Gỡ khó cho các chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày 16/1, Chính phủ trình Quốc hội Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ và hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Quang Vinh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Quang Vinh.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Tổ 3 gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Nghệ An, Bắc Kạn, Quảng Ngãi. Ảnh: Quang Vinh.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Tổ 3 gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Nghệ An, Bắc Kạn, Quảng Ngãi. Ảnh: Quang Vinh.

8 cơ chế đặc thù

Theo đó, dự thảo Nghị quyết có 8 cơ chế đặc thù. Thứ nhất, về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ hai, về cơ chế điều chỉnh dự toán NSNN, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hàng năm, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế chưa được quy định tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công. Theo đó, HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán NSNN năm 2024 (chi thường xuyên) và dự toán NSNN chưa giải ngân hết trong năm 2023 (bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên được chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2023) của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được chuyển sang năm 2024. UBND cấp tỉnh, huyện, theo thẩm quyền, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSNN của các chương trình mục tiêu quốc gia các năm trước đã được kéo dài sang năm 2024.

Thứ ba, về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế thí điểm khác quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, UBND cấp tỉnh quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất. Trường hợp HĐND cấp tỉnh đã ban hành quy định, UBND cấp tỉnh được quyết định việc sửa đổi, bổ sung và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Thứ tư, về cơ chế sử dụng NSNN trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15. Trong đó, đề xuất quy định chủ dự án phát triển sản xuất (gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của NSNN cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa trong phạm vi nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bổ sung đối tượng được tự thực hiện mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của NSNN).

Thứ năm, về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các quy định khác có liên quan.

Thứ sáu, về cơ chế ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định cụ thể tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công cho phép địa phương sử dụng vốn cân đối của ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho một số đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình.

Thứ bảy, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đề xuất 2 phương án về cơ chế thí điểm phân cấp để triển khai quy định tại Nghị quyết số 100 ngày 24/6/2023 để Quốc hội quyết định.

Thứ tám, về cơ chế giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hàng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, trên cơ sở thực tiễn triển khai và nguyện vọng của nhiều địa phương, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định tại Luật Đầu tư công.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/1/2024 cho đến khi có quy định mới.

Thẩm tra vấn đề trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Hội đồng Dân tộc thống nhất với sự cần thiết về ban hành Nghị quyết như trong Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phân cấp triệt để cho cấp huyện để tạo sự chủ động, linh hoạt

Theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, đa số thành viên Hội đồng Dân tộc có ý kiến bổ sung quy định cho HĐND tỉnh khi phân bổ chi tiết chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm, năm còn lại thì có thể căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương về đối tượng, địa bàn, nhu cầu, bảo đảm nguyên tắc chung nhất là trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, tập trung cho các hoạt động có hiệu quả, mà không nhất thiết phải tuân thủ theo các quy định chi tiết về tiêu chí phân bổ vốn trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn áp dụng cho từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, nên giao thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh được phân bổ, điều chỉnh cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, để tránh lạm dụng trong phân bổ lại ở các địa phương, cần bổ sung quy định nguyên tắc tỷ lệ phân bổ nhất định dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, các hoạt động phát triển sản xuất, an sinh xã hội khác và bổ sung vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội (ví dụ tỷ lệ phân bổ lại cho đầu tư cơ sở hạ tầng không quá 50%) nhằm kiểm soát, bảo đảm mục tiêu chung của các chương trình mục tiêu quốc gia và công bằng giữa các địa phương.

ĐBQH Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh.

ĐBQH Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh.

Bày tỏ về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết, ĐB Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH Đắk Nông) cho rằng, hiện nay việc triển khai thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã bước sang năm thứ 4 tuy nhiên hiện còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình, nhất là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn.

Từ đó, ông Mai đề nghị, các cơ quan có liên quan sớm ban hành cơ chế, hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời cần bổ sung cơ chế tháo gỡ để việc triển khai được thuận lợi hơn như giảm tỷ lệ vốn đối ứng đối với người dân thụ hưởng vì bản thân họ rất khó khăn về điều kiện kinh tế và những địa phương còn khó khăn, phụ thuộc và cân đối ngân sách từ trung ương. Qua đó để đảm bảo việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đúng tiến độ.

Đồng tình với quy định HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần, ĐB Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH Yên Bái) đề nghị, xem xét cho phép HĐND tỉnh điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ chi thường xuyên của các nội dung, dự án không còn đối tượng chi hoặc không có khả năng giải ngân để chuyển sang chi đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới để tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hỗ trợ cho con gia đình nghèo được đi học mẫu giáo

ĐB Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) đề nghị, cần làm rõ khi nào cần thiết HĐND cấp tỉnh phân cấp cho HĐND cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần. Theo đó nên xem xét giao cho HĐND cấp tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tổng kinh phí chi thường xuyên và giao HĐND cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án nội dung thành phần. Qua đó, giúp chủ động cho các huyện và sử dụng chi thường xuyên sát thực tiễn và hiệu quả.

Nêu việc dự thảo Nghị quyết quy định: HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, ĐB Lò Thị Luyến (Đoàn ĐBQH Điện Biên) đặt vấn đề: Trường hợp cần thiết là trường hợp nào? khi nào là cần thiết và khi nào là không cần thiết?

Từ đó bà Luyến đề nghị phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần vì việc điều chỉnh các dự án thành phần thường xuyên, nếu chờ HĐND tỉnh họp thì ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân.

Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng quy định như vậy là thoáng trong phân bổ vốn nhưng băn khoăn về năng lực sử dụng vốn ở cấp huyện để thực hiện các tiểu dự án của chương trình. “Qua nhiều cấp, nhiều nấc như vậy liệu có mất quá nhiều thời gian trong khi các chương trình mục tiêu quốc gia đang có sự chậm trễ” - ông Trí nói đồng thời kiến nghị, sắp xếp kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ các cháu, con của gia đình nghèo được đi nhà trẻ mẫu giáo. Bởi nhiều cháu con của gia đình nghèo là công nhân thu nhập rất thấp, và không có thu nhập ổn định.

“Các chương trình mục tiêu quốc gia thường được xây dựng với mục đích rõ ràng và cố gắng được phân bổ phù hợp. Tuy nhiên chúng ta cần thế hệ con người khỏe mạnh, sung sức để xây dựng đất nước lâu dài. Do đó cần hỗ trợ để các cháu dưới 6 tuổi con của người nghèo được đi nhà trẻ, mẫu giáo” - ông Trí nói.

Thảo luận ở tổ, ĐBQH Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đề nghị, cần quy định rõ hơn đảm bảo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình thực hiện. Theo đó thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 và kế hoạch các năm trước chuyển sang năm 2024 của các chương trình mục tiêu quốc gia. Trường hợp điều chỉnh kế hoạch mà làm thay đổi tổng vốn thực hiện các mục tiêu chương trình được giao thì xem xét giao cho HĐND cấp tỉnh thực hiện nội dung này. Trường hợp điều chỉnh kế hoạch các dự án không làm thay đổi tổng vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia được giao thì xem xét giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/go-kho-cho-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-10271543.html