Năm 2025 xuất khẩu tôm hướng đến mục tiêu 4,3 tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2025 đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 4-4,3 tỷ USD.

Theo Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, cả nước có trên 749.000 ha tôm nước lợ, sản lượng đạt 1,29 triệu tấn (tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt trên 951.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,95 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 107 thị trường. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hồng Kông tăng từ 11% lên 39%; thị trường Hàn Quốc giảm 3%; thị trường Canada, Anh, Australia tăng từ 4% lên 33%. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc & Hồng Kông là top 3 thị trường nhập khẩu tôm chân trắng của Việt Nam lần lượt chiếm 23%, 13% và 11% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm chân trắng của Việt Nam. Trung Quốc & Hồng Kông, Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng là top 3 thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất của Việt Nam chiếm 23%, 21% và 16% tổng giá trị xuất khẩu tôm sú của Việt Nam.

Năm 2025, Cục Thủy sản đề ra mục tiêu diện tích tôm nuôi đạt 750.000 ha, sản lượng tôm các loại từ 1,3 đến 1,4 triệu tấn (trong đó, tôm thẻ chân trắng trên 1 triệu tấn), kim ngạch xuất khẩu từ 4 đến 4,3 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu trên, Cục Thủy sản đề nghị các địa phương bố trí đủ nguồn lực, tài chính, nhân lực; ưu tiên hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông đầu mối cho vùng nuôi tôm trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành tôm địa phương. Thực hiện có hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị: Cần có các chính sách hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho doanh nghiệp, người nuôi như tạo điều kiện về vốn, giải quyết bất cập liên quan đến chi phí tuân thủ quy định và thủ tục hành chính. Có biện pháp bình ổn các chi phí đầu vào cho sản xuất như giá thức ăn tôm, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống. Đẩy mạnh mã số vùng nuôi phục vụ cho truy xuất nguồn gốc; có chính sách đầu tư, khuyến khích nuôi ngoài tôm chân trắng và cần giữ thế mạnh nuôi tôm sú.

Trịnh Toàn

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/nam-2025-xuat-khau-tom-huong-den-muc-tieu-4-3-ty-usd-469431.html