Gỡ khó cho kinh tế trang trại về đất đai
Kinh tế trang trại có nhiều ưu việt, như gia tăng khả năng tích tụ đất, giá trị sử dụng đất cao… Tuy nhiên, thực tế tại Hà Nội và nhiều địa phương khác cho thấy, khung pháp lý cho kinh tế trang trại vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được Nhà nước tháo gỡ. Qua đó, tạo điều kiện cho các trang trại phát triển theo đúng quy định, đúng xu thế cũng như mang lại tối đa giá trị cho người sản xuất.
Thiếu cơ chế quản lý, sử dụng
Đến tham quan trang trại tổng hợp rộng 14ha của gia đình bà Phùng Thị Thơ, ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì) ai cũng phải khen, bởi cây ăn quả, chuồng trại chăn nuôi, ao cá… được quy hoạch bài bản. Lãnh đạo các ngành, địa phương, đoàn thể cũng như gia đình bà Thơ đều mong muốn xây dựng khu trang trại này thành hình mẫu trong việc phát triển kinh tế trang trại gắn với du lịch tham quan trải nghiệm. Để làm được như vậy phải có hạ tầng phục vụ đi kèm, như khu vực chế biến nông sản phục vụ khách du lịch đến trải nghiệm, mua sắm, khu ăn uống, nghỉ ngơi…
Mặc dù có đủ tiềm lực, nhưng gia đình bà Thơ không dám đầu tư, bởi các quy định hiện hành vẫn chưa rõ ràng. Bà Thơ chia sẻ: “Mình đi đầu, làm điểm không khéo lại bị cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm. Chính vì vậy, dù định hướng phát triển trồng trọt, chăn nuôi gắn với chế biến nông sản phục vụ du lịch của gia đình tôi đã có từ 5 năm nay, song đến nay vẫn chưa thành hiện thực”.
Nhiều chủ trang trại ở Hà Nội cũng trong tình cảnh tương tự như gia đình bà Thơ.
Việc sử dụng một phần đất trang trại để xây dựng nhà xưởng cho công đoạn sơ chế, bảo quản nông sản và các hạ tầng thiết yếu, phục vụ phát triển du lịch sinh thái… đang gặp một số rào cản pháp lý, khiến các mô hình trang trại trên địa bàn thành phố chưa phát triển xứng tầm, đúng xu thế phát triển nông nghiệp đô thị của Thủ đô.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình phân tích, trong Luật Đất đai 2013, các quy định về sử dụng đất đối với các trang trại mới chỉ dừng ở việc sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp, chưa tích hợp, kết nối gắn kết giữa mục đích sử dụng đất nông nghiệp với các mục đích khác, nhất là mục đích dịch vụ.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho rằng, Điều 142, Luật Đất đai 2013 có đề cập đến khía cạnh sử dụng đất trong kinh tế trang trại để phát triển du lịch nông nghiệp, dịch vụ, song rất mờ nhạt, chung chung. Theo ông Bùi Công Thản, Nhà nước khuyến khích hình thức kinh tế trang trại của hộ gia đình, cá nhân nhằm khai thác có hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản gắn với dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tuy vậy, thực hiện cụ thể thế nào lại cần cân nhắc nhiều nhẽ. Trong một số trường hợp, nếu địa phương đồng ý cho các chủ trang trại xây dựng khu chế biến bảo quản nông sản kiên cố, ứng dụng công nghệ, hoặc cho phép phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm lại thành buông lỏng quản lý, vi phạm về quy định trật tự xây dựng, quản lý đất đai, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Chuyên viên cao cấp Nguyễn Văn Chung, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, hoạt động của các trang trại gặp khó khăn là do các quy định của pháp luật thiếu cụ thể, tản mạn. Mặt khác, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại lại nằm ở nhiều văn bản, nên khó triển khai, tiếp cận. Việc này dẫn đến nhiều trang trại “lách luật”, xây dựng công trình “tạm bợ”, vừa mất mỹ quan, vừa hạn chế hiệu quả sử dụng đất.
Tạo hành lang pháp lý
Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh nhận định, do không tích tụ được đất đai, sử dụng đất nông nghiệp kém hiệu quả, nên người dân một số địa phương bỏ đất, ruộng nhiều. Những nơi quản lý chặt không phát huy được hiệu suất sản xuất nông nghiệp; còn những nơi quản lý lỏng lại dẫn đến tình trạng biến đất trang trại thành nhà hàng, khách sạn… Để khắc phục hạn chế, phát huy tiềm năng đất đai, Hà Nội cần xây dựng mô hình cụ thể, làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.
Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, thành phố Hà Nội định hướng phát triển kinh tế trang trại là hướng tới nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm. Do vậy, các văn bản pháp luật cần thống nhất, theo hướng có các quy định cụ thể về phần đất “gia tăng dịch vụ” để làm cơ sở, căn cứ cho các địa phương, đơn vị thực hiện.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc thí điểm mô hình trang trại kết hợp du lịch sinh thái, chế biến, bảo quản nông sản… là phù hợp với xu hướng hiện nay, song quá trình triển khai nảy sinh nhiều vấn đề mới. Do vậy, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về mô hình, kể cả mô hình do người nông dân làm chủ hay các mô hình hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã và sự thống nhất giữa các cơ quan tham mưu của thành phố trong triển khai thực hiện.
Trong khi đó, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) Nguyễn Tất Thắng kiến nghị, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tới đây cần bổ sung, làm rõ mục đích sử dụng đất của các trang trại, ngoài mục đích sản xuất nông nghiệp, còn được kết hợp du lịch, dịch vụ, chế biến… với diện tích, quy mô xây dựng, tiêu chuẩn… một cách cụ thể, minh bạch, tránh cơ chế xin cho.
Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đào Trung Chính cho biết, phát triển kinh tế trang trại gắn với du lịch, dịch vụ, chế biến nông sản… là mô hình phát sinh từ nhu cầu thực tế, nên chưa có quy định đầy đủ của pháp luật đất đai và một số pháp luật khác liên quan. Do vậy, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật sẽ tạo hành lang pháp lý cho loại hình này phát triển đúng quy định pháp luật.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/go-kho-cho-kinh-te-trang-trai-ve-dat-dai-638052.html