Gỡ khó cho công tác tài chính trường học
Mới đây, UBND TPHCM có kiến nghị gửi Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT về việc tuyển dụng viên chức vào vị trí kế toán trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Đây không phải lần đầu tiên TP đề xuất về vấn đề này. Và, những nan giải xung quanh việc thiếu nhân viên kế toán trường học cũng không phải là câu chuyện duy nhất của TPHCM.
Ba năm trước, UBND TPHCM cũng có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại việc tạm dừng tuyển dụng viên chức làm công tác y tế, tài chính kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Tuy nhiên cho đến nay, TPHCM vẫn chưa nhận được văn bản chấp thuận của Chính phủ.
Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ở TP này phải ký hợp đồng lao động trong thời hạn 1 năm để thực hiện nhiệm vụ tài chính kế toán. Thế nhưng, việc ký hợp đồng này lại không phù hợp với quy định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Xung quanh việc chấm dứt hợp đồng với nhân viên kế toán không ít trường học phải đối diện với nhiều tâm tư, bức xúc của nhân sự cũng như lúng túng trong công tác tài chính.
Không chỉ ở TPHCM, ngành GD-ĐT các tỉnh, thành khác cũng đang đau đầu với vị trí nhân viên kế toán. Tại Quảng Ngãi, nhiều cơ sở giáo dục phải cậy đến nhân viên kế toán xã giúp cho công tác tài chính nhà trường. Kế toán xã không nắm các quy định liên quan đến tài chính trường học nên không mạnh dạn trong việc tham mưu. Nơi nào may mắn còn viên chức kế toán thì nhân viên này phải lo quản công tác tài chính của 3 - 4 trường, nhưng lại không được phụ cấp kiêm nhiệm.
Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, để tháo khó cho nhà trường, tỉnh linh động cho cơ sở giáo dục thuê đơn vị dịch vụ kế toán. Thế nhưng không phải địa phương nào cũng có dịch vụ này, chi phí lại cao, kinh phí cho dịch vụ thuê lấy từ nguồn tự chủ được giao nên ảnh hưởng đến kinh phí dành cho chuyên môn.
Trong bối cảnh hiện nay, công tác tài chính của trường học khá phức tạp, nhạy cảm. Nếu không có nhân sự chất lượng, toàn tâm toàn ý cho lĩnh vực này, công tác quản lý tài chính của người đứng đầu các đơn vị trường học sẽ rất khó khăn. Nhiều vụ việc hiệu trưởng vi phạm trong công tác quản lý tài chính, có nguyên nhân xuất phát từ công tác tham mưu chưa tốt. Ngành Giáo dục ủng hộ chủ trương tinh giản nhưng do có những đặc thù nên ưu tiên hàng đầu vẫn phải bảo đảm đội ngũ nhà giáo, vậy nên lực lượng nhân viên hỗ trợ là đối tượng sắp xếp đầu tiên. Tuy nhiên, sắp xếp bố trí thế nào thì cũng không thể xem nhẹ vị trí người làm công tác tham mưu, quản lý tiền nong của trường học.
Để nhân viên kế toán ổn định tâm lý, toàn tâm toàn ý cho công tác tham mưu tài chính, giúp hiệu trưởng yên tâm điều hành hoạt động nhà trường, cần thiết có cơ chế tháo khó về việc tuyển dụng, sử dụng nhân sự này. Kiến nghị của UBND TPHCM đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho địa phương này được tổ chức tuyển dụng viên chức y tế, kế toán theo Thông tư liên tịch số 06 và Thông tư số 16 của Bộ GD&ĐT để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu cũng là một trong những giải pháp tháo gỡ, rất cần các cấp có thẩm quyền lưu tâm. Vị trí kế toán được chuyên nghiệp hóa sẽ góp phần cho việc minh bạch hóa tài chính nhà trường, đủ điều kiện pháp lý để buộc hiệu trưởng thực hiện công khai minh bạch lĩnh vực tài chính.