Gỡ 'điểm nghẽn' trong thanh toán dịch vụ công
Để duy trì hoạt động dịch vụ, bảo đảm đời sống dân sinh, các doanh nghiệp công ích tại Hà Nội đã phải 'ứng' tiền tỷ vận hành phương tiện, trả lương cho công nhân nhưng đến nay khoản kinh phí trên vẫn chưa được thanh toán. Đây là bất cập liên quan đến việc thực hiện Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ 'điểm nghẽn' này.
Nhà máy xử lý nước rác của URENCO. Ảnh minh họa.
“Tắc” thanh toán một số dịch vụ thiết yếu
Thực hiện Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, từ ngày 1-1-2020, nhiều dịch vụ công ích thiết yếu tại Hà Nội như duy tu, duy trì vệ sinh môi trường, thoát nước, xây dựng, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt... chuyển từ hình thức đặt hàng sang thực hiện đấu thầu. Trong quá trình tổ chức thực hiện, một số lĩnh vực chưa hoàn thành công tác đấu thầu trước ngày 31-12-2019. Tuy nhiên, do vẫn phải bảo đảm duy trì hoạt động dịch vụ, bảo đảm đời sống dân sinh, các doanh nghiệp công ích đã phải “ứng” tiền tỷ duy trì hoạt động, trả lương cho công nhân. Đến nay, khoản kinh phí này vẫn chưa được thanh toán khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Thực hiện quy định của Chính phủ, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) đã làm hồ sơ tham gia dự thầu các gói thầu quản lý, duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố. Trong đó, đơn vị trúng 2 gói thầu gồm: Gói thầu Quản lý, duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố khu vực Hữu sông Hồng ngày 15-3-2020 mới có kết quả trúng thầu; Gói thầu Quản lý, duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố khu vực Tả sông Hồng ngày 26-3-2020 mới có kết quả. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2020 đến thời điểm có kết quả trúng thầu, ông Lê Vũ Quảng Sương, Chủ tịch Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị vẫn phải duy trì toàn bộ hoạt động, thực hiện duy tu, duy trì hệ thống thoát nước, bảo đảm an toàn thoát nước. Tính đến khi có kết quả trúng thầu, công ty đã phải ứng ra gần 40 tỷ đồng để tạm ứng chi trả lương cho công nhân, bảo đảm vận hành ổn định hệ thống thoát nước.
Trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, các gói thầu duy trì vệ sinh môi trường tại các quận, huyện, thị xã đã được UBND thành phố thực hiện đấu thầu theo hình thức tập trung (thực hiện giai đoạn 2017-2020) nên theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP, trong năm 2020 chưa cần tổ chức đấu thầu lại. Tuy nhiên, đối với dịch vụ công ích xử lý nước rác tại các khu xử lý là dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước chi trả thường xuyên nên theo nghị định này phải áp dụng đấu thầu. Song, do không bảo đảm đồng thời các điều kiện thực hiện theo phương thức đấu thầu quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP nên gói thầu này cho đến nay mới đang được Sở Xây dựng tổ chức lập hồ sơ mời thầu.
Để bảo đảm tính ổn định, liên tục, không bị gián đoạn, phục vụ an sinh xã hội, bảo đảm vận hành an toàn Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì), các doanh nghiệp xử lý nước rác đã phải ứng tiền bảo đảm duy trì hoạt động của các nhà máy xử lý nước rác. Ông Nguyễn Trường Linh, Trưởng phòng Kinh doanh - Truyền thông, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết: “Từ đầu năm 2020 đến nay, công ty đã phải ứng ra 30 tỷ đồng để duy trì nhà máy thực hiện xử lý nước rác, đến nay vẫn chưa được thanh toán”.
Ngoài ra, liên quan đến vướng mắc trong thanh toán dịch vụ công theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP, URENCO cũng đã ứng ra gần 14 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp duy trì vệ sinh môi trường và quản lý, vận hành bãi rác Nam Sơn, Xuân Sơn mà chưa được thanh toán. Cụ thể, gói thầu quản lý, vận hành bãi rác Nam Sơn, Xuân Sơn đến ngày 22-1-2020 mới có kết quả thầu. Trong khoảng thời gian đó, công ty đã phải bỏ ra khoảng 12 tỷ đồng để duy trì hoạt động quản lý, vận hành tiếp nhận, xử lý rác. Bên cạnh đó, trong sự cố người dân chặn bãi rác Nam Sơn (tháng 7-2020), thực hiện nhiệm vụ đột xuất bảo đảm vệ sinh môi trường, không để rác thải tồn đọng lưu cữu trên đường phố, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Xây dựng, rác thải tại 4 quận lõi Thủ đô được điều chuyển về Khu xử lý Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm). Khối lượng thực hiện ước khoảng 1,7 tỷ đồng và đến nay cũng chưa được thanh toán.
Kiến nghị giải pháp
Thực tế cho thấy, các lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ công thiết yếu sử dụng ngân sách nhà nước không bảo đảm đồng thời các điều kiện thực hiện theo phương thức đặt hàng quy định theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP. Vì vậy, hiện khối lượng thực hiện của các đơn vị hoạt động công ích trong khoảng thời gian trên chưa đủ điều kiện để tạm ứng, thanh toán và quyết toán. Việc này dẫn đến khó khăn cho đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước về nguồn vốn hoạt động và chi trả lương cho người lao động.
Trước tình hình trên, theo Sở Tài chính Hà Nội, UBND thành phố vừa có Văn bản số 5477/UBND-KT ngày 24-11-2020 gửi Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, để có cơ sở thanh toán, quyết toán kinh phí đối với khối lượng đã thực hiện, nhằm tháo gỡ khó khăn cho một số đơn vị cung ứng dịch vụ công ích trong thời gian từ ngày 1-1-2020 đến thời điểm có kết quả trúng thầu, UBND thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép Hà Nội thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước đối với phần khối lượng đã thực hiện. Mức giá không cao hơn giá đã thực hiện đặt hàng theo hợp đồng năm 2019 và giá trúng thầu năm 2020 làm cơ sở để thanh toán và quyết toán kinh phí...