Gỡ điểm nghẽn tài chính, khơi dòng nhân lực số để doanh nghiệp Việt vững chân trong chuỗi cung ứng năng lượng

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chuỗi cung ứng năng lượng sạch trở thành 'mặt trận' phát triển chiến lược. Doanh nghiệp Việt đứng trước cơ hội lớn để tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái năng lượng. Tuy nhiên, hành trình này vẫn còn rào cản, đặc biệt về tài chính và nhân lực.

Các tấm pin mặt trời tại trang trại điện mặt trời Phong Phú (Solarcom), Lâm Đồng. (Ảnh: VĂN DUY)

Các tấm pin mặt trời tại trang trại điện mặt trời Phong Phú (Solarcom), Lâm Đồng. (Ảnh: VĂN DUY)

Doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi cung ứng năng lượng

Chia sẻ tại Diễn đàn Nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu tổ chức tại Hà Nội mới đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính khẳng định: Trong cấu trúc chuỗi giá trị năng lượng, từ khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối đến tiêu thụ, doanh nghiệp đóng vai trò then chốt ở tất cả các mắt xích.

Ông Long cho biết, ở mảng năng lượng truyền thống, các tập đoàn như EVN, PVN, TKV cùng nhiều doanh nghiệp tư nhân đang nắm giữ phần lớn công suất phát và truyền tải điện. Ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp tư nhân như Trung Nam, TTC, BCG, AMI AC Renewables… hiện chiếm tới gần 80% tổng công suất điện mặt trời được vận hành, theo số liệu từ Bộ Công thương năm 2024.

Việc doanh nghiệp trở thành trung tâm chuỗi cung ứng không chỉ giúp bảo đảm an ninh năng lượng, mà còn thúc đẩy đổi mới mô hình sản xuất-kinh doanh, với điện áp mái bán điện lên lưới, hệ thống lưu trữ phân tán, hay tham gia thị trường điện cạnh tranh trong tương lai.

Tuy đóng vai trò quan trọng, nhưng theo ông Long, phần lớn doanh nghiệp năng lượng Việt hiện gặp khó khăn trong tiếp cận vốn đầu tư, đặc biệt là vốn dài hạn cho các dự án điện gió, điện mặt trời hay lưu trữ năng lượng.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần khoảng 134,7 tỷ USD cho chuyển dịch năng lượng, trong đó 70% kỳ vọng đến từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, chỉ khoảng 15-20% doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng ưu đãi.

Một trong những nguyên nhân là hệ sinh thái tài chính xanh chưa hoàn thiện. Việc thiếu cơ chế bảo lãnh tín dụng, chưa có hệ thống đánh giá rủi ro phù hợp với đặc thù dự án năng lượng sạch, chính sách giá điện còn thiếu ổn định... cũng làm gia tăng chi phí tài chính và rủi ro đầu tư.

Từ những thực trạng trên, ông Long đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần khẩn trương thiết lập Quỹ chuyển dịch năng lượng quốc gia nhằm cung cấp tín dụng ưu đãi, bảo lãnh rủi ro, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp đầu tư năng lượng sạch. Đồng thời, cần ban hành khung tín dụng xanh rõ ràng, với hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Các giải pháp hỗ trợ khác cũng được đề xuất như: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế nhập khẩu thiết bị tiết kiệm năng lượng; khấu hao nhanh tài sản đầu tư vào công nghệ năng lượng tái tạo; miễn giảm tiền thuê đất cho dự án điện gió, điện mặt trời; tăng cường hợp tác công-tư (PPP) trong đầu tư điện lực…

Kinh nghiệm từ các quốc gia đi đầu trong chuyển đổi năng lượng cho thấy: Cần kết hợp linh hoạt nhiều công cụ tài chính-kỹ thuật-chính sách. Đức vận hành Quỹ Khí hậu và chuyển đổi (KTF) trị giá hơn 200 tỷ euro. Hàn Quốc có các ngân hàng phát triển xanh, còn Trung Quốc áp dụng hướng dẫn tín dụng xanh, tích hợp vào tiêu chuẩn ngân hàng. Singapore tập trung hỗ trợ thiết bị xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đi kèm đào tạo và theo dõi chỉ số ESG (Môi trường-Xã hội-Quản trị).

Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế bộ chỉ số ESG gắn với hoạt động tín dụng, phát hành trái phiếu xanh, hay xây dựng quỹ hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng như mô hình của các nước, ông Long nêu kiến nghị.

Ông cũng đặc biệt lưu ý vai trò của phối hợp chính sách: Kết hợp tín dụng xanh, trợ cấp thiết bị và thị trường carbon (chứng chỉ xanh) sẽ hình thành hệ sinh thái bền vững hơn thay vì các biện pháp đơn lẻ.

“Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột: Nhà nước-hệ thống tài chính-. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, tài chính là bệ đỡ, còn doanh nghiệp là chủ thể triển khai. Khi ba trụ này cùng vận hành đồng bộ mới có thể tạo bước đột phá thực sự”, PGS, TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Đào tạo nhân lực - gốc rễ cho chuyển đổi số năng lượng

 Tiến sĩ Nguyễn Đạt Minh - Trưởng Khoa Quản lý công nghiệp và năng lượng, Trường Đại học Điện lực.

Tiến sĩ Nguyễn Đạt Minh - Trưởng Khoa Quản lý công nghiệp và năng lượng, Trường Đại học Điện lực.

Bên cạnh tài chính, nhân lực là “mảnh ghép” quan trọng để doanh nghiệp có thể thích ứng với yêu cầu mới của chuyển dịch năng lượng và xu thế số hóa ngành điện. Tiến sĩ Nguyễn Đạt Minh - Trưởng Khoa Quản lý công nghiệp và năng lượng, Trường Đại học Điện lực nhận định, hiện nay ngành năng lượng đang đối diện tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực kỹ thuật cao. Các chương trình đào tạo chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghệ và yêu cầu mới.

Trong thời gian tới, với xu hướng chuyển dịch năng lượng, nhân lực cũng sẽ dịch chuyển dần từ ngành than và năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, lưu trữ điện, thậm chí cả điện hạt nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam đang thiếu hụt đội ngũ kỹ sư và chuyên gia có khả năng làm việc với công nghệ số như AI, dữ liệu lớn, IoT hay lưới điện thông minh.

Theo ông Minh, bên cạnh đào tạo mới kỹ sư và công nhân kỹ thuật, cần đặc biệt chú trọng đào tạo lại (reskilling) và nâng cao kỹ năng (upskilling) cho lực lượng lao động chuyển dịch từ ngành than, nhiệt điện sang năng lượng tái tạo.

Trước xu thế AI, Big Data, IoT, blockchain, điện toán đám mây…, chương trình đào tạo phải tích hợp công nghệ mới. Tiến sĩ Minh đề xuất đổi mới đào tạo thông qua tích hợp e-learning, thực tế ảo (VR/AR), AI vào nội dung và phương pháp giảng dạy, đồng thời kết hợp lý thuyết với thực hành, gắn đào tạo với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đồng hành cùng nhà trường trong xây dựng chương trình, tổ chức thực tập và tuyển dụng theo nhu cầu thực tế.

“Đào tạo là yếu tố quyết định sự thành công của chuyển đổi số năng lượng. Cần có chiến lược dài hạn, phối hợp nhiều bên, tận dụng hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng nhân lực”, ông Minh nhấn mạnh.

 Ông Phạm Anh Cường - nhà sáng lập kiêm CEO hệ sinh thái khởi nghiệp BestB. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ông Phạm Anh Cường - nhà sáng lập kiêm CEO hệ sinh thái khởi nghiệp BestB. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Một trong những xu hướng nổi bật toàn cầu là sự nổi lên của các startup công nghệ trong ngành năng lượng. Ông Phạm Anh Cường, CEO hệ sinh thái khởi nghiệp BestB, cho rằng: Khởi nghiệp năng lượng không chỉ là cơ hội đầu tư mà còn là giải pháp bền vững để đột phá các điểm nghẽn trong .

Việt Nam có nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào, lực lượng lao động trẻ và nhu cầu thị trường lớn. Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp năng lượng còn non trẻ, thiếu không gian thử nghiệm (sandbox), thiếu vốn đầu tư sớm và kết nối với doanh nghiệp lớn.

Trong quá trình chuyển đổi năng lượng, nhiều quốc gia đã chứng minh rằng đổi mới sáng tạo không chỉ đến từ công nghệ mà còn từ mô hình hợp tác, cơ chế chính sách và hệ sinh thái đầu tư phù hợp. Từ thực tiễn quốc tế, có thể rút ra một số bài học quan trọng giúp Việt Nam xây dựng nền tảng vững chắc cho hệ sinh thái khởi nghiệp năng lượng.

Từ các mô hình thành công quốc tế như ARPA-E (Hoa Kỳ), Horizon Europe (EU), ông Cường đề xuất thành lập mô hình “Energy Innovation Partnership” gồm các trụ cột: Nhà nước, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà startup. Mô hình này cần ưu tiên theo ngành dọc như năng lượng mặt trời, lưu trữ điện, carbon offset...

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/go-diem-nghen-tai-chinh-khoi-dong-nhan-luc-so-de-doanh-nghiep-viet-vung-chan-trong-chuoi-cung-ung-nang-luong-post891184.html