Gỡ khó các dự án giao thông trọng điểm tại Đắk Lắk
Chiều 7/5, Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Cụ thể, nội dung làm việc liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột; về điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột Giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; và đường nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột - Đại lộ Đông Tây.
Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn đã trình bày các phương án của Dự án Đường nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với Đại lộ Đông Tây với mục tiêu kết nối trực tiếp các trục giao thông liên vùng Cao tốc Bắc Nam, Quốc lộ 27, Đại lộ Đông Tây với Cảng hàng không Buôn Ma Thuột; phương án kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng yếu. Từ đó tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận.
Đối với Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 1.509,095 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến 39,606 km, được khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2023. Tuy nhiên, dự án gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng khiến nhà thầu hạn chế trong thi công. Hiện dự án đã bàn giao mặt bằng 35,095 km, còn 4,511 km chưa giải phóng mặt bằng do nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó, đoạn thuộc huyện Cư Mgar 1 km, thành phố Buôn Ma Thuột 3,511 km. Khối lượng thực tế thi công khoảng 52,74%.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thành phần 3 (tỉnh Đắk Lắk làm đơn vị chủ quản). Dự án đã bàn giao mặt bằng 44,5 km, còn lại khoảng 3,8 km chủ yếu diện tích rừng chờ chuyển đổi. Hiện dự án gặp khó khăn trong khai thác các mỏ vật liệu và bãi đổ thải vướng pháp lý. Một số địa phương có tuyến cao tốc đi qua chưa hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thành phần 2, đại diện Chủ đầu tư (Ban quản lý Dự án 6, Bộ Giao thông vận tải) cho biết, dự án có hơn 135 ha phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Hiện tại đây chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất rừng liên quan đến dự án, gây bất lợi trong thi công và ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Do đó, chủ đầu tư đề nghị tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan phối hợp với Ban quản lý Dự án 6 sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ vật liệu.
Theo ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, để tháo gỡ khó khăn cho dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành liên quan giải quyết nhanh chóng các bước thủ tục, nhất là liên quan đến cấp phép, khối lượng, số lượng, phương tiện khai thác các mỏ vật liệu để phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên, đối với bãi đổ thải tạm thời vẫn vướng các quy định của pháp luật nên UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn giải quyết. Liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, hiện nay về cơ bản hoàn thành các thủ tục, còn thiếu phương án khai thác, tận thu lâm sản rừng trồng và rừng tự nhiên nên tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục để triển khai thực hiện.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đối với Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh cam kết giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành và đưa vào dự án vào sử dụng kịp chào mừng 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024). Về phía UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư dự án tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng và đốc thúc các nhà thầu tập trung thi công để đảm bảo tiến độ dự án theo kế hoạch.
Đối với vấn đề bãi đổ thải phục vụ dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường sớm triển khai các thủ tục, tham mưa UBND tỉnh chấp thuận các bãi đổ thải để phục vụ thi công dự án, đảm bảo tiến độ đề ra.
Kết luận cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, việc điều chỉnh Quy hoạch cảng hàng không Buôn Ma Thuột Giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Dự án đường nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột - Đại lộ Đông Tây nhằm đáp ứng nhu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, đảm bảo các mục tiêu của hàng không dân dụng, có nhiều đường cất hạ cánh, sân đỗ, nhà ga và đường cất hạ cách quốc tế...
Việc tư vấn, thiết kế đang kế thừa kiến trúc, cảnh quan, phát huy được các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Do đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ có ý kiến với đơn vị tư vấn thiết kế điều chỉnh quy hoạch cũng như xây dựng các tuyến giao thông phù hợp, hiện đại. Song song, giao đơn vị tư vấn lập lại phương án và làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan để thống nhất phương án thực hiện Dự án Đường nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với Đại lộ Đông Tây nhằm kết nối trực tiếp các trục giao thông với Cảng hàng không Buôn Ma Thuột.
Đối với Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đề nghị tỉnh Đắk Lắk xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án để đảm kế hoạch, nhất là tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân chưa đồng thuận nhận hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, nhiều đoạn trên tuyến đường đã thi công cơ bản hoàn thành, tỉnh Đắk Lắk cần kiểm tra, giám sát thường xuyên không để xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Trên các tuyến đã hoàn thành rất dễ xảy ra tai nạn giao thông, tỉnh Đắk Lắk cần tuyên truyền nhân dân tuân thủ các quy định và rà soát, bổ sung hệ thống đèn tín hiệu để đảm bảo an toàn giao thông.
Đối với dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đại diện Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh Đắk Lắk xem xét, thống nhất các vị trí bãi đổ thải để đưa vào hồ sơ dự án nhằm triển khai các bước thủ tục tiếp theo. Bên cạnh đó, sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tỉnh sớm triển khai phương án khai thác lâm sản để bàn giao mặt bằng, phục vụ thi công dự án.