Gỡ khó cho ngư dân trong việc cải hoán, nâng cấp tàu cá
Trước đây, nhiều ngư dân ở các địa phương ven biển trong tỉnh đã tự ý nâng cấp, cải hoán tàu cá để vươn khơi khai thác hải sản không theo hướng dẫn gây khó khăn cho việc cấp giấy chứng nhận khai thác hải sản theo hạn ngạch.
Quản lý, giám sát tàu cá công suất lớn cập cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc) theo quy định.
Trước thực trạng trên, Chi cục Thủy sản đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi.
Thực hiện Quyết định số 1481/QĐ-BNN–TCTS ngày 2-5-2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giao hạn ngạch khai thác thủy sản ở vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó, tỉnh Thanh Hóa được phân bổ 1.674 tàu cá. Chủ tịch UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 4555/QĐ–UBND ngày 1-11-2019 công bố hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng lộng và vùng ven bờ cho 3.894 tàu cá. Quy định về hạn ngạch khai thác thủy sản là thực sự cần thiết, nhằm tăng cường quản lý hướng tới nghề cá khai thác có trách nhiệm. Tuy nhiên, khi triển khai về các địa phương đã phát sinh những bất cập, ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch. Thực tế ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn, cho thấy: Nhiều tàu cá thiếu giấy tờ hoặc hết hạn đăng ký, đăng kiểm; cải tạo tàu thuyền không báo cáo và không có hóa đơn, chứng từ của các cơ sở cải hoán để làm căn cứ cấp giấy phép theo quy định... Trước đây, điều kiện để chủ tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản xa bờ là tàu cá phải bảo đảm công suất máy chính từ 90CV trở lên, vì thế chiều dài của tàu ít được chủ tàu quan tâm. Do đó, khi Luật Thủy sản 2017 quy định chiều dài cụ thể của tàu cá, thì nhiều tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh gặp khó. Nhiều tàu cá có công suất lớn hơn 90CV, nhưng chiều dài dưới 15m không được khai thác vùng khơi mà chỉ hoạt động trong vùng lộng. Ngư dân Nguyễn Văn Lại, phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn) chủ tàu cá TH-3104TS, cho biết: Trước đây tàu cá của gia đình công suất 18 CV chuyên khai thác hải sản ở vùng lộng, do nhu cầu khai thác, gia đình đã tự ý cải hoán, nâng cấp tàu cá mà không làm các thủ tục theo quy định. Ngoài ra, Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn từ năm 2016 đến nay không làm thủ tục để gia hạn. Vì vậy, các lực lượng tuần tra kiểm soát ở cửa biển Lạch Hới yêu cầu chúng tôi ngừng đánh bắt và làm thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, các giấy tờ liên quan đến cải hoán tàu cá không có nên rất mong các cấp chính quyền và các ngành có liên quan tạo điều kiện để chúng tôi được vươn khơi, bám biển.
Để giải quyết những khó khăn, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền cho ngư dân khai thác thủy sản theo đúng giấy phép được các cấp có thẩm quyền cấp, theo Luật Thủy sản năm 2017, khuyến cáo ngư dân không được tự ý cải hoán tàu cá khi chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đang rà soát, thông báo cho chủ tàu, ngư dân đối với nhóm tàu cá có công suất từ 90CV trở lên nhưng chiều dài dưới 15m đăng ký nhu cầu cải hoán tàu cá để sở tổng hợp đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép các tàu dưới 15m được cải hoán lên 15m, để cấp hạn ngạch bổ sung cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi.
Ông Lê Bá Lực, Trưởng Phòng Quản lý khai thác nghề cá, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, cho biết: Để bảo đảm các quyền lợi và tránh rủi ro, ngư dân chỉ cải hoán khi được các cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo cụ thể, có hướng dẫn rõ ràng. Không nên tự cải hoán một cách tự phát tiềm ẩn hai rủi ro lớn, thứ nhất nếu người dân tự ý cải hoán không được sự đồng ý của cơ quan chức năng sẽ bị xử phạt theo quy định, thứ hai tàu sau khi được ngư dân tự ý cải hoán sẽ không được cấp phép khai thác ở vùng khơi do không có hạn ngạch, đồng thời cũng không thể khai thác thủy sản ở vùng lộng do tàu đã cải hoán trên 15m. Trước khi cải hoán tàu cá, chủ tàu phải gửi đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đến cơ sở đăng kiểm tàu cá, kèm theo bản chụp hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được đăng kiểm thẩm định, phê duyệt. Sau khi hoàn thành cải hoán, đủ các điều kiện theo quy định, chủ tàu gửi đơn đề nghị (kèm theo bản chụp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, chứng chỉ máy trưởng, thuyền trưởng) đến Chi cục Thủy sản tỉnh, để được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định.