Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu cách nào?
Kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực, lạm phát ở các quốc gia có dấu hiệu giảm nhiệt, song các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn. Do vậy, DN cần sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương trong hỗ trợ, gỡ khó, đẩy mạnh xuất khẩu.
Lo ngại rủi ro khâu thanh toán
Chia sẻ về những vấn đề khó khăn trong khâu thanh toán tại các thị trường xuất khẩu, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) Lê Hoàng Khánh Nhựt cho biết, DN nào cũng muốn an toàn, hiệu quả nhưng thanh toán hình thức nào cũng ảnh hưởng đến chi phí.
Đối với DRC chọn mua bảo hiểm thanh toán. Ví dụ, tại một số thị trường khó tính như Mỹ luôn yêu cầu cao khắt khe về chất lượng sản phẩm thì DN phải mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm và phải mua tại nước sở tại (Mỹ). Tuy nhiên, DN Việt không thể mua trực tiếp tại Mỹ.
“Đây là một thiệt thòi rất lớn cho DN Việt khi buộc lòng phải mua thông qua trung gia một đối tác khác, vừa mất cơ hội mua bảo hiểm cũng như mất cơ hội đưa sản phẩm lưu hành tại thị trường khắt khe. Mong rằng thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp hỗ trợ DN” – ông Lê Hoàng Khánh Nhựt đề xuất.
Băn khoăn về vấn đề xác minh năng lực đối tác, Giám đốc Trung Nam EMS Nguyễn Anh Huy bày tỏ: hiện DN có đối tác ở hơn 100 quốc gia trên toàn cầu. Công ty kiến nghị các thương vụ, tham tán thương mại sẽ hỗ trợ DN nói chung, Trung Nam EMS nói riêng trong việc xác minh khách hàng tại thị trường khách hàng, bao gồm xác minh năng lực tài chính của các đối tác tại các nước có thương vụ Việt Nam.
Bởi thực tế, trong điều kiện thanh toán hiện nay có những khoản thanh toán sau 30 – 45 ngày rủi ro về tài chính rất cao. DN cũng mong muốn tăng cường hơn nữa vai trò kết nối của Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Nhiều DN xuất khẩu đồng quan điểm mong muốn Bộ Công Thương, các Vụ thị trường, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tăng cường kết nối các khách hàng tại các quốc gia để DN có cơ hội liên hệ, kết nối tìm kiếm cơ hội vào thị trường mới, từ đó mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng doanh thu.
Hiến kế gỡ khó cho doanh nghiệp
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) khuyến nghị, để duy trì sức cạnh tranh, các DN Việt Nam cần duy trì sản xuất sản phẩm chất lượng cao, sáng tạo, tạo ra các sự khác biệt, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm đáp ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn nhu cầu của thị trường, sở thích của người tiêu dùng. Song song đó, thực hành sản xuất bền vững và có trách nhiệm xã hội, điều này có vai trò rất lớn đối với những thị trường như Mỹ.
Bộ Công Thương và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ sẽ luôn đồng hành với các DN trong tìm kiếm đối tác, hỗ trợ thẩm định năng lực DN đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn, để khai thác tốt thị trường, DN cần xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, định vi sản phẩm ở từng phân phúc khác nhau. Trước hết là ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm; tiếp đến là đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, chủ động nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật, rào cản của các thị trường, đảm bảo hồ sơ đầy đủ. DN cần đặc biệt lưu ý đến những yêu cầu về tiêu dùng xanh, quan tâm, nghiên cứu thị trường mới, tiềm năng.
Đối với thị trường Trung Quốc, để tăng xuất khẩu vào thị trường lớn nhất thế giới, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai khuyến cáo, DN cần tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước bạn; tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương qua các hội chợ, triển lãm; thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, chính sách, quy định xuất nhập khẩu...
Bên cạnh đó, cần xác minh thực lực và uy tín của các DN Trung Quốc nhất là các đối tác được tìm kiếm qua hình thức internet. Mọi giao dịch đều phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ và có tính ràng buộc cao.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng được thương hiệu, chú trọng xây dựng bao bì, mẫu mã phù hợp với thị trường Trung Quốc; có cán bộ am hiểu tiếng Trung Quốc để thuận tiện trong công tác giao dịch với đối tác là những tiêu chí mà DN Việt cần phải có.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/go-kho-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-cach-nao.html