Gỡ khó cho các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống bạo lực gia đình

Sáng 12/9 tại Hà Nội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức cuộc họp chuyên gia lấy ý kiến đối với Dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Nội dung cuộc họp tập trung việc huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Theo các đại biểu, khi tham gia công tác phòng chống bạo lực gia đình thì các tổ chức xã hội có nhiều thuận lợi như: Sáng tạo về phương pháp tiếp cận và nhiều kinh nghiêm, có khả năng tiếp cận với các nhóm dễ bị tổn thương, huy động được sự tham gia của cộng đồng; là những tổ chức tâm huyết với công tác xã hội và hướng tới cộng đồng. Tuy nhiên các tổ chức xã hội cũng đang gặp nhiều khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ về: Nguồn lực, cơ chế cũng như nhận thức và sự tham gia của người dân.

Bà HOÀNG TÚ ANH, Trưởng mạng lưới Ngăn ngừa và ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam: "Hầu hết nguồn chi cho những dịch vụ thì các tổ chức xã hội đang phải tự vận động từ các nguồn khác nhau. Nếu nói đến thu phí của những người bị bạo lực thì sẽ rất là khó vì họ đã quá khó khăn rồi, nó không phải là nguồn để thu tiền ở đấy. Nếu chúng ta muốn duy trì những dịch vụ đặc biệt, dịch vụ chất lượng thì chúng ta phải có nguồn lực"

Bà NGUYỄN VÂN ANH, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em: "Nhà nước cần có chính sách khuyến khích cộng với việc quản lý để tổ chức xã hội có cơ chế hợp pháp, có sự hỗ trợ của Nhà nước để họ làm tốt công việc của mình để cùng với Nhà nước xây dựng một xã hội an toàn và tốt đẹp"

Theo chuyên gia khuyến nghị, kinh nghiệm một số quốc gia cho thấy, Chính phủ cấp ngân sách hỗ trợ các tổ chức xã hội theo các chương trình và thỏa thuận việc phân bổ ngân sách được thực hiện theo hàng năm với các mục tiêu cụ thể nhưng các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ thực hiện hoàn toàn độc lập với Chính phủ. Ngoài ra, có ý kiến đại biểu cho rằng, cần có sự kết nối giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ nhà nước và tư nhân, các tổ chức xã hội, quan tâm hơn tới dịch vụ dành cho nam giới vì đây là mảng mới ở Việt Nam.

Thực hiện : Như Thảo Khánh Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/go-kho-cho-cac-to-chuc-xa-hoi-tham-gia-phong-chong-bao-luc-gia-dinh