Gỡ khó cho cây thanh long

Những ngày qua, giá thanh long tại Bình Thuận lại xuống thấp khiến nhiều nông dân thua lỗ. Nguyên nhân chính là do trước đây thanh long trồng chủ yếu ở Bình Thuận, nhưng hiện nay hầu hết các địa phương trong cả nước đều trồng được nên tiêu thụ tại thị trường nội địa khó khăn. Trong khi đó, diện tích thanh long ở Bình Thuận không ngừng tăng; việc xuất khẩu chủ yếu là xuất khẩu thô, theo đường tiểu ngạch bấp bênh, hạn chế.

Gia đình bà Võ Thị Hằng, ngụ tại xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đầu tư hàng trăm triệu đồng và tập trung chăm sóc gần 2.000 trụ thanh long hứa hẹn cho lãi cao. Giờ đây bà Hằng như ngồi trên đống “lửa” vì vườn thanh long chín rụng mà chẳng có thương lái nào hỏi mua. Bà đành tự cắt đem chợ bán, giá hơn 500 đồng/kg để gỡ gạc được đồng nào hay đồng ấy. Bà Hằng than thở: Trồng thanh long trái vụ phải chong đèn, chi phí cao, mất nhiều công chăm sóc phải bán với giá 10.000 đồng/kg thì may mới lấy lại được vốn.

Không chỉ gia đình bà Hằng mà nhiều nông dân tại Bình Thuận cũng đang loay hoay tìm nơi tiêu thụ thanh long khi đang trong mùa chín rộ. Theo thống kê của ngành chức năng Bình Thuận, hiện địa phương có hơn 33.000ha thanh long, dự kiến cuối tháng 3 và tháng 4-2022, Bình Thuận có khoảng 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Thị trường khó khăn, không ít nông dân đã bỏ mặc vườn thanh long chín rụng hoặc thuê nhân công dọn vườn, chặt bỏ. Việc thanh long rớt giá trở thành “điệp khúc” trong nhiều năm gần đây ở Bình Thuận.

Thu hoạch thanh long tại Bình Thuận.

Thu hoạch thanh long tại Bình Thuận.

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã trồng được thanh long, khiến tiêu thụ thanh long của Bình Thuận ở thị trường nội địa, xuất khẩu đầy gian nan, giá cả luôn bị đẩy xuống thấp khiến nông dân thua lỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thanh long của Bình Thuận chủ yếu là vừa và nhỏ, công nghệ hạn chế nên sức mua thấp. Toàn tỉnh chỉ có hơn 100 cơ sở, doanh nghiệp đóng gói thanh long xuất khẩu, chế biến sấy khô, sấy dẻo, làm nước ép... chỉ tiêu thụ khoảng 50.000 tấn/năm, chiếm 9% sản lượng thanh long toàn tỉnh. Gần đây, giá xăng, dầu tăng, làm phát sinh thêm chi phí vận chuyển nên việc thu mua thanh long giảm sâu.

Bà Lê Thị Thu Hằng, chủ vựa thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam than thở: Mặc dù mua thanh long tại Bình Thuận giá chỉ hơn 1.000 đồng/kg, nhưng vận chuyển đến TP Hồ Chí Minh và được các thương lái thu mua, bán ra thị trường đã đẩy giá lên hơn 3.000-4.000 đồng/kg đối với thanh long thường và 7.000-10.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ. Với mức giá này, thanh long Bình Thuận khó cạnh tranh với thanh long của các địa phương.

Vùng đất Nam Bộ có nhiều trái cây quanh năm. Mùa thanh long chín rộ cũng là thời điểm, nhiều loại trái cây như bưởi, vú sữa, sầu riêng, xoài, chôm chôm, măng cụt... vào chính vụ nên sức mua đối với thanh long cũng giảm. Trong khi đó, việc xuất khẩu thanh long tại Bình Thuận vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô theo đường tiểu ngạch bằng đường bộ và phụ thuộc vào một thị trường nhất định, khiến việc xuất khẩu luôn bấp bênh thay đổi như thời tiết.

Theo đồng chí Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, trăn trở với khó khăn của nông dân, ngành chức năng Bình Thuận đã nỗ lực tổ chức triển khai nhiều biện pháp, như đẩy mạnh kết nối cung cầu với các địa phương, tích cực giới thiệu quảng bá sản phẩm tìm đầu ra cho thanh long, nhưng giá vẫn ảm đạm, nhiều nông dân bị thua lỗ. Địa phương phải triển khai thêm phương án giảm giá điện và lãi suất vay ngân hàng để hỗ trợ nông dân.

Sản xuất hàng hóa trong kinh tế thị trường, người sản xuất phải chịu sự tác động của nhiều quy luật, như quy luật giá trị, quy luật cung-cầu, quy luật cạnh tranh... Vì vậy, người sản xuất buộc phải luôn năng động, nhạy bén, cải tiến kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tìm chỗ đứng trên thị trường. Do đó để cây thanh long phát triển bền vững, địa phương cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, Bình Thuận cần thực hiện tốt việc quy hoạch diện tích, khu vực trồng. Trong quy hoạch cần phải có chính sách, gắn kết chặt chẽ giữa địa phương với doanh nghiệp và người nông dân, bảo đảm sản xuất, bao tiêu sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, giảm chi phí, nâng cao chất lượng, chế biến đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mới đây, tại hội nghị về tình hình sản xuất, tiêu thụ thanh long ở Bình Thuận, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, để phát triển cây thanh long bền vững, ngành nông nghiệp cần thay đổi tư duy tiếp cận, tổ chức lại sản xuất thanh long và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nếu không thay đổi sẽ càng khó khăn hơn. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ rà soát chuẩn hóa vùng trồng thanh long sát tiềm năng từng địa phương. Việc tổ chức lại sản xuất thanh long phải bắt đầu từ cơ sở, nhận thức của từng nông dân theo hướng rõ về sản xuất, nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh. Các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam phải rà soát thống kê, nắm chắc diện tích, số nông dân sản xuất từ đó tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm”, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, làm theo phong trào, số lượng nhiều nhưng chất lượng hạn chế...

Bài và ảnh: NGUYỄN HIỂN - HỒNG HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-kho-cho-cay-thanh-long-691774