông điểm nghẽn hạ tầng của địa phương. Đó chính là việc vận dụng cơ chế đặc thù để giải phóng mặt bằng nhanh hơn tại các dự án hạ tầng giao thông đang xây dựng. Cụ thể như tại Dự án đường Vành đai 3, nhờ áp dụng cơ chế đặc thù, việc giải phóng mặt bằng đã rút ngắn được 1 - 1,5 năm so với cách làm trước đây. Chính vì thế, chỉ sau một năm kể từ thời điểm dự án được duyệt chủ trương đầu tư, TP. Hồ Chí Minh đã bàn giao được hơn 70% mặt bằng để tiến hành khởi công công trình.

''Đây cũng là dự án đầu tiên cho phép chuyển trước tiền giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chủ trương đầu tư và trước cả khi có báo cáo tiền khả thi. Bên cạnh đó, công việc kiểm đếm, đo vẽ, cập nhật pháp lý đã làm trước đó, nên thời gian xử lý các bước tiếp theo rất nhanh. Bởi trong giải phóng mặt bằng, vấn đề quan trọng nhất là duyệt giá làm sao hợp lý nhất, tiệm cận giá thị trường, tạo được sự đồng thuận cho người dân bàn giao mặt bằng. Khi vận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, TP. Hồ Chí Minh đã đưa giá đền bù tiệm cận với thị trường, nên người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng. Với cách làm mới này, TP. Hồ Chí Minh có cơ sở và điều kiện để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm" - ông Phúc nói. Dễ dàng nhận thấy, từ cách làm hiệu quả của Dự án đường Vành đai 3, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục vận dụng Nghị quyết 98, để giải phóng mặt bằng tại một loạt dự án chậm trễ nhiều năm như cầu Nam Lý (4 năm), cầu Tăng Long (7 năm). Chính vì vậy, cầu Nam Lý, cầu Tăng Long đã có mặt bằng thi công để hoàn thành vào cuối năm nay, tức thời gian về mặt thủ tục dự án, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng được rút ngắn rất nhiều so với trước đây.

Thông điểm nghẽn, tạo đà cho kinh tế bật mạnh

Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh còn nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đang làm thủ tục đầu tư, như 5 dự án BOT đầu tư trên tuyến đường hiện hữu, gồm mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến giáp tỉnh Bình Dương); mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến giáp Long An); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh)… với tổng mức đầu tư 44.591 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TP. Hồ Chí Minh dự kiến gần 28.000 tỷ đồng. Thông tin từ UBND TP. Hồ Chí Minh cho hay, địa phương sẽ mời gọi đầu tư 5 dự án BOT này và rất nhiều nhà đầu tư đã đề xuất được đầu tư dự án.

Ngoài các dự án trên, TP. Hồ Chí Minh có những công trình, đề án tiêu biểu đang vận dụng Nghị quyết 98 như Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận (tuyến chính, tuyến nối, quy mô nút giao trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh); mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (do VEC làm chủ đầu tư); mở rộng đoạn đường nối 4 km từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh... TP. Hồ Chí Minh cũng đang chuẩn bị đầu tư một loạt dự án lớn như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài theo cơ chế mới từ Nghị quyết 98…

Như vậy, khi vận dụng cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, hàng loạt dự án đồng loạt khởi công trong năm sau và đến năm 2030, diện mạo hạ tầng giao thông TP. Hồ Chí Minh sẽ đổi thay với nhiều trục giao thông liên kết vùng, tạo động lực phát triển mới cho đầu tàu kinh tế là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, bởi hạ tầng giao thông chính là điểm nghẽn của kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nên một khi điểm nghẽn này không còn, kinh tế TP. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ bật mạnh./.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/go-diem-nghen-ha-tang-tao-suc-bat-cho-phat-trien-kinh-te-158428-158428.html