Gỡ khó cho nghề giã cào
Tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo tạm dừng đóng mới tàu hành nghề giã cào và khuyến khích ngư dân cải hoán phương tiện chuyển sang ngành nghề khác.
Thời gian gần đây, tại các tỉnh miền Trung, các cơ quan chức năng bắt giữ nhiều tàu cá khai thác giã cào trái phép. Cùng với việc xử lý vi phạm, các địa phương khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Hàng chục năm gắn bó và làm giàu từ biển nhưng mấy năm gần đây, ngư dân Trần Văn Dũng, ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi lại lâm cảnh nợ nần. Ông Dũng vừa phải bán tháo con tàu giã cào gần 6 tỷ đồng với giá bán rẻ hơn 1 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng. Ông Dũng than thở, ở làng chài Nghĩa An, bán được tàu như ông Dũng đã là may, hàng chục ngư dân hành nghề giã cào không đi biển được, cho tàu nằm bờ, nợ nần chồng chất.
“Tàu thuyền không đi sản xuất được, không làm ra tiền, không trả được tiền lãi và gốc. Điều kiện gia đình rất khó khăn” - ông Dũng cho biết.
Tàu giã cào không vươn khơi kéo theo hàng loạt các dịch vụ hậu cần trên bờ cũng đứng bánh. Gần 20 năm hoạt động nhưng chưa bao giờ ông Lê Văn Cường, chủ cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền Tân An lại thấy bí bách như hiện nay. Khi nghề giã cào còn ăn nên làm ra, mùa này phân xưởng của ông, hàng chục lao động không ngớt việc làm, nhưng nay, cơ sở im ắng, không có việc gì làm. 3 con tàu giã cào đóng mới dang dở nằm phơi giữa nắng mưa hơn 3 năm nay. Nhiều chủ tàu bỏ luôn tiền cọc cả trăm triệu đồng khiến ông Lê Văn Cường phải ôm nợ hàng tỷ đồng.
“Mấy năm trước, thời điểm này kêu không có nhân công để làm. Bây giờ lao động thất nghiệp, đi các tỉnh khác làm” - ông Cường nói.
Trước năm 2015, nghề giã cào thu lãi cao, nhiều ngư dân ồ ạt vay vốn đóng tàu cá công suất lớn. Do phát triển quá nóng, trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, chi phí nhân công và nhiên liệu tăng cao dẫn đến hiệu quả phiên biển giảm. Làm ăn thua lỗ, thiếu bạn đi biển nên nhiều chủ tàu đành phải cho tàu nằm bờ, lâm cảnh nợ nần…
Bà Hồ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi cho rằng, về lâu dài cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân hành nghề giã cào chuyển đổi nghề nghiệp.
“Địa phương thấy rất khó vì kinh phí chuyển đổi ngành nghề rất lớn và liên quan đến kinh nghiệm của bà con. Khi đã làm nghề giã cào rồi mà làm nghề khác thì phải học hỏi thêm kinh nghiệm. Địa phương kiến nghị các cấp quan tâm đến nghề biển” - bà Thu cho biết.
“Lọc nước lấy cá” là cách nói ví von của ngư dân đối với nghề giã cào hay còn gọi là nghề lưới kéo. Với kiểu đánh bắt tận diệt này khiến cho sinh vật tầng đáy bị hủy diệt, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt … Từ năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cảnh báo về tác hại của nghề giã cào và chỉ đạo các địa phương không cấp phép, cải hoán đóng mới tàu làm nghề lưới kéo, giã cào. Là địa phương có số lượng tàu hành nghề giã cào khá cao, năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương tạm dừng đóng mới tàu cá hành nghề giã cào và khuyến khích ngư dân cải hoán phương tiện chuyển sang ngành nghề khai thác khác.
Theo ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, địa phương hiện có hơn 1.600 tàu giã cào. Ngành Nông nghiệp Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương ven biển rà soát, xây dựng phương án chuyển đổi nghề cho ngư dân.
“Chúng tôi tham mưu sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn trình HĐND và UBND tỉnh thông qua chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề lưới kéo sang cá nghề khác thân thiện với nguồn lợi thủy sản. Các chủ tàu làm nghề lưới kéo có nhu cầu chuyển sang các nghề khác, sẽ được hỗ trợ mức từ 100 - 150 triệu đồng/ tàu” - ông Toàn nói./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/go-kho-cho-nghe-gia-cao-1049299.vov