Gỡ khó cho điện gió

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng để phát triển các dự án điện gió. Nếu có cơ chế khuyến khích đầu tư hợp lý thì giai đoạn sau năm 2020, Việt Nam sẽ không lo thiếu điện.

Hiện thực hóa tiềm năng điện gió

Trong bối cảnh nguồn cung điện được đánh giá là rất khó khăn, hàng chục dự án quan trọng bổ sung nguồn cung năng lượng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đều đang chậm tiến độ nghiêm trọng thì việc bổ sung nguồn cung từ các dự án điện năng lượng tái tạo càng trở nên quý giá. Việc dự án điện gió Thanglong Wind-khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà (Bình Thuận) của Tập đoàn Enterprize Energy (EE) vừa được cấp giấy phép khảo sát chi tiết kỳ vọng tạo ra bước phát triển nhảy vọt của điện gió Việt Nam. Dự án điện gió Thanglong Wind có tổng công suất đạt khoảng 3.400MW, là một trong những dự án điện gió ngoài khơi có quy mô lớn hàng đầu thế giới hiện nay. Dự án có tổng mức đầu tư gần 12 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia. Dự kiến, giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ bắt đầu đi vào vận hành từ cuối năm 2022. Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi đánh giá: "Dự án điện gió Thanglong Wind có khả năng hiện thực hóa cao. Đây là dự án sử dụng công nghệ tiên tiến và có quy mô tầm cỡ thế giới. Thành công của dự án sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai".

 Ninh Thuận đẩy nhanh các dự án điện gió. Ảnh: TTXVN

Ninh Thuận đẩy nhanh các dự án điện gió. Ảnh: TTXVN

Việt Nam có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển điện gió. Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km, có nắng, có gió gần như quanh năm, với tốc độ gió quanh mức 6,5-7,5m/s và chiều cao tua-bin 120m là có thể hoạt động. Trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thuận lợi cho việc lắp đặt các tua-bin gió lớn. Trong khi đó, con số tương ứng của Campuchia và Thái Lan là 0,2%, Lào 2,9%. Việt Nam cũng đặt mục tiêu công suất điện gió đạt 800MW vào năm 2020, 2.000MW năm 2025 và mức 6.000MW năm 2030; điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030. Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy: Tiềm năng nguồn điện gió Việt Nam có thể phát triển khoảng hơn 100.000MW. Trong đó, tiềm năng điện gió ngoài khơi chiếm 50-60%. Trên cơ sở này, phát triển năng lượng tái tạo đang là xu hướng được Chính phủ Việt Nam khuyến khích thực hiện, thể hiện rõ qua các cơ chế giá điện, tạo chính sách đầu tư thuận lợi…

Đề xuất tư nhân đầu tư vào lưới điện truyền tải

Dù được đánh giá là thị trường tiềm năng để phát triển các dự án điện gió. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5-2019, mới chỉ có 7 nhà máy điện gió được đưa vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 331MW. Một trong những rào cản chính cho phát triển điện gió tại Việt Nam là bấp cập trong hợp đồng mua bán điện, gây khó khăn cho việc thu hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện truyền tải phát triển chưa đồng bộ, ảnh hưởng tới khả năng nối lưới các dự án sau khi hoàn thành.

Theo ông Ashish Sethia, Giám đốc phân tích và cố vấn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tập đoàn tài chính năng lượng mới Bloomberg: Đầu tư cho điện gió là lĩnh vực đòi hỏi chi phí lớn. Vì vậy, hợp đồng mua bán điện của Việt Nam cần sớm được chuẩn hóa, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và được các tổ chức tài chính chấp nhận.

Một số doanh nghiệp sản xuất điện gió, điện mặt trời cho biết, nguồn phát được tư nhân đầu tư và thực hiện rất nhanh trong khi lưới điện không kịp đáp ứng gây ra tình trạng cắt giảm công suất của các dự án điện gió đã diễn ra tại Bình Thuận. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả của dự án, gây lãng phí rất lớn. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc thương mại Công ty TNHH Mainstream Renewable Power Việt Nam, bà Hương Trần cho biết: "Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa bảo đảm cũng là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư điện gió. Các tỉnh phê duyệt đầu tư nhiều dự án điện gió trong khi lưới điện chưa sẵn có… Trong khi đó, các dự án điện gió thường ở những nơi có phụ tải thấp. Muốn nối lưới cần rất nhiều thời gian để xây dựng đường dây truyền tải, thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng cũng rất lâu. Đây cũng là một rủi ro cho nhà đầu tư cấp vốn".

Thừa nhận có thực tế trên, ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: "Việc quá nhiều dự án điện mặt trời tập trung tại một số tỉnh tiềm năng, như Bình Thuận và Ninh Thuận, cùng với sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch, triển khai các dự án nguồn và lưới gây quá tải nghiêm trọng cho lưới điện tại khu vực. Để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã có tờ trình Chính phủ bổ sung quy hoạch tổng sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh, xây dựng các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, các trạm 500kV, đường dây 500kV, mạch kép và các đường dây 220kV, các nhánh rẽ... Dự kiến sẽ có thêm nhiều công trình được đầu tư vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Tuy nhiên, việc đầu tư triển khai xây dựng các đường dây này còn gặp nhiều khó khăn, như: Vốn đầu tư, thời gian thi công, đền bù giải phóng mặt bằng... Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo EVN khẩn trương thực hiện xây dựng các dự án đường dây; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế xã hội hóa trong xây dựng các đường dây truyền tải, giảm áp lực vốn cho EVN, để sớm giải tỏa công suất cho các dự án điện mặt trời, điện gió”.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-kho-cho-dien-gio-582707