Go Green - miệt mài làm sạch những dòng kênh

Hơn 4 tháng nay, một nhóm bạn trẻ với tên gọi Go Green tự nguyện dọn rác làm sạch những dòng sông, kênh, rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Dù rất vất vả, mệt nhọc với hình thức làm sạch môi trường nước, nhưng cả nhóm vẫn lạc quan, dốc sức vì cộng đồng. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử có cuộc trò chuyện với anh Hồ Văn Vĩ, Trưởng nhóm Go Green về hoạt động thiện nguyện này.

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Phóng viên (PV): Chào anh Vĩ! Tôi đã xem nhiều video dọn rác “nghìn view” của nhóm trên mạng xã hội, nhưng có thể nhiều người chưa biết về Go Green. Anh có thể giới thiệu đôi chút về nhóm?

Anh HồVăn: Go Green được thành lập vào tháng 6-2024, hoạt động chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh. Thành viên trong nhóm đều là các bạn trẻ với đủ mọi ngành nghề. Công việc chính của nhóm là làm sạch những dòng kênh tràn ngập rác thải. Đến nay, Go Green đã tổ chức được 35 buổi hoạt động, hơn 1.550 lượt tình nguyện viên tham gia, thu gom hơn 165 tấn rác, “giải cứu” được hơn 1.300m kênh, rạch bị ô nhiễm.

Anh Hồ Văn Vĩ.

Anh Hồ Văn Vĩ.

PV: Lý do gì để anh bắt đầu công việc này?

Anh Hồ Văn Vĩ: Tính tới nay, mình đã dọn rác được gần 2 năm, với Go Green thì khoảng 4 tháng. Ban đầu, mình và một người bạn tình cờ xem được một video “nghệ thuật” dọn rác trên những dòng kênh của một nhóm bạn trẻ ở Indonesia, phân cảnh trước và sau khi dọn rác, một bên là dòng kênh ngập tràn rác, chỉ sau một lúc đã sạch sẽ, thật sự là mình bị truyền cảm hứng ngay lập tức.

PV: Anh có đề cập tới việc dọn rác làm sạch môi trường nước còn khá mới ở Việt Nam, vậy Go Green đã phải chuẩn bị dụng cụ như thế nào khi mọi thứ còn mới mẻ?

Anh Hồ Văn Vĩ: Dọn rác nước phải chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ đặc thù riêng, lựa chọn các bộ đồ bảo hộ chuyên dụng chống nước, chống cắt. Trong quá trình dọn rác, mặc dù đã mặc đồ bảo hộ nhưng nhiều khi vẫn đụng phải các vật sắc nhọn có thể dẫn đến nguy cơ bị thương cao. Có những con kênh tụi mình nhặt được cả 1.000 kim tiêm. Trong nhóm một số tình nguyện viên đã được trang bị vắc xin để chống uốn ván, thương hàn, một số bạn còn lại chưa được tiêm vì điều kiện kinh phí eo hẹp.

 Nhóm Go Green thường dọn rác vào ngày cuối tuần.

Nhóm Go Green thường dọn rác vào ngày cuối tuần.

PV: Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về quy trình dọn rác?

Anh Hồ Văn Vĩ: Quy trình hoạt động có thể tạm chia làm 3 giai đoạn: Trước, trong và sau dọn rác.

Trước khi dọn rác, Go Green sẽ đi khảo sát các dòng kênh bị ô nhiễm bằng cách coi trên bản đồ, tính dòng nước chảy của nó. Sau đó, nhóm sẽ phối hợp với chính quyền địa phương về các thủ tục cần thiết, chuẩn bị cơm nước, đồ áo, dụng cụ phù hợp số lượng tình nguyện viên. Trong khi dọn rác, mọi người phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả và nhanh chóng. Còn với giai đoạn sau khi dọn rác. Đây tưởng chừng là giai đoạn dễ dàng nhưng thật ra cũng khá phức tạp. Có nhiều địa bàn hẻm nhỏ, tụi mình phải dùng xe rùa, hoặc thuê xe thùng luân phiên chở rác từ từ ra tới chỗ đậu xe rác lớn, sau đó số rác ấy mới về đúng bãi tập kết rác. Cuối cùng thì đặt phao chắn rác để lần sau dễ dọn dẹp hơn. Với dòng kênh nào đã dọn xong hoàn toàn thì đặt những tấm bảng tuyên truyền nhằm lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường đối với mọi người xung quanh.

Cần ý thức và trách nhiệm của cộng đồng

PV: Trong suốt quá trình tham gia dọn rác, anh thấy điều gì cần thay đổi để các con kênh luôn sạch sẽ?

Anh Hồ Văn Vĩ: Vòng lặp “xả rác - dọn xác - lại xả rác” diễn ra đều đặn. Dọn rác thật sự rất mệt, nhưng cũng không mệt bằng khi “thăm” lại những dòng sông đã khơi thông nhưng ít lâu sau nó lại y như cũ, thậm chí còn nhiều rác hơn.

Thành viên nhóm Go Green miệt mài thu gom rác.

Thành viên nhóm Go Green miệt mài thu gom rác.

Nếu muốn các dòng kênh hết rác thì cần sự phối hợp của nhiều tổ chức, cá nhân. Tụi mình mong ở các kênh, mương đã được dọn dẹp sạch sẽ, ngoài việc gắn bảng tuyên truyền thì chính quyền địa phương có thể gắn camera quản lý để xử lý những hành vi cố tình xả rác.

Ngoài ra, cần có những biện pháp để giải quyết các loại rác quá khổ vì người dân cũng không biết vứt chúng đi đâu nên dồn hết xuống kênh, sông. Khi các loại rác quá khổ nằm lâu ngày dưới kênh, ngấm nước rất nặng, có khi lên đến cả tạ, tụi mình phải dùng máy cắt nhỏ rồi dùng máy tời đưa lên rất tốn thời gian và khó khăn.

PV: Anh đã có “thâm niên” 2 năm dọn rác, kỷ niệm nào khiến anh khó quên?

Anh Hồ Văn Vĩ: Với mỗi dòng kênh mình lại có một kỷ niệm riêng. Chẳng hạn, cách đây hai tháng, nhóm mình mới dọn xong một con kênh ở quận Bình Thạnh. Ngay chỗ có rác thì không có đường vào, tụi mình không thể đi qua nhà dân được, may có một chốt dân phòng đồng ý cho tụi mình phá mái tôn để trèo qua, sau đó mới đi xuống được đúng chỗ bãi rác cần dọn.

Còn một dịp khác, tụi mình dọn một con kênh mà rác dày như một rừng cây, dài cả trăm mét, gần 1 tháng mới dọn xong. Người dân rất mừng, họ nói cảm giác như có cơn mưa rào sau bao ngày hạn hán, biến một khu rừng rậm rạp thành hình hài một dòng kênh.

Anh Hồ Văn Vĩ (thứ 3, từ trái sang) cùng tình nguyện viên đặt bảng tuyên truyền tại dòng kênh đã được dọn sạch.

Anh Hồ Văn Vĩ (thứ 3, từ trái sang) cùng tình nguyện viên đặt bảng tuyên truyền tại dòng kênh đã được dọn sạch.

PV: Để Go Green đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, anh códự định gì sắp tới?

Anh Hồ Văn Vĩ: Go Green chỉ đặt ra những mục tiêu cụ thể, có tính khả thi như trong vòng 6 tháng sẽ dọn được bao nhiêu tấn rác, làm sạch được bao nhiêu con kênh. Trước mắt, TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều dòng kênh ô nhiễm, chừng nào làm sạch được hết các dòng kênh chắc chừng ấy tụi mình mới dám đặt thêm kế hoạch tiếp theo.

Còn về vấn đề kinh phí để duy trì cũng là câu chuyện muôn thuở, nhất là với tổ chức tự phát như tụi mình lại càng khó khăn hơn. Nhưng mình vẫn lạc quan lắm, còn người tin tưởng Go Green thì tụi mình còn sẵn sàng dọn rác.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

KIỀU OANH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/go-green-miet-mai-lam-sach-nhung-dong-kenh-800312