Gỡ khó cho doanh nghiệp Ninh Thuận

Ngay từ đầu năm 2025, tỉnh Ninh Thuận đã thể hiện quyết tâm cao trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe và hành động quyết liệt, tỉnh Ninh Thuận triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế-xã hội của địa phương.

Cởi mở đối thoại, lắng nghe kiến nghị

Trong không khí cởi mở, thẳng thắn của Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp đầu năm 2025 do UBND tỉnh Ninh Thuận vừa tổ chức, đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định mong muốn các doanh nghiệp chủ động trao đổi, hiến kế, đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp, thiết thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Với tinh thần đó, nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đã được các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nêu ra. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận cho rằng, với gần 34.000 hộ kinh doanh, đóng góp gần 33% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh, Ninh Thuận cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, xây dựng kênh phân phối hàng hóa, đặc biệt là đối với các sản phẩm OCOP...

 Tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển. Ảnh: VĂN NỶ

Tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển. Ảnh: VĂN NỶ

Năm 2024, tỉnh Ninh Thuận đón hơn 3,4 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 3.900 tỷ đồng, nên các doanh nghiệp hoạt động du lịch rất vui mừng. Vì vậy, để hỗ trợ phát triển du lịch, ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận mong muốn UBND tỉnh Ninh Thuận và các sở, ban, ngành hỗ trợ Hiệp hội Du lịch tỉnh thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp du lịch và chính quyền, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Thuận, thu hút du khách để đạt mục tiêu đón 3,6 triệu lượt khách trong năm 2025.

Không chỉ riêng việc tổ chức hội nghị doanh nghiệp mà thực tế thời gian qua, công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo quyết liệt và là một trong những khâu đột phá trong năm 2024. UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp hằng tháng, quý và theo chuyên đề, tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn. Ngoài ra, địa phương còn tổ chức nhiều hội nghị và cuộc họp chuyên đề để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, khoáng sản, quy hoạch, triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Riêng trong năm 2024, tỉnh Ninh Thuận đã tiếp nhận và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho 37 doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng, đầu tư, xăng dầu và hỗ trợ 6.433 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh với tổng số tiền 389,8 tỷ đồng, trong đó: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho 6.025 lượt/378,3 tỷ đồng; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 408 trường hợp/11,5 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Giải pháp quyết liệt, đồng hành với doanh nghiệp

Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế-xã hội năm 2024 của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phục hồi ổn định và tăng trưởng GRDP đạt 8,74%, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng hầu hết doanh nghiệp đã vượt qua, trụ vững, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập cho người lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ông Trần Phú Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holdings nhận định, việc tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận là cơ hội lớn để thu hút nguồn lực đầu tư, lao động có kỹ thuật cao, chuyên gia trong và ngoài nước; dự án cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.

Với tinh thần cầu thị, lắng nghe và hành động quyết liệt, đồng chí Trần Quốc Nam yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, tăng tốc, bứt phá ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm mới. Mỗi tập thể, cá nhân phải hành động quyết liệt hơn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành, lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp lên hàng đầu. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tập trung giải quyết công việc trách nhiệm, hiệu quả, bảo đảm tiến độ, không để đình trệ công việc của người dân, doanh nghiệp, ưu tiên tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về chính sách đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, quy hoạch để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Kiên quyết khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Cùng với đó, địa phương tiếp tục thực hiện tốt phương châm “chính quyền đồng hành với doanh nghiệp”, tăng cường sự tương tác của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, những vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời cũng như lắng nghe hiến kế thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Thực thi đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh, không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phấn đấu năm 2025 tăng trưởng GRDP toàn tỉnh đạt 13-14%.

Bài và ảnh: VŨ DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-kho-cho-doanh-nghiep-ninh-thuan-816248