Gỡ 'điểm nghẽn' tạo động lực phát triển

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Hà Nội Khóa XVI về kế hoạch vốn đầu tư công, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố và công tác phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội còn rất yếu. Đây chính là 'điểm nghẽn' thành phố cần sớm phải khắc phục để có thể thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.

Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cho rằng, từ đầu năm đến nay, thành phố đã cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19 và triển khai mạnh mẽ các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực hoàn thành các chỉ tiêu năm 2022. Đặc biệt, bằng nỗ lực của hệ thống chính trị, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, tạo tiền đề mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.

Theo đại biểu Phạm Đình Đoàn, bên cạnh những kết quả tích cực, Hà Nội vẫn còn nhiều rào cản về vốn và mặt bằng, dẫn đến các dự án chưa phát huy được như kỳ vọng. "Đáng lưu ý, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 16.6 mới đạt gần 18%, thấp hơn mức trung bình cả nước, trong đó nhiều dự án mới giải ngân dưới 5%. Đây là "điểm nghẽn" trong thúc đẩy phát triển kinh tế những tháng cuối năm phải có giải pháp cụ thể", đại biểu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Xuân Đại đề nghị thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong triển khai các dự án đầu tư công, các công trình trọng điểm để nâng cao tỷ lệ giải ngân; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, thành phố cần khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện để sớm khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Đáng chú ý, đại biểu thuộc các Tổ đại biểu huyện Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh và thị xã Sơn Tây đánh giá công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố còn nhiều tồn tại, khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục hành chính, các quy định mới liên quan đến công tác đấu giá quyền sử dụng đất và có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách năm 2022. Đồng thời, các đại biểu cho rằng thành phố cần nghiên cứu, tiếp tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai; cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan khi có đến 13/25 quận, huyện chưa tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất được, thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất 6 tháng đầu năm mới đạt khoảng 25% dự toán năm 2022...

Khắc phục những bất cập nêu trên, các đại biểu đề xuất, thành phố cần kiến nghị với Trung ương đối với các vướng mắc, bất cập trong các chính sách (như công tác ứng vốn giải phóng mặt bằng thông qua Quỹ Đầu tư phát triển đất, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trên địa bàn thành phố...). Đặc biệt, cần nghiên cứu, tiếp tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai các dự án, trong đó nhấn mạnh việc áp dụng cơ chế này thực hiện cải tạo chung cư cũ và công tác đấu giá, đấu thầu chung, nhằm khơi thông được nguồn lực cho phát triển.

Nhiều đại biểu đánh giá công tác giải ngân đầu tư công còn thấp là điểm "nghẽn" trong thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô thời gian qua
Ảnh: Phi Long

Tiếp tục phân cấp mạnh cho cơ sở

Liên quan đến vấn đề phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, các đại biểu đề nghị UBND thành phố cần đánh giá kỹ hơn việc thực hiện phân cấp gắn với cơ chế phối hợp giữa các ngành của thành phố với nhau, giữa các ngành với các quận, huyện, thị xã. Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, thành phố cần phân tích làm rõ thêm tồn tại và nguyên nhân liên quan đến công tác bàn giao đối với những hạng mục công việc đã thực hiện đấu thầu, khi phân cấp về cấp huyện thì vẫn còn chậm, muộn trong việc chia tách gói thầu, làm gián đoạn triển khai các nhiệm vụ, để thực hiện điều chỉnh phân cấp trong thời gian tới.

Về giải pháp điều chỉnh phân cấp, các đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện theo nguyên tắc cấp nào làm tốt hơn thì giao cho cấp đó thực hiện; từng bước đồng bộ phân cấp đầu tư và quản lý sau đầu tư và đi đôi với phân cấp kinh tế - xã hội là phân cấp nguồn thu nhiệm vụ chi; khi phân cấp phải giảm được số lượng thủ tục hành chính cấp thành phố... Đặc biệt, cần quan tâm tới nhóm địa phương còn khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, hạ tầng kinh tế còn thấp nhằm phục vụ tốt nhất đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu thảo luận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải khẳng định, quan điểm của thành phố là tiếp tục phân cấp mạnh cho cơ sở. Đối với những tồn tại, hạn chế liên quan đến việc phân cấp ủy quyền, hiện nay thành phố đang triển khai nội dung này rất quyết liệt theo phương châm và nguyên tắc 5 rõ đồng thời, từ nay đến tháng 9.2022, thành phố sẽ giao các đơn vị rà soát, xem xét đánh giá để phân cấp mạnh mẽ theo đúng thẩm quyền. "Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện khối lượng công việc lớn, có nhiều nội dung phân công, phân cấp còn chồng chéo dẫn đến việc chỉ đạo, điều hành bị chậm và tính hiệu quả không cao", Phó Chủ tịch UBND thành phố thẳng thắn nhìn nhận.

Giải trình thêm vấn đề các đại biểu đặt ra liên quan đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Hà Minh Hải khẳng định thành phố sẽ tiếp thu toàn bộ nội dung, ý kiến của đại biểu để ban hành cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm tra, đôn đốc, cũng như xem xét vấn đề thể chế để tháo gỡ "điểm nghẽn" và tạo động lực cho phát triển.

Phi Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/go-diem-nghen-tao-dong-luc-phat-trien-i293905/