Gỡ khó chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với hộ gia đình

Từ năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo tạm thời chưa thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với hộ gia đình, cá nhân tại 7 huyện, thị xã (Bảo Yên, Văn Bàn, Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa) bởi có sự chồng chéo về diện tích giữa các chủ rừng, việc kế thừa số liệu trước đó để thực hiện chi trả không đảm bảo theo quy định.

Vị trí lô rừng của gia đình anh Hoàng Văn Hà ở thôn Xóm Hạ, xã Xuân Hòa (Bảo Yên) sản xuất nhiều năm nay không có tranh chấp. Tuy nhiên, khi thực hiện đo đạc trên thực địa bằng thiết bị GPS, tọa độ vị trí lô rừng lại không trùng khớp với thông tin ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước thực tế này, anh đã làm đơn đề nghị UBND xã và các cơ quan chức năng giải quyết thủ tục hành chính để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô rừng, đồng thời đo đạc, xác định lâm sinh để gia đình được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

Huyện Bảo Yên có hơn 32.400 ha rừng thuộc lưu vực được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, hiện mới chi trả cho hơn 16.200 ha với chủ rừng là các tổ chức, 14.300 ha còn lại là của hộ gia đình, cá nhân và 1.900 ha rừng trồng của các hộ đang canh tác nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (UBND xã đang quản lý).

Phần diện tích này, từ năm 2022, UBND tỉnh tạm thời chưa phê duyệt chi tiền dịch vụ môi trường rừng do chưa đảm bảo về pháp lý như: Vị trí diện tích được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với diện tích thực tế các hộ gia đình đang quản lý; chồng chéo diện tích giữa các hộ; vị trí trên sổ ở một nơi và vị trí đang quản lý, canh tác lại ở nơi khác; diện tích rừng trồng UBND xã đang quản lý nhưng thực tế người dân đã canh tác từ nhiều năm và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Huyện Bát Xát cũng có hơn 32.200 ha rừng trong lưu vực được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Hiện, toàn huyện có hơn 28.800 ha rừng đã được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, với số tiền hơn 21 tỷ đồng/năm, còn hơn 3.400 ha rừng (chủ yếu của hộ gia đình) chưa xác định được chủ thể nên chưa thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

Theo số liệu thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, năm 2021, diện tích rừng của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được UBND tỉnh phê duyệt chi trả dịch vụ môi trường rừng là 37.437 ha, với hơn 18.600 chủ rừng. Tuy nhiên, diện tích rừng này có nhiều sai khác giữa thực địa so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có sự chồng chéo diện tích rừng giữa các chủ rừng. Do đó, việc kế thừa số liệu để thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng không đảm bảo theo quy định, vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo tạm thời chưa thực hiện chi trả đối với các chủ rừng này. Tuy nhiên, việc chậm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại cơ sở.

Trước thực tế này, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ, phát triển rừng. Các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với người dân tiến hành thủ tục cấp, đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm cơ sở chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định, đồng thời yêu cầu Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, đo đạc diện tích đảm bảo đủ điều kiện để chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã và đang phối hợp với đơn vị tư vấn cùng các chủ rừng thực hiện rà soát diện tích được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng để triển khai ngay việc phê duyệt đơn giá theo đúng quy định. Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đúng diện tích, đúng đối tượng sẽ góp phần tăng thu nhập, cải thiện sinh kế, giúp người dân gắn bó hơn với rừng. Đây là giải pháp bền vững để Lào Cai đạt mục tiêu nâng độ che phủ rừng đạt hơn 60% vào năm 2025.

Kim Thoa - Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/go-kho-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung-doi-voi-ho-gia-dinh-post396064.html